Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một vấn đề tự hào dân tộc. Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình đã hé lộ sắc thái dân tộc chủ nghĩa khi kêu gọi "phục hưng" dân tộc Trung Quốc. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đang trở thành chủ đề chính trong công luận Trung Quốc và khiến các nước láng giềng, chứ không chỉ Thủ tướng mới của Nhật Bản là Shinzo Abe, quan ngại. Lần đầu tiên sau 11 năm, ông Abe đã đề xuất tăng ngân sách quốc phòng và sử dụng chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức để thuyết phục các nước châu Á khác như Việt Nam và Thái Lan tham gia nỗ lực của ông nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang khiến các nhà ngoại giao phương Tây quan ngại, bởi vì họ cho rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là rất thực tế. Một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh nói: "Có khả năng nổ ra chiến tranh do vấn đề thể diện. Ông Abe có các nhân vật diều hâu trong nội các và không muốn lùi bước. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng không muốn lùi bước". Mới đây, ông Abe đã nêu khả năng tổ chức một cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Trung Quốc để làm dịu căng thẳng, song gần như ngay lập tức ông Tập Cận Bình tuyên bố không bao giờ thỏa hiệp về các vấn đề lãnh thổ. Phó đô đốc hải quân Dương Nghị đã có một bình luận hiếu chiến đăng trên tờ "Nhân dân nhật báo", cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi viết rằng Trung Quốc sẽ không cho phép bản thân bị "làm nhục và khiêu khích" tại Điếu Ngư. Trung Quốc không bao giờ nổ súng trước, nhưng chắc chắn sẽ phản công nếu lợi ích quốc gia bị xâm phạm. Nếu đụng độ quân sự nổ ra, không chỉ hai nước chịu thiệt hại mà Mỹ cũng bị lôi kéo vào cuộc chiến.

Những quan ngại về việc phô trương sức mạnh của Trung Quốc không chỉ ở Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc đang có những tranh chấp biển đảo với Philíppin, Việt Nam, Brunây, Malaixia và Đài Loan. Việc Trung Quốc sắp sửa công bố bản đồ mới, tăng số khu vực tranh chấp từ 29 lên 130, chắc chắn sẽ làm tình hình nóng hơn. Tại sao Trung Quốc lại muốn phô trương sức mạnh với các nước láng giềng như vậy? Việc Trung Quốc vật lộn để tìm chỗ đứng trên thế giới chắc chắn khiến các nước quan ngại. Trung Quốc chưa bao giờ xâm chiếm thuộc địa ở nước ngoài và cũng ít tỏ ra quan tâm đến những gì nằm ngoài biên giới của họ. Các vấn đề đối ngoại được nhìn qua một lăng kính hẹp - cách thức các vấn đề này ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Lý do khiến cuộc khủng hoảng Điếu Ngư có tiềm năng bùng nổ cao như vậy là do quần đảo này được xem như một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc. Đa số người dân Trung Quốc tỏ ra căm ghét người Nhật và sẵn sàng cho đứa con duy nhất của họ tham gia một cuộc chiến tranh với Nhật Bản. Việc Tôkiô tìm cách bao vây Trung Quốc trong cái mà ông Abe gọi là một "vòng cung tự do và phồn vinh" đang khiến người Trung Quốc đặc biệt khó chịu.

Tuy nhiên, chiến lược tấn công chặn trước của Trung Quốc không đồng nghĩa với sự vội vã tiến tới chiến tranh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường không quá quyết đoán hoặc hung hăng và ông Tập Cận Bình cũng không phải là ngoại lệ - điều này thể hiện qua việc ông ta tỏ dấu hiệu mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế, ngay cả trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Peter Harder, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Canađa-Trung Quốc và là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Canađa, nói rằng Trung Quốc đang tỏ ra tự tin hơn về vị thế của họ trong cấu trúc quyền lực toàn cầu. Người Trung Quốc nhận thức rất rõ về sự phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế toàn cầu và sẽ "không làm điều gì ngu ngốc". 

Theo "Bưu điện quốc gia" (ngày 3/2)

Vũ Hiền (gt)