Hinh-14.jpg

 

Là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) và những cường quốc hạt nhân, hai quốc gia châu Âu này đã giúp gia tăng đáng kể sức mạnh địa chính trị cho những nỗ lực hiện nay nhằm kiềm chế thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực. Cả hai cường quốc châu Âu đều được cho là sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra thường xuyên tại vùng biển này nhằm ủng hộ tự do hàng hải và hàng không. Pháp và Anh cũng có những lợi ích thương mại đáng kể trong khu vực nhờ các mối quan hệ thương mại phát triển với các nước cựu thuộc địa ở châu Á. Pháp hiện còn sở hữu một số khu vực ở Thái Bình Dương với số lượng công dân khá lớn.

Trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực kiểm soát các tham vọng của hải quân Trung Quốc, các cường quốc đồng minh khác cũng đẩy mạnh hoạt động. Trong bốn năm qua, Hải quân Mỹ đã tiến hành các Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOPs) để thách thức các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, các chiến dịch tuần tra có vẻ chưa đủ mạnh mẽ để cản trở Trung Quốc đang quân sự hóa một cách chóng mặt các thực thể nước này kiểm soát. Thực vậy, Bắc Kinh còn lấy các FONOPs của Mỹ làm cái cớ để biện minh cho các động thái củng cố vị thế tại vùng biển này.

Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dẫn lời đã cam kết với người đồng cấp Mỹ khi đó là Tổng thống Barack Obama rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các thực thể tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, lời hứa ấy đã bị vi phạm khi Trung Quốc mới đây đã triển khai các máy bay ném bom có năng lực hạt nhân, tên lửa đất đối không, tên lửa đạn đạo chống tàu, và các thiết bị gây nhiễu sóng điện tử trên các đảo mà họ cải tạo.

Bắc Kinh đã nhiều lần mô tả các hoạt động cải tạo đất đai và quân sự hóa của mình chỉ là những biện pháp mang tính “phòng vệ” để chống lại sự xâm lấn tiềm tàng của Mỹ. Tại Đối thoại Shangri-La gần đây tại Singapore, Trung tướng Hà Lôi, phó chủ tịch Viện Khoa học Quân sự thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, khẳng định: “Tất cả các hòn đảo đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc và chúng tôi có những bằng chứng lịch sử được luật pháp quốc tế công nhận… Các vũ khí được triển khai tại đây đều nhằm mục đích quốc phòng”.

Mỹ đã nhiều lần chỉ trích các hành động của Trung Quốc, song vẫn chưa tiết lộ một chiến lược “FONOPs cộng” mới và hiệu quả hơn. Khi được hỏi liệu Washington có đến giải cứu cho các nước có tuyên bố chủ quyền khác nhỏ hơn như là Philippines - một đồng minh hiệp ước của Mỹ - hay không, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã dè dặt, “Chúng tôi luôn ủng hộ các đồng minh hiệp ước của mình, song đây sẽ là câu chuyện riêng giữa các chính quyền đương nhiệm tại Manila và Washington, không phải điều có thể trả lời một cách đơn giản như câu hỏi các bạn đặt ra được”.

Trước việc Mỹ không thể mang lại sự ủng hộ tuyệt đối cho các đồng minh hiệp ước của mình, dư luận thắc mắc rằng các nước nhỏ hơn cũng có tuyên bố chủ quyền - cụ thể là Malaysia, Đài Loan, Brunei và Việt Nam - liệu có đủ động cơ và năng lực để chống lại sự quân sự hóa liên tục của Trung Quốc tại đây hay không.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã tuyên bố ba “lằn ranh đỏ” trong khu vực mà nếu Trung Quốc hay bất cứ thế lực nào bước qua đều sẽ là nguyên nhân làm bùng nổ chiến tranh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana lấy làm tiếc về sự thiếu thốn năng lực hải quân của đất nước ông để có thể ngăn chặn Trung Quốc. Trong bài phát biểu kêu gọi Quốc hội Philippines đầu tư cho vấn đề an ninh biển, ông đã nói: “Hiện tại, chúng ta không có bất cứ năng lực nào, thậm chí chỉ để thể hiện với nước khác rằng chúng ta có khả năng. Chúng ta không có các soái hạm, không có vũ khí. Nếu họ cản trở người của chúng ta cung ứng cho các tiền đồn ở Trường Sa, thì chúng ta có thể làm được gì?”

Hiện vẫn chưa rõ liệu các cường quốc châu Âu là Anh và Pháp có hỗ trợ để tạo ra một sức mạnh răn đe lớn hơn với Trung Quốc hay không. Trong bài phát biểu tại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly dường như đã vạch ra những ranh giới trong bổn phận của Pháp đối với an ninh khu vực Biển Đông: “Pháp hiện không phải một bên tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này, và sau này cũng không, song chúng tôi vẫn ủng hộ hai điều luật trong trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc: Tranh chấp phải được giải quyết bằng đối thoại và pháp lý, chứ không phải bằng sự đã rồi, và cần ủng hộ các hành động tự do hàng hải”. Bà ám chỉ đến các động thái gần đây của Trung Quốc trong khu vực: “Chúng tôi tin là các cuộc thương lượng vẫn đang được xúc tiến. Ngoài ra, chúng ta cần hiểu rõ rằng những sự đã rồi là điều không thể chấp nhận được”. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng nói rõ rằng dù đất nước bà ủng hộ một Bộ Quy tắc Ứng xử cho khu vực tranh chấp, song bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào “cũng cần phải hiệu quả, toàn diện, có tính ràng buộc pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Về phần mình, trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tại hội nghị Shangri-La, ông đã gián tiếp chỉ trích Trung Quốc, nhấn mạnh rằng “các quốc gia ngày càng quyết đoán đang xâm phạm sự tự do và an ninh trong khu vực thông qua các hành vi cưỡng ép” là những mối đe dọa với trật tự dựa trên quy tắc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo ông Williamson, “Chúng tôi tin rằng các quốc gia nên tuân thủ các quy tắc đã được nhất trí, song một số nước vẫn đang phớt lờ nó và điều này ảnh hưởng đến hòa bình và thịnh vượng của tất cả các nước. Chúng ta phải nhận thức rõ rằng các nước cần tuân thủ luật lệ, nếu không sẽ phải nhận hậu quả”.

Giống như Pháp, Anh cũng đã tiến hành các FONOPs ở Biển Đông. Nước này vừa triển khai hai tàu chiến lớn - HMS Albion và HMS Sutherland - đến khu vực nhằm thách thức những yêu sách chủ quyền quá mức của Trung Quốc tại đây. Sau nhiều năm đổ trách nhiệm cho nhau, các đồng minh châu Âu của Mỹ hiện đã bắt đầu chia sẻ gánh nặng đang ngày càng lớn trong việc ngăn ngừa Trung Quốc chế ngự tuyến đường biển quốc tế này.

Theo “Atimes

Vũ Hiền (gt)