160112_taiwan_one_china_policy_flag1.jpg

Mối quan hệ “tay ba” kỳ quặc giữa Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ vài tuần trở lại đây đã có những diễn biến quan trọng. Đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Đạo luật Đi lại Đài Loan, được xem như một chính sách mới của Mỹ khuyến khích các tiếp xúc cấp cao, cả trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, bất chấp việc những hoạt động này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc. Sau đó, quan chức phụ trách tình báo Đài Loan cảnh báo rằng Chính quyền Trung Quốc, ngày càng lớn mạnh và quyết đoán dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, đang “dùng những chiến thuật hăm dọa và những tuyên bố cứng rắn” trong quan hệ với hòn đảo mà Bắc Kinh xem là một tỉnh. Triều Tiên và Biển Đông là những điểm nóng của châu Á thu hút sự chú ý của dư luận. Song tình hình ở Eo biển Đài Loan đang căng thẳng hơn và nguy cơ nảy sinh khủng hoảng cũng ngày một lớn.

Quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan chưa bao giờ được xem là hòa hợp, song vẫn tồn tại được lâu hơn những gì mà người ta từng dự đoán. Trong giai đoạn 2008-2016, Trung Quốc thúc đẩy mục tiêu thống nhất trước hết là bằng những “củ cà rốt”, cụ thể là tăng cường hợp tác với chính quyền tương đối thân thiện của Tổng thống Mã Anh Cửu để cải thiện quan hệ kinh tế, văn hóa và chính trị. Ý tưởng đằng sau chính sách này là thiết lập một mối quan hệ ràng buộc và đa dạng giữa Đài Loan với đại lục để dần dần sáp nhập hòn đảo này một cách hòa bình. Trong nhiều năm, giới lãnh đạo Trung Quốc tự trấn an rằng họ có thể chấp nhận quyền tự trị của Đài Loan bởi xét cho cùng, việc thống nhất cũng chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, Bắc Kinh có lẽ phải chấp nhận một thực tế là thời gian không đứng về phía họ.

Tại Đài Loan, dư luận ngày càng quay lưng với ý tưởng thống nhất với Trung Quốc. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đại bộ phận cư dân trên hòn đảo này xem họ là người Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc. Hơn thế nữa, nền dân chủ của Đài Loan đã phát triển và việc người dân tại hòn đảo này được chứng kiến cách Trung Quốc dần dần xóa sổ các thể chế chính trị tại Hong Kong cũng khiến tỷ lệ ủng hộ ý tưởng thống nhất ngày càng giảm. Xu thế này từng tạm lắng trong những năm trước phần lớn là nhờ chính sách mang tính hòa giải của Chính quyền Mã Anh Cửu.

Tuy nhiên, việc bà Thái Anh Văn đắc cử vào năm 2016 đã giúp đảng Dân tiến, chính đảng vốn ủng hộ quyền độc lập trọn vẹn cho Đài Loan, gia tăng ảnh hưởng. Đối với Bắc Kinh, mọi tuyên bố về độc lập của Đài Loan đều bị xem là vượt qua lằn ranh đỏ và thậm chí sẽ buộc Trung Quốc phải dùng đến vũ lực để trấn áp. Dù bà Thái Anh Văn cho đến nay vẫn cam kết duy trì hiện trạng, song Bắc Kinh luôn hoài nghi khả năng bà sẽ tìm cách giành độc lập cho hòn đảo này.

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc nên có một chính sách rõ ràng và cứng rắn hơn. Quyền lực và ảnh hưởng không ngừng tăng trong vài thập kỷ trở lại đây cho phép Bắc Kinh có nhiều lựa chọn tốt hơn - kể cả về kinh tế và quân sự - để gây sức ép đối với Đài Loan. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức nếu muốn xâm lược hoặc thâu tóm Đài Loan nhất là nếu Mỹ trợ giúp hòn đảo này trong công tác quốc phòng. Tuy nhiên, bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực hải quân, không quân và tên lửa đã đem lại cho Trung Quốc “vũ khí” mạnh mẽ hơn. Không chỉ vậy, những tiến bộ về năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) làm tăng nguy cơ Mỹ phải hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu đưa quân tới Đài Loan.

Trong những năm sau khi chế độ Mao Trạch Đông lên cầm quyền ở Trung Quốc, giới chức Mỹ ban đầu xem Đài Loan như một trở ngại trong việc thúc đẩy quan hệ địa chiến lược với đại lục. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Trung Quốc vẫn là một đồng minh không chính thức của Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh, còn hiện nay quốc gia này đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với ảnh hưởng và các lợi ích của Mỹ, ở cả châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn cầu, trong khi Đài Loan có thể xem là đang nằm ở “tiền tuyến” của cuộc cạnh tranh này. Lợi ích của Mỹ ở Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng nếu xung đột quân sự giữa Mỹ và đại lục bùng phát. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh thâu tóm và thống nhất Đài Loan, đó lại càng là thảm họa đối với Washington.

Những áp lực này buộc Mỹ phải thận trọng. Mỹ cần tiếp tục cảnh báo Đài Bắc tránh các bước tiến tới mục tiêu độc lập. Mỹ cũng không nên "đổ thêm dầu vào lửa" bằng việc một lần nữa tăng cường sự thừa nhận chính thức về mặt ngoại giao đối với Đài Loan hay xem xét lại chính sách “Một Trung Quốc”. Thay vào đó, điều mà Mỹ nên làm là giúp Đài Loan chống lại các sức ép từ phía Bắc Kinh.

Điều đó có nghĩa Mỹ nên đầu tư để củng cố năng lực quân sự cần thiết nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng chiến lược A2/AD nếu xung đột nảy sinh. Washing cần khích lệ và hậu thuẫn Đài Loan phát triển và đảm bảo năng lực A2/AD của chính mình để chống đỡ các chiến dịch quân sự của Trung Quốc trong trường hợp Mỹ chưa thể chi viện. Để làm được như vậy, Mỹ phải giúp Đài Loan củng cố lĩnh vực ngoại giao và kinh tế thông qua việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

Cuối cùng, điều mà Mỹ nên làm là mở rộng các tiếp xúc cấp cao và các chuyến thăm viếng trong khuôn khổ đạo luật vừa được ban hành. Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối gay gắt và tìm cách trừng phạt Đài Loan cả trên phương diện kinh tế và ngoại giao. Tuy nhiên, các hoạt động này cho phép giới chức Mỹ có cái nhìn rõ ràng và chân thật hơn về tình hình kinh tế và an ninh của Đài Loan, từ đó gửi đi thông điệp quan trọng là những hành vi quyết đoán của Trung Quốc không những không gây tổn hại mà thậm chí càng củng cố hơn mối quan hệ giữa Mỹ và một Đài Loan dân chủ.

Theo “Bloomberg

Mỹ Anh (gt)