- Trả lời câu hỏi đánh giá thề nào về việc Việt Nam bày tỏ quyết tâm bảo vệ lợi ích ở Biển Đông, chuyên gia nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu chiến lược Đại học Bắc Kinh Lý Hiểu Ninh cho rằng:

Trong vấn đề Biển Đông, lâu nay Trung Quốc chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác và không sử dụng vũ lực trước để giữ dư địa đàm phán. Tình hình Biển Đông hiện nay là do Trung Quốc đã nhân nhượng trong suốt thời gian quá dài. Trong khi đó Việt Nam đã có nhiều bước tiến về cả đánh bắt cá và khai thác dầu khí ở Biển Đông, gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam lâu nay không muốn cùng Trung Quốc tiến hành đàm phán. Việc Trung Quốc dùng tàu hải giám để tuyên bố chủ quyền và thực hiện lợi ích của Trung Quốc là mức độ rất nhẹ nhàng, chỉ mang tính chất cảnh cáo. Việt Nam không lượng sức mình sẽ bị tổn thất nặng nề.

Trung Quốc vẫn bảo lưu chủ trương đàm phán hoà bình. Việt nam có thể cùng Trung Quốc tiến hành đàm phán, trao đổi lập trường. Như vấn đề biên giới trên bộ trước đây, Việt Nam không ngừng xâm phạm biên giới của Trung Quốc, kết quả là vỡ đầu chảy máu rồi vẫn phải đàm phán với Trung Quốc.

- Trả lời câu hỏi cách làm của Việt Nam có phải như đang muốn thăm dò thái độ của Trung Quốc để xác định các bước tiếp theo hay không, chuyên gia nghiên cứu Viện KHXH Thượng Hải Kim Vĩnh Minh cho rằng:

Qua các động thái có thể thấy trong nội bộ Việt Nam còn chưa đạt được ý kiến thống nhất giữa các phe cứng rắn và phe ôn hoà. Cũng có thể coi đây là một biện pháp cứng rắn của Việt Nam để nhằm bảo vệ “cái gọi là lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông”. Từ góc độ suy nghĩ đó, Trung Quốc cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ.

- Đánh giá về một số bình luận cho rằng tranh chấp Trung - Việt ở Biển Đông như một núi lửa tiềm ẩn, ông Kim Vĩnh Minh cho rằng:

Việc Việt Nam có thái độ cứng rắn sẽ đặt ra một số yêu cầu đối với Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng có thể áp dụng một số biện pháp cứng rắn, thậm chí có thể tạo ra một số xung đột nhỏ với Việt Nam. Điều đó sẽ có tính răn đe và ảnh hưởng tới các nước liên quan khác.

Lâu nay thái độ của Trung Quốc đối với các vấn đề trên biển tương đối mềm mỏng, tinh thần giải quyết là gác tranh chấp cùng khai thác. Tuy nhiên đã gặp một số vấn đề lớn nhất là ở Biển Đông, việc xác định khu vực biển có tranh chấp còn tồn tại nhiều bất đồng và xung đột. Do vậy, việc có một số xung đột ở mức độ vừa phải là có thể chấp nhận được.

- Đánh giá về khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Trung Quốc – Việt Nam, bà Phan Kim Nga, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam tại Viện KHXH Trung Quốc cho rằng:

Trước hết, Trung Quốc vẫn cần phải xử lý vấn đề theo tinh thần DOC, tức là kìm chế và thông qua đàm phán giải quyết hòa bình. Nếu thực sự phải sử dụng vũ lực thì đó là kết quả mà các bên đều không mong muốn.

Hiện các bên đều chưa phải lúc sử dụng vũ lực, vẫn còn dư địa để tiến hành đàm phán. Việt Nam có thái độ cứng rắn là nhằm lôi kéo các nước xung quanh tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Việt Nam không muốn sử dụng vũ lực, Trung Quốc cũng không muốn và không chủ động sử dụng vũ lực. Nếu điều đó xảy ra sẽ trái với nguyên tắc cơ bản chung sống hòa bình và xây dựng thế giới hài hòa của ngoại giao Trung Quốc.

Theo Đài Phượng Hoàng(HK)

Trần Hoàng Nam (gt)