AmericanEagle_34.jpg

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở về sau chuyến công du tới châu Âu và Trung Đông, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục đề ra các sáng kiến liên quan đến chính sách quốc phòng và đối ngoại thông qua nhiều bộ ngành và cơ quan. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là nguyên tắc nào sẽ hữu ích trong việc hình thành các sáng kiến như vậy và phù hợp với các tuyên bố hiện nay về ý định của tổng thống?

Ở thời điểm hiện nay, mô hình gồm địa chính trị, sự cạnh tranh chiến lược và xung đột quốc tế vẫn chưa biến mất. Các đối thủ của Mỹ ở nước ngoài cũng vậy. Trái lại, rất nhiều trong số đó đã có thể thích nghi, tồn tại và thậm chí phát triển. Mỹ tiếp tục sống trong môi trường quốc tế đầy cạnh tranh, không chỉ về mặt kinh tế, mà cả về mặt chiến lược. Hiện tại, Mỹ cần chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kéo dài.

Trong bối cảnh này, chắc chắc sẽ có nhiều lời “xúi giục” Mỹ rút lui khỏi cuộc cạnh tranh. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện ngầm ở nước ngoài một cách khôn ngoan. Điều này không đòi hỏi sự can thiệp mới trong tất cả các trường hợp. Trên thực tế, trong những năm gần đây, quan điểm người dân và xu hướng chính trị ở Mỹ đôi lúc tỏ ra bi quan về các lợi ích của việc can thiệp quốc tế.

Tuy nhiên, đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, với những khả năng không thể sánh kịp, nếu giới lãnh đạo lựa chọn sử dụng chúng một cách hiệu quả. Cụ thể, hệ thống liên minh của Mỹ là một “tài sản” quý giá và không thể so sánh với bất kỳ sức mạnh nào khác. Nếu liên minh này không tồn tại, trong bối cảnh các thách thức vẫn đang tiếp diễn, Mỹ sẽ phải tái lập các liên minh khác với phí tổn cao. Như vậy, tại sao Mỹ lại từ bỏ họ?

Xét về các mối đe dọa tới các lợi ích của Mỹ, các thách thức hiện tại tới từ ba nhân tố khác nhau. Thứ nhất là, các đối thủ cạnh tranh chính là Nga và Trung Quốc. Thứ hai, các đối thủ “cứng đầu” như Triều Tiên và Iran. Và cuối cùng là các phần tử khủng bố thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda. Cả ba loại đối thủ trên đều có tính độc tài. Trong quan hệ với các đối thủ chính - và thậm chí trong quan hệ với các kẻ thù “cứng đầu” - Mỹ thường không cần có chính sách công khai về việc trực tiếp thay đổi chế độ. Thay vào đó, Mỹ nên tìm cách áp đặt trừng phạt, giành lấy ảnh hưởng và tăng cường sức ép với các nhà nước này dù theo các cách khác nhau trong từng khu vực. Mỹ nên khôi phục nghệ thuật “răn đe” để né tránh cuộc chiến công khai.

Mỹ cũng cần phân biệt rõ ràng giữa bạn và thù. Điều này giúp Mỹ không cần giành quá nhiều thời gian thúc ép các đồng minh trong các vấn đề nội bộ của họ. Mỹ nên bảo vệ và hỗ trợ các đồng minh quốc tế, trong khi đồng thời chống lại các địch thủ. Mỹ nên áp dụng nhiều công cụ chính sách hơn để vô hiệu hóa và gây sức ép với các đối thủ chính, các kẻ thù và các phần tử khủng bố Hồi giáo. Các công cụ chính sách đó bao gồm việc tái cân bằng các quan hệ liên minh, sự trợ giúp có trách nhiệm của nước ngoài, các lệnh trừng phạt kinh tế phù hợp, hành động khiêu khích ngầm, thỏa thuận thương mại song phương, tăng cường khả năng tình báo, biện pháp ngoại giao thận trọng, sử dụng ảnh hưởng quân sự và gia tăng chi tiêu quốc phòng. Trong quan hệ với các tổ chức khủng bố thánh chiến, những kẻ tìm cách giết hại các công dân Mỹ, mục tiêu ở đây là phải tiêu diệt chúng.

Như vậy, thách thức lớn hiện nay không phải là việc tự do hóa hay toàn cầu hóa hơn nữa một trật tự do Mỹ đang dẫn đầu, mà đơn giản là bảo vệ trật tự đó để nó phục vụ tốt hơn cho các lợi ích quốc gia của Mỹ. Mỹ luôn hy vọng mở rộng nền dân chủ ở nước ngoài nhưng đa phần các kẻ thù của Mỹ sẽ không nhanh chóng thay đổi, và Mỹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh quốc tế.

Giờ đây, chính phủ ông Trump sẽ phải thực hiện nốt những phát biểu đúng sự thật nhất mà cựu Tổng thống Barack Obama từng đưa ra, khi ông đề cập trực tiếp đến các kẻ thù cứng đầu nhất của Mỹ: “Các người không thể tồn tại lâu hơn chúng tôi, và chúng tôi sẽ đánh bại các người”.

Tác giả là Colin Dueck, Giáo sư tại Trường Schar về Chính sách và Chính phủ thuộc Đại học George Mason. Bài viết đăng trên “National interest”.

Mỹ Anh (gt)