Thực tế cho thấy các động cơ chính trị và chiến lược gần như chắc chắn được đặt lên trên những cân nhắc về năng lượng trong quyết định hạ đặt giàn khoan nước sâu của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ở vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa hồi đầu tháng 5/2014. Dù vậy, nhu cầu khai thác nguồn năng lượng này đã nhận được sự chú ý lớn hơn trong chính sách Biển Đông nói chung của Trung Quốc những năm gần đây.

Sự quan tâm mạnh mẽ đến khai thác năng lượng và đảm bảo có được nguồn dầu khí lớn hơn ở Biển Đông, kể cả đơn phương nếu cần thiết, đã xuất hiện trong các cuộc tranh luận chính sách nội bộ của Trung Quốc suốt 5 năm qua. Điều này dẫn đến việc nâng cấp năng lực cho các tập đoàn năng lượng nhà nước của Trung Quốc, như mua giàn khoan biển sâu, triển khai tàu thăm dò địa chất và tàu hỗ trợ ở thực địa. Cùng với việc mở rộng đội tàu, hạ tầng cảng và hiện đại hóa hải quân, việc phát triển ngành năng lượng ngoài khơi có thể được xem là một trụ cột quan trọng khác trong sự theo đuổi mục tiêu “cường quốc biển” toàn diện của ban lãnh đạo Trung Quốc.

Năm 2009, CNOOC đã lần đầu tiên công bố kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD cho các dự án biển sâu trong hai thập kỉ. Một giàn khoan biển sâu thứ hai dự kiến đóng xong vào năm 2016 và được thiết kế riêng để hoạt động ở Biển Đông. Với CNOOC và các tập đoàn năng lượng nhà nước của Trung Quốc, điều này đã là một bước thay đổi trong hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) ở Biển Đông. Với số lượng giàn khoan biển sâu tăng lên, việc Trung Quốc triển khai chúng ra thực địa là điều bình thường, dù các thách thức hậu cần và an ninh cho hoạt động E&P xa bờ ở phía Nam của Biển Đông vẫn đáng kể. Điều này giúp giải thích việc lựa chọn Hoàng Sa là nơi hạ đặt giàn khoan đầu tiên, do vị trí tương đối gần đảo Hải Nam.

Năng lực E&P ngoài khơi của Trung Quốc tăng cũng kéo theo việc mở rộng và tập trung hóa năng lực của lực lượng hành pháp trên biển của nước này, với nhiệm vụ bảo vệ các tài sản có giá trị lớn đó khi tiến sâu hơn vào vùng biển tranh chấp. Sự phối hợp chặt chẽ đã được thể hiện trong khoảng thời gian 6 tuần hạ đặt giàn khoan vừa qua của CNOOC, theo đó các tàu hành pháp tạo ra hành lang an ninh vòng ngoài quanh các tàu hỗ trợ với giàn khoan ở trung tâm.

Biển Đông là khu vực có nhiều nguồn năng lượng, với các mỏ dầu khí ngoài khơi châu thổ Châu Giang và đảo Hải Nam, điều này là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nơi tập trung các mỏ dầu khí lại ở ngoại vi, đặc biệt là vùng biển phía Nam, mang lại lợi thế kinh tế cho Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Hiện giới phân tích đang đặt câu hỏi về tiềm năng năng lượng ở Trường Sa và Hoàng Sa cũng như vùng biển lân cận. Điều này có thể đẩy hoạt động E&P của Trung Quốc hướng về phía Nam, gia tăng khả năng đối đầu và bế tắc hơn nữa trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á, vốn chồng lấn với tuyên bố 9 đoạn mơ hồ của Trung Quốc.

Malaysia, Brunei và Indonesia đã khai thác năng lượng ở phía Nam Biển Đông trong nhiều thập kỷ, trong khi Việt Nam và Philippines gần đây mới tham gia. Việt Nam nhanh chóng đẩy mạnh khai thác năng lượng ngoài khơi trong phạm vi EEZ của mình. Nhờ những phát hiện lớn trong bể Nam Côn Sơn và Cửu Long, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập khẩu dầu tinh. Philippines đang khai thác khí đốt từ mỏ Malampaya và có những phát hiện mới ở Reed Bank.

Hầu hết các nước Đông Nam Á có liên doanh với đối tác nước ngoài. Trong khi đó, các công ty năng lượng của Trung Quốc cũng hoạt động trên toàn thế giới trên cơ sở lợi nhuận, vì thế việc họ trở thành các nhà đầu tư ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng. Tuy nhiên, những đòi hỏi mang tính chính trị và chiến lược có thể được ưu tiên đặc biệt ở "vùng biển gần", như trường hợp hạ đặt giàn khoan nước sâu của CNOOC hồi tháng Năm. Tương tự, quyết định rút giàn khoan sớm, vào tháng Bảy, cho thấy có động cơ chính trị - dù tín hiệu này có thể là suy đoán.

Việt Nam hiện tìm kiếm đối tác liên doanh đa dạng, dành nhiều lô thăm dò cho các công ty năng lượng của Nga, Ấn Độ, Malaysia, Mỹ, và châu Âu, với mục đích quốc tế hóa yêu sách biển của mình. Việt Nam mới đây đã đề nghị tập đoàn ONGC-OVL của Ấn Độ thăm dò 5 lô dầu khí trên Biển Đông, bất chấp các lô thăm dò ở vùng biển Việt Nam của công ty này cho thấy kết quả không mấy khả quan. Một động thái phản ứng do đó có thể được nhận thấy ở Biển Đông, khi việc khai thác năng lượng của Việt Nam và Philippines đã thổi bùng những lo ngại về sự "mất mát" của Trung Quốc, thúc đẩy sự thay đổi chính sách quan trọng vào năm 2009 khi Bắc Kinh rút khỏi mô hình cùng khai thác để đơn phương thăm dò và khai thác, kể cả trong vùng biển tranh chấp./. 

 

Theo "RSIS" (ngày 11/9)

Vũ Hiền (gt)