rtx3g60a.jpg

Bài phát biểu khai mạc được dành cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Ấn Độ đưa ra bài diễn văn tại hội nghị này và ông đã sử dụng cơ hội đó để nhấn mạnh sự gắn kết lịch sử giữa Ấn Độ với khu vực. Đặc biệt, ông Modi nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc Ấn Độ-Đông Nam Á là "mối quan hệ liền núi liền sông". Ông Modi cũng cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "khu vực tự nhiên" với Đông Nam Á ở trung tâm, đồng thời hoan nghênh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã "đặt nền tảng cho khu vực này". Ông Modi đã diễn tả tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "tất cả các quốc gia đều có quyền tiếp cận bình đẳng theo luật pháp quốc tế trong việc sử dụng các không gian chung trên biển, trên không. Những điều đó sẽ đưa lại quyền tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế".

Ông Modi đánh giá cao vai trò quan trọng của Singapore và cho rằng "khi các vùng biển được mở cửa, an toàn, các quốc gia có thể kết nối với nhau, thúc đẩy các quy phạm pháp luật, khu vực sẽ trở nên ổn định, các quốc gia từ nhỏ tới lớn đều phát triển thịnh vượng như những nước có chủ quyền thực sự. Các nước này muốn tự do và không sợ hãi". Ông Modi cũng nói thêm: "Tấm gương của Singapore thể hiện khi các quốc gia trong khu vực ủng hộ những nguyên tắc đó, không chịu đứng sau một cường quốc hay thế lực nào, thì họ có thể giành được sự tôn trọng của thế giới và có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế".

Ông Modi nhấn mạnh chuyến thăm của ông tới Jakarta trong dịp tới Singapore dự hội nghị, trong đó ông Modi và Tổng thống Joko Widodo đã nâng cấp quan hệ 2 nước lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện" và đưa ra Tuyên bố chung về "tầm nhìn chung cho hợp tác hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Điều này phản ánh việc coi trọng sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Indonesia, cũng như phản ánh sự gắn kết của Ấn Độ đối với chiến lược này. Tầm nhìn chung Ấn Độ-Indonesia kêu gọi hợp tác quốc phòng và chiến lược sâu sắc hơn, bao gồm kế hoạch xây dựng cảng biển chiến lược của Ấn Độ tại đảo Sabang vốn nằm ngay cửa ngõ Eo biển Malacca. Kế hoạch này không thể thoát khỏi sự chú ý của Trung Quốc và họ đã thể hiện quan điểm thông qua tờ "Thời báo Hoàn Cầu", cho rằng "Ấn Độ đã lừa phỉnh chính họ một cách trái luật pháp về sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và rốt cuộc thì họ tự đốt ngón tay của mình".

Bài phát biểu của ông Modi cũng đề cập nội dung ngắn về mối quan hệ tích cực giữa Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc. Ông diễn tả mối quan hệ sâu sắc Ấn-Mỹ đã "vượt qua sự do dự trong lịch sử" và hiện là đối tác chiến lược lớn dựa trên "tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở cửa, ổn định, an ninh và thịnh vượng". Trong khi đó, ông Modi cho rằng quan hệ Ấn-Trung ít nồng ấm hơn, song thừa nhận 2 nước đã mở rộng quan hệ thương mại và hợp tác trên các lĩnh vực khác để thúc đẩy "lòng tin, sự tin cậy, hiểu biết về những lợi ích của nhau".

Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã mở đầu cho ngày làm việc tiếp theo của hội nghị, trong đó vạch ra khuôn khổ của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được nêu ra dưới thời Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lặp lại một số tình hình khu vực đã được đề cập trong phần phát biểu của ông Modi. Ông Mattis đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, ủng hộ quan hệ đối tác với ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời tái đảm bảo với các nước Đông Nam Á rằng chiến lược này ở mức độ nào đó, khi được đúc kết thành cơ chế hợp tác "Đối thoại Tứ giác" (Ấn Độ - Mỹ - Úc - Nhật Bản) không có nghĩa là loại trừ hoặc giảm bớt vai trò của Đông Nam Á. Ông Mattis cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đoàn kết ASEAN, cho rằng "ngày càng có nhiều nước thành viên ASEAN thể hiện quan điểm riêng và cách tốt hơn là các nước này nên thúc đẩy sự tự do trong khu vực trước các hành động cưỡng ép và tôn trọng luật pháp quốc tế".

Ông Mattis chú trọng đề cập nhiều đến bối cảnh tình hình hơn là truyền tải thông điệp. Ông Mattis đã phác thảo chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa" gồm 4 yếu tố: tập trung vào lĩnh vực hàng hải và bảo vệ các quyền tự do hàng hải; xây dựng mạng lưới đồng minh, đối tác; đẩy mạnh quy phạm pháp luật, xã hội dân sự, minh bạch trong điều hành chính phủ; phát triển kinh tế với vai trò đi đầu của lĩnh vực tư nhân.

Ông Mattis cũng khẳng định "chiến lược của Mỹ thừa nhận không một nước nào có thể hoặc sẽ thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là một nguyên tắc mà ASEAN nên đưa vào vấn đề Biển Đông, ví dụ như không một quốc gia nào có thể ra luật lệ với các vùng biển và thống trị không gian địa chiến lược của Biển Đông. Đó có thể là dấu hiệu về sự can dự của Mỹ.

Giới quan sát quốc tế vẫn đang chờ xem liệu các nước ở Đông Nam Á và rộng hơn ở khu vực vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ đánh giá tính chất "hay thay đổi" ở Washington có phải là vấn đề ít gây quan ngại hơn với việc Trung Quốc gia tăng tham vọng hàng hải trong khu vực. Theo bài phát biểu bế mạc của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tiến hành các hành động đơn phương gây chệch hướng các tiêu chí toàn cầu, thách thức các quy tắc được thống nhất về cách hành xử và giữ nguyên trạng. Các nước trong khu vực không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nỗ lực tìm cách thích nghi khi những quy tắc đó bị thay đổi.

Tác giả là bà Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS. Bài phân tích đăng trên “CSIS”.

Vũ Hiền (gt)