Trong nhiều thập kỷ, người Châu Âu đã được hưởng lợi về kinh tế từ những nỗ lực về ngoại giao và quân sự của Mỹ và các nước Đông Á, trong khi lại không đóng góp gì cho hòa bình và ổn định của khu vực. Tuy nhiên, các tuyên bố gần đây cho thấy Brussels đang dần sẵn sàng can dự sâu thêm vào các vấn đề của khu vực Đông Á. Việc hoàn thiện dần chính sách của EU đối với Châu Á đáng được hoan nghênh vì thiếu vắng can dự chính trị từ Châu Âu đối với khu vực này từ lâu đã được nhắc đến ở Châu Âu, Châu Á cũng như Mỹ. Nhưng điều này cũng đặt ra câu hỏi là liệu Brussels có nên tăng cường tiếp cận đối với Châu Á bằng các hiểu biết sâu hơn và những động thái gia tăng hay không?

Tháng 11/2013, Trung Quốc đã tuyên bố Khu vực Nhận dạng Phòng không trên một khu vực rộng lớn ở Biển Hoa Đông, gây ra những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Cũng giống như nhiều lãnh đạo thế giới khác, Đại diện Cao cấp của EU về Ngoại giao và Chính sách An ninh Catherine Ashton đã ra một tuyên bố bày tỏ mối quan ngại của EU, cho rằng động thái của Trung Quốc “làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực”. Chưa đầy 1 tháng sau, Brussels ra một tuyên bố khác liên quan đến chuyến thăm của TTg/Nhật Bản Shinzo Abe đến đền Yasukuni ở Tokyo. Chuyến thăm bị nhiều người ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nơi coi là dấu hiệu của việc chối bỏ tội ác chiến tranh. Người Phát Ngôn của bà Ashton ví động thái của ông Abe là “không có lợi trong việc làm giảm căng thẳng cũng như cải thiện quan hệ của Nhật với các nước láng giềng”.

Những tuyên bố gần đây của EU thể hiện 2 điều. Thứ nhất, EU không e sợ khi chỉ trích các cường quốc Châu Á khi EU cho rằng những động thái của các cường quốc này có hại cho ổn định của khu vực. Thứ hai, EU không đứng về phe Nhật Bản chống lại Trung Quốc hay ngược lại.

Trên cả 2 phương diện, EU đang tăng cường chiều hướng phát ngôn thẳng thắn đối với các vấn đề ở Châu Á, bắt đầu từ mùa hè năm 2012, khi mà bà Ashton và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ra một tuyên bố chung đối với sự cần thiết của phối hợp xuyên Đại Tây Dương đối với an ninh, phát triển, phúc lợi và phồn vinh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sau đó, bà Ashton ra một tuyên bố riêng, bày tỏ quan ngại về những tiến triển tại những khu vực hàng hải ở Đông Á. Tuyên bố này phần lớn ám chỉ đến tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản mà lại không nêu tên bất kỳ chủ thể nào hay thể hiện thái độ đối với các động thái của họ. Giọng điệu ngoại giao thường là nhẹ nhàng và không rõ ràng của EU đối với các vấn đề Châu Á đã dần được thay thế bằng thứ ngôn ngữ rõ ràng hơn.

Những động thái trên đây không nên bị cho là lối chơi chữ đơn thuần. Các tuyên bố chính thức thực sự có tiềm năng ảnh hưởng đến hành vi của các quốc gia và hình thành nên quy tắc quản lý xung đột quốc tế. Khu vực ĐÁ rất thiếu các chủ thể có đủ khả năng đứng bên ngoài các vấn đề an ninh khu vực và hơn nữa đủ ảnh hưởng để có một tiếng nói độc lập. Các tuyên bố của bà Ashton là một phần của việc EU đang tích cực gia tăng ảnh hưởng hướng tới các vấn đề an ninh của Đông Á. Cách tiếp cận hiện thời của EU được đặt nền móng vào tháng 6/2012, khi các nước thành viên EU tán thành những nguyên tắc chỉ đạo về chính sách ngoại giao và an ninh đối với Đông Á. Kể từ đó, bà Ashton đã tham dự nhiều cuộc họp cấp cao đa phương về các vấn đề an ninh trong khu vực và đã ký Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện ở Đông Nam Á, tăng cường quan hệ EU -ASEAN.

Những người theo chủ nghĩa hành động đang ngày một lớn mạnh tại EU đặt câu hỏi, liệu EU sẽ có phát biểu thẳng thắn trong tương lai nếu Mỹ có động thái đe dọa ổn định của Đông Á hay không. Thể hiện chuẩn bị để làm việc này, về mặt lôgíc, sẽ là bước tiếp theo để trở thành một chủ thể độc lập trong các vấn đề ở Châu Á, và sẽ đẩy mạnh hình ảnh của EU như là một bên liên quan trung lập nhưng tham gia tích cực mật thiết đối với ổn định của Đông Á.

Với tốc độ từ từ và không gây nhiều chú ý, EU đang xây dựng một chiến lược tập trung và tham vọng hơn bao giờ hết đối với các vấn đề an ninh của Châu Á. Thậm chí khi không có hiện diện quân sự ở khu vực, EU cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Thách thức hiện nay đối với Brussels là giữ vững các cam kết của mình, duy trì tiếng nói độc lập, và đảm bảo cam kết dài hạn trong việc tăng cường ổn định ở khu vực. Các chính phủ Châu Á đã không che giấu thất vọng của mình đối với cách tiếp cận nửa vời của EU về khu vực trong những thập kỷ vừa qua, nhưng Châu Á có thể sẽ sẵn sàng cho EU một cơ hội thứ hai - một cơ hội không nên bị bỏ phí.

Maaike Okano-Heijmans và Frans-Paul van der Putten, Viện Clingendael, Hague, Hà Lan. Bài viết được đăng trên Europe’s World. 

Trần Quang (gt)