Visioning.jpg

Báo cáo có tên gọi Duy trì nền Hòa bình lâu dài ở châu Á lập luận rằng các thể chế có nền tảng từ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) - đều có sự hiện diện của Trung Quốc và Mỹ - nên được củng cố để phục vụ các cuộc thảo luận về các vấn đề khu vực và ngăn chặn xu thế nhiều quốc gia chỉ “lựa chọn” các diễn đàn có lợi hơn cho các lợi ích của họ. Lindsey Ford, Giám đốc phụ trách Các vấn đề Chính sách - An ninh tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post: “Các nước lớn cần thể hiện rằng họ đang thích nghi với những quan điểm của các nước nhỏ hơn trong khu vực, chứ không chỉ theo đuổi lập trường 'chúng tôi sẽ làm điều đó theo cách mà chúng tôi muốn hoặc sẽ tập hợp một nhóm 2 nước lớn (G2) để chống lại các bạn'”.

Báo cáo này được đưa ra nhằm phản ánh quan điểm đồng thuận của Hội đồng Độc lập về Cấu trúc An ninh Khu vực thuộc ASPI, do cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd làm chủ tịch. Trong số các thành viên khác của hội đồng này còn có Thomas E. Donilon, Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Những nỗ lực nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ là trọng tâm của một hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào tháng 11 tới.

Trao đổi với South China Morning Post hồi đầu tuần qua, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon nhận định: “Hiện còn có những nhân vật như Ngoại trưởng Mỹ và một số người khác cũng đang kỳ vọng có được những cuộc đối thoại tiềm năng với Triều Tiên. Tuy nhiên tôi cho rằng điều đầu tiên chúng ta cần thúc đẩy là sự can thiệp thực sự và trực tiếp của Trung Quốc với Triều Tiên”. Cách tiếp cận để đối phó với những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên nói trên chính là một điển hình cho các kênh đối thoại song phương mà ASPI coi là “không thích hợp để giải quyết đa số các vấn đề nhức nhối nhất của khu vực, chẳng hạn sự phổ biến hạt nhân, thảm họa thiên tai, bạo lực cực đoan, các mối đe dọa an ninh mạng,… vốn cần có sự hợp tác của toàn khu vực để có thể đối phó”.

Báo cáo của ASPI cũng kêu gọi có thêm các cuộc đối thoại về những vấn đề an ninh tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN mở rộng (ADMM+), một diễn đàn bao gồm 10 thành viên ASEAN và 8 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Tương tự, EAS cũng nên xây dựng “năng lực tổ chức bằng cách thành lập các nhóm làm việc tạm thời có trách nhiệm phát triển các kế hoạch về từng chủ đề chính sách an ninh riêng biệt". Bà Lindsey Ford nhận định: “ASEAN có thể giúp thống nhất các nước này thành một bên phán xử trung lập. Khi mọi thứ đi theo đúng hướng, điều mà các nước lớn nhận ra, và Trung Quốc cũng từng nhận ra trong một số trường hợp, là nếu bạn nỗ lực hành động như thể không cần biết đến ai khác, thì điều đó sẽ không có lợi cho bạn”.

Chuyên gia Ford nhắc đến Hội nghị Thượng đỉnh Ngoại trưởng ASEAN 2012, khi tổ chức này không thể nhất trí về một tuyên bố chung bởi sự bất đồng xung quanh lập trường về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc bị cáo buộc đã gây áp lực quá mức với chủ tịch luân phiên của hội nghị năm đó là Campuchia nhằm cản trở các cuộc thảo luận về vấn đề này. Báo cáo của ASPI cũng cho biết sự thống trị của Mỹ và Trung Quốc với tư cách là những trung gian hàng đầu trong các vấn đề khu vực đã gây nhiều trở ngại trong việc tìm ra sự nhất trí trong khu vực đối với hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc làm phương tiện bảo vệ đất nước này trước các nguy cơ tấn công từ Bình Nhưỡng.

Trung Quốc cho rằng Mỹ đang giữ chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Báo cáo của ASPI viết: “Các quốc gia trên khắp khu vực thường cảm thấy bị giằng xé giữa sự phụ thuộc của họ vào chiếc ô an ninh của Mỹ và sự nhờ cậy vào ảnh hưởng kinh tế đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trường hợp của Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) cũng là một vấn đề khiến nhiều nước châu Á ngày càng quan ngại: trong một thế giới mà các lợi ích kinh tế và an ninh của họ bị chia rẽ, thì các đối tác ngày càng chịu nhiều áp lực buộc phải lựa chọn giữa hai lợi ích theo những cách không thoải mái”.

Theo “SCMP

Anh Thư (gt)