Ngoại Trưởng Hillary cho rằng, thực tế việc định hình nền kinh tế toàn cầu, những tiến bộ trong lĩnh vực dân chủ nhân quyền và thế giới hy vọng về một thế kỷ 21 ít đổ máu hơn thế kỷ trước, tất cả sẽ phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu của mình, Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nêu bật tầm quan trọng của khu vực châu Á -Thái Bình Dương, đây là một khu vực rộng lớn trải dài từ Ấn Độ Dương đến các bờ phía tây của châu Mỹ, chiếm hơn 1/2 số dân thế giới, nơi có nhiều nước là đồng minh tin cậy nhất của Mỹ. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có các nền kinh tế lớn đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và đặc biệt có rất nhiều tuyến đường năng lượng cũng như thương mại năng động nhất thế giới. Ngoại Trưởng Hillary cho rằng việc tăng cường xuất khẩu của Mỹ sang khu vực này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế của Mỹ. Ngoại Trưởng Hillary cho biết ngay từ ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Obama đã nhận ra được tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương và đã kịp thời có những thay đổi trong chính sách đối ngoại. Trong 4 năm cầm quyền, riêng Tổng thống Obama đã có tới 4 chuyến công du đến khu vực này, bản thân bà Hillary đã phá vỡ thông lệ truyền thống của các Ngoại Trưởng Mỹ, chuyến công du đầu tiên của bà trên cương vị Ngoại Trưởng là đến châu Á thay vì đến châu Âu như trước đây. Ngoại Trưởng Hillary khẳng định Mỹ hiện đang đẩy mạnh việc can dự vào các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương bằng biện pháp “ngoại giao triển khai hướng về phía trước”.

Hillary cho rằng việc Obama, Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á để cùng với các nước giải quyết những thách thức và theo đuổi các giải pháp toàn diện cho một loạt vấn đề như không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh hàng hải và phản ứng đối với thiên tai, cũng như việc Mỹ tham gia sâu hơn vào các tổ chức như ASEAN, APEC đã phản ánh sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với các diễn đàn hàng đầu của khu vực nhằm thảo luận những vấn đề an ninh và chính trị. Trong bài phát biểu của mình, Ngoại Trưởng Hillary khẳng định Mỹ đã thiết lập được nhiều mối quan hệ đồng minh và đối tác với các nước trong khu vực, đặc biệt là hợp tác quân sự với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Thái Lan. Theo Ngoại Trưởng Hillary, mỗi ngày có khoảng 50 tàu, hàng trăm máy bay và hàng chục nghìn thủy thủ cũng như lính thủy đánh bộ hoạt động tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Mỗi năm, lực lượng hải quân Mỹ đã tham gia hơn 170 cuộc diễn tập quân sự đa phương và song phương với các nước, tàu hải quân Mỹ đã thực hiện hơn 250 chuyến viếng thăm tại các cảng trong khu vực. Ngoại Trưởng Hillary cho biết một trong những chuyến thăm mà bà thích thú nhất đó là tàu USS McCain cập cảng của Việt Nam, chuyến thăm này có thể cho phép Mỹ ứng phó nhanh hơn và hiệu quả hơn với các thảm họa thiên nhiên tại nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Ngoại Trưởng Mỹ cho rằng trong vòng chưa đầy 35 năm, Mỹ và Trung Quốc đã phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực, những kết quả đạt được khó mà tưởng tượng những năm trước đây. Tình hình địa chính trị hiện nay không chấp nhận một cuộc chơi mà một nước sẽ được tất cả lợi ích. Cho rằng, một đất nước Trung quốc thịnh vượng sẽ có lợi cho Mỹ và ngược lại, nếu Mỹ và Trung Quốc hợp tác sẽ có lợi cho khu vực và thế giới, và chỉ có thể xây dựng được một khu vực châu Á-Thái Bình Dương Thịnh vượng nếu xây dựng được mối quan hệ Mỹ- Trung có hiệu quả. Tuy nhiên, Ngoại Trưởng Hillary cũng lưu ý rằng mặc dù ngày càng gia tăng sức mạnh và tham vọng, nhưng Trung Quốc chưa sẵn sàng đảm nhận lấy vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết những công việc khu vực và quốc tế.

Ngoại Trưởng Hillary cũng đưa ra những cơ hội và thách thức của khu vực, trong đó đề cập đến việc Mỹ đang đẩy mạnh quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với 8 nước trong khu vực. Hiệp định này không chỉ giúp chấm dứt các rào cản thương mại giữa các nước mà nó còn thể hiện việc nhất trí đối với các qui tắc của lộ trình cho một nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương hợp nhất, đó là một nền kinh tế mở, tự do, minh bạch và công bằng, bảo vệ được quyền của người lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ đồng thời giải quyết được các vấn đề mới phát sinh. Đề cập đến an ninh trong khu vực trong đó có vấn đề tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, Ngoại Trưởng Hillary nhắc lại rằng Mỹ không đứng về phía nào trong những tranh chấp lãnh thổ, nhưng Mỹ ủng hộ giải pháp hòa bình đối với vấn đề này. Mỹ cho rằng Biển Đông một trong những vùng năng động nhất về lưu thông hàng hải quốc tế, nơi có một nửa lượng hàng hóa thế giới đi qua khu vực này, do vậy vấn đề an ninh và tự do hàng hải là đặc biệt quan trọng. Mỹ có quyền lợi vĩnh cửu trong việc bảo vệ khu vực biển này, tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp bên ngoài vấn đề tự do hàng hải. Mỹ ủng hộ việc xây dựng bộ qui tắc ứng xử COC, và tôn trọng lợi ích của các bên tranh chấp và đảm bảo rằng các tranh chấp đó được giải quyết thông qua một quá trình liên tục và dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận. Cuối cùng, Ngoại Trưởng Mỹ đã nhấn mạnh đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, quá trình cải cách ở Myanmar, coi đây là thách thức và cơ hội mà các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần phải hợp tác và giải quyết để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo Uspolicy (ngày 11/4)

Hương Trà (gt)