007.jpg

Vai trò lãnh đạo của Mỹ đã tạo nền móng cho hòa bình và ổn định ở châu Á trong thời gian dài. Tuy nhiên, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi và vai trò lãnh đạo châu Á cũng thay đổi theo cách sẽ tác động sâu sắc đến tương lai chính trị và kinh tế toàn khu vực.

Thực tế châu Á trong 40 năm qua đã coi Mỹ như là thế lực duy nhất trong khu vực và vị trí này cũng chưa bị bất cứ nước lớn nào trong khu vực bác bỏ. Vai trò lãnh đạo không tranh cãi của Mỹ đã tạo điều kiện cho châu Á có một kỷ nguyên dài sống trong hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, thời kỳ này bắt đầu đi đến hồi kết khi Trung Quốc trở thành thách thức đối với quyền lực của Mỹ ở châu Á.

Mỹ và các đồng minh châu Á đã chậm trễ trong việc nhận ra mức độ nghiêm trọng của thách thức này khi cho rằng Trung Quốc sẽ chia sẻ quan điểm: vai trò lãnh đạo của Mỹ tạo nền tảng duy nhất cho hòa bình và an ninh ở châu Á - điều cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của Trung Quốc. Mỹ vẫn đánh giá rằng mặc dù có bước tăng trưởng ấn tượng song Bắc Kinh vẫn còn quá yếu để đối đầu trực tiếp với Washington ở châu Á. Họ nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tổn thất và gặp rủi ro lớn hơn nhiều so với Washington nếu xảy ra xung đột.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã cho thấy rõ rằng cả hai giả định trên đều sai. Bắc Kinh không còn tin sự lãnh đạo của Mỹ là cần thiết cho lợi ích của Trung Quốc. Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mạnh mẽ khẳng định quan điểm rằng các lợi ích của Trung Quốc sẽ được đảm bảo tốt hơn bởi một mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới ở châu Á, trong đó Mỹ đóng một vai trò nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc. Quan trọng hơn, Bắc Kinh không tin rằng lợi thế sức mạnh kinh tế hay quân sự vẫn nghiêng về Mỹ và rằng những hậu quả của cuộc đụng độ tiềm năng là nghiêm trọng như nhau đối với cả hai bên.

Mỹ và các đồng minh cho đến gần đây vẫn đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng từ các thách thức mà Trung Quốc tạo ra đối với nguyên trạng ở châu Á. Họ tin rằng một tuyên bố cứng rắn của Washington sẽ buộc Bắc Kinh phải từ bỏ sự quyết đoán gần đây của mình. Chính sách "xoay trục" sang châu Á của Tổng thống Barrack Obama được cho là để làm việc đó. Nhưng "xoay trục" không khiến Trung Quốc lùi bước mà ngược lại đã giúp Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn. Điều này đã giải thích cho cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Những vấn đề này không chỉ đơn thuần là vấn đề sở hữu những rạn san hô vốn không quá quan trọng mà Trung Quốc đã chọn chúng như là đấu trường cho cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo châu Á.

Bằng cách sử dụng lực lượng vũ trang để đối đầu với các đồng minh của Mỹ, Bắc Kinh trực tiếp thử thách sự sẵn sàng mạo hiểm của Washington tham gia một cuộc đụng độ vũ trang trên vùng biển vốn do Mỹ chi phối. Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở các đảo tranh chấp chỉ là khởi đầu mới nhất trong cuộc xâm lấn của Trung Quốc. Thất bại trong việc ngăn chặn các hành động của Trung Quốc đã gây tổn hại thanh danh của Mỹ và các đồng minh ở châu Á. Trung Quốc đang cố gắng tìm hiểu xem liệu Mỹ sẽ quyết tâm bảo vệ sự nguyên trạng ở châu Á đến đâu.

Tổng thống Obama đã nói rằng ông sẽ "đi đến cùng", ít nhất là đối với vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nhưng những người thực sự tin ông Obama sẽ thấy rằng một cuộc đụng độ không đem lại một chiến thắng chóng vánh cho Mỹ mà thay vào đó là sự leo thang thành cuộc chiến tranh hạt nhân - điều mà rõ ràng Bắc Kinh cũng không hề muốn. Tất nhiên, Mỹ muốn giữ vai trò lãnh đạo ở châu Á, nhưng không muốn giữ nguyên trạng một cách quyết liệt trong khi Trung Quốc muốn thay đổi.

Do sự bình đẳng đang tăng lên trong cán cân quyền lực, nghĩa là sự thay đổi vai trò lãnh đạo khu vực châu Á sẽ không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là những thay đổi đó như thế nào? Sẽ rất sai lầm khi cho rằng Bắc Kinh là giải pháp duy nhất thay thế sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á khi Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực. Đây có thể là một khả năng nhưng chỉ khi Mỹ quyết định từ bỏ vai trò chiến lược quan trọng ở châu Á và đồng thời cả Nhật Bản, Ấn Độ và các nước lớn khác chấp nhận sự vượt trội của Trung Quốc.

Đây sẽ là một thảm họa cho châu Á. Lựa chọn thay thế duy nhất là xây dựng một trật tự mới ở châu Á, trong đó vai trò lãnh đạo được chia sẻ dựa trên cơ sở quan hệ đối tác bình đẳng giữa các cường quốc. Nhiều hy vọng về kiểu trật tự mới sẽ xuất hiện trong những năm tới khi các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, Washington, Tokyo và các nơi khác bình tâm suy nghĩ về việc "cùng chung sống".

Tác giả là Giáo sư Hugh White thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên “The Jakarta globe (ngày 4/7)

Mỹ Anh (gt)