Các quốc gia hiện nay có “vấn đề” với Trung Quốc lại đang hưởng lợi về kinh tế từ Trung Quốc. Họ hoặc là đối tác thương mại lớn nhất, hoặc là nhà đầu tư lớn nhất, hoặc là cả hai, số khác phụ thuộc về nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chủ chốt của mình, chẳng hạn như Nhật Bản. Do đó, khi xảy ra sự cố giữa hai bên, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng lợi thế này để “trừng phạt” đối thủ, ví dụ điển hình gần đây nhất là việc ngừng nhập khẩu chuối từ Philippin vì lý do “an toàn thực phẩm”, ai cũng biết điều này liên quan đến tranh cãi tại Bãi cạn Scarborough, hủy bỏ các tour du lịch từ Trung Quốc đến Philippin;  thời điểm xa hơn nữa là việc ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản nhằm trả đũa về vụ Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vào năm 2010…Có thể những biện pháp này sẽ có những hiệu quả bước đầu, tuy nhiên về lâu dài, đặc biệt là trên con đường trở thành cường quốc thế giới, rõ ràng sẽ khiến cho các quốc gia phải nghi ngờ và đề phòng trong các mối quan hệ. Trung Quốc có thể là đối tác quan trọng về kinh tế, nhưng sẽ không bao giờ là đối tác an ninh tin cậy. Vì sao? Bời vì mối quan hệ an ninh chủ yếu dựa vào sự tin tưởng và tuơng đồng các giá trị về chính trị.[1]

Trở thành cường quốc thế giới, bắt buộc Trung Quốc phải có bạn bè và đồng minh. Tuy nhiên, do những tham vọng bành trướng lãnh thổ, lối hành xử quá cứng rắn khiến cho Trung Quốc thiếu bạn bè nhưng lại thừa kẻ thù. Sự phụ thuộc về kinh tế không phải là tất cả. Trung Quốc có thể viện trợ tiền, có thể là nhà đầu tư hay thị trường quan trọng nhất, nhưng ngược lại Trung Quốc lại hành xử và tự biến mình thành mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với họ. Giữa kinh tế và an ninh, chủ quyền quốc gia, ưu tiên nào lớn hơn.

Minh chứng cho điều này là các cặp quan hệ song phương của Trung Quốc và Mỹ với các quốc gia là đối tác thương mại lớn, láng giềng và đối thủ cạnh tranh khu vực.

Trong mối quan hệ Mỹ - Úc, nền tảng là mối quan hệ an ninh. Hai quốc gia này chia sẻ chung những giá trị chính trị, hai bên đều tin tưởng lẫn nhau. Mặc dù e ngại và không muốn chọc tức Trung Quốc, nhưng nghi ngại về vấn đề an ninh (cho dù không nói cụ thể, nhưng có thể hiểu vấn đề an ninh ở đây là Trung Quốc) đã thúc đẩy Mỹ và Úc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ quân sự: đã đạt thỏa thuận về việc đặt căn cứ hải quân tại Úc, một động thái chứng minh cho quyết tâm và cam kết trở lại châu Á của Mỹ. Và ngay trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Úc tới Bắc Kinh, phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Trung Quốc, ông Stephen Smith cho rằng “Úc rất hoan nghênh sự thật rằng Mỹ không chỉ sẽ tiếp tục can dự, mà nước này còn tiếp tục tăng cường sự can dự của mình”.[2] Còn quan hệ Trung Quốc – Úc, không thể phủ nhận rằng hiện nay Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu của Úc, nhưng về vấn đề an ninh, chính trị thì khác, ở đó vẫn tồn tại sự ngờ vực, thiếu tin tưởng thậm chí là e ngại về một mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Truyền thông Úc mới đây tiết lộ rằng, trong một chương (không được công khai) trong Sách Trắng của Úc năm 2009 đã  đã từng lên kế hoạch cho một kịch bản chiến tranh với Trung Quốc, bao gồm việc phong tỏa nguồn lực của Úc và các cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc.[3] Tất nhiên, Úc đã bác bỏ thông tin trên ngay trong chuyến thăm của ông Stephen Smith tới Bắc Kinh trong tháng này. Mặc dù vậy, sự ngờ vực thiếu tin tưởng và đề phòng Trung Quốc được thể hiện ngay trong chuyến đi của ông Bộ trưởng quốc phòng Úc. Một sự ngờ vực và đề phòng chưa từng có tiền lệ trong chuyến đi này: toàn bộ di động, điện thoại cá nhân đều được bỏ lại tại Hồng Công trước khi đến Đại lục.[4]

Trong mối quan hệ Nga – Trung, mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều phấn đấu cho một thế giới đa cực, đều coi Mỹ là đối thủ chính cần phải “hạ bệ”. Do đó hai quốc gia này cần “tựa lưng vào nhau” đối trọng lại với Mỹ:  Nga quay sang phía Tây tập trung đối phó với Mỹ và Tây Âu, còn Trung Quốc quay sang phía Đông đối phó với Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á. Gần đây, trong tranh chấp Biển Đông,  Nga đã gây bất ngờ khi Đại sứ nước này tại Philippin tuyên bố rằng Nga “"phản đối bất kỳ bên thứ 3 nào không có tranh chấp can dự vào hoạt động tranh chấp trên Biển Đông". Chưa rõ liệu Nga có thực sự ủng hộ quan điểm của Trung Quốc tại Biển Đông hay không, nhưng mối quan hệ Nga – Trung từ quá khứ cho đến nay và thậm chí cả tương lai không phải là không có “vấn đề”. Một mối quan hệ đồng minh (như Mỹ và Nhật Bản) hay sự tin tưởng như những người bạn chân thành vẫn chưa được hình thành. Gợi nhớ lại lịch sử, Trung Quốc đã từng theo Mỹ chống lại người anh cả Liên Xô, những tranh chấp về lãnh thổ trong quá khứ, những mối nghi ngại ngờ vực trong việc Nga từ chối bán vũ khí cho Trung Quốc…Liệu có cơ sở nào khác để khẳng định rằng hai nước sẽ trở thành đồng minh, vai kề vai trong mọi tình huống, Nga (hoặc Trung Quốc) sẽ can thiệp trực tiếp khi một trong hai “người bạn” của mình gặp vấn đề? Liệu có một kịch bản tương tự tái diễn (Trung Quốc theo Mỹ chống Liên Xô) khi bất đồng lợi ích, chiến lược xảy ra? Ngoài ra, trong vấn đề Biển Đông, Nga vẫn là tay lái buôn vũ khí, vẫn sẵn sàng chào hàng và bán vũ khí cho các quốc gia có tranh chấp khi họ có nhu cầu. Rõ ràng, đây là cách tiếp cận rất thực dụng của Nga, thậm chí nước này đang chơi con bài rất khôn khéo: Lấy lòng và không làm phiền bất kỳ bên nào có liên quan đến Biển Đông: Trung Quốc, các quốc gia yêu sách và Mỹ (tuyên bố không ủng hộ bên thứ ba can thiệp nhưng vẫn ủng hộ tự do hàng hải). Rõ ràng là  Nga không muốn bất kỳ một quốc gia nào độc chiếm hay kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Đến thời điểm này, quốc gia duy nhất ủng hộ (không công khai) Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đó là Campuchia, một quốc gia không có tranh chấp trong khối ASEAN. Điều này cũng dễ hiểu. Hiện Campuchia đang ngày càng nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, và Campuchia từ lâu vốn bị coi là không có khả năng nói KHÔNG đối với hầu hết các yêu cầu của Trung Quốc.[5] Mỗi yêu cầu (phát biểu cấp cao, chương trình nghị sự trong năm chủ tịch ASEAN…) đều được đổi lại bằng những khoản vay viện trợ kinh tế tức thì ngay sau đó. Nhưng thực tế Campuchia không phải là nước lớn có tầm ảnh hưởng khu vực, không phải là anh cả hay anh hai trong khối ASEAN, mà chỉ là một quốc gia nhỏ bé, nếu không muốn nói là yếu ớt (khi không thể nói KHÔNG với hầu hết các yêu cầu của Trung Quốc), chủ tịch ASEAN theo cơ chế luân phiên, do đó nước này chỉ có tác dụng làm gián đoạn tạm thời để gây bất lợi cho các quốc gia yêu sách đối kháng với Trung Quốc trong  vấn đề Biển Đông, chứ không hề có khả năng tạo ra bước ngoặt hay ảnh hưởng lớn đến vấn đề Biển Đông.

Một quốc gia khác trong ASEAN, được coi là bạn bè và chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc, là Myanmar gần đây cũng đã có những thay đổi ngoạn mục: chuyển từ chính quyền quân sự sang dân sự, mở cửa và tiếp xúc với Mỹ và phương Tây. Trước đó, Myanmar đã hủy bỏ dự án xây đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư, một động thái hoàn toàn bất ngờ. Điều này cho thấy, tiến trình cải cách, ý định dần thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, cân bằng các mối quan hệ quốc tế đã được Myanmar tính toán và theo đuổi từ lâu.

Còn những quốc gia nào được xem như là bạn của Trung Quốc: Bắc Triều Tiên, Pakistant, Iran, một vài nước châu Phi…? Những quốc gia này có đủ ảnh hưởng và tiềm lực để kề vai cùng Trung Quốc trong các mối quan hệ quốc tế? Câu trả lời chưa thể chắc chắn, nhưng rõ ràng đây là những quốc gia đang gặp nhiều vấn đề cần giải quyết, đang chịu nhiều áp lực quốc tế và không ít trong số đó đã nhiều lần gây rắc rối cho Trung Quốc.

Tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc đã tăng thêm mối lo ngại cho các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc, đặt ra những thách thức khẩn cấp về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Một lẽ tự nhiên Mỹ, Nhật Bản và cả Ấn Độ cùng với các quốc gia có tranh chấp hay có cùng mối lo với Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.  Trong mối quan hệ này, ngoài việc làm mới và tăng cường các mối quan hệ an ninh, các quốc gia có tiềm lực quân sự, tài chính tích cực ủng hộ về ngoại giao, chính trị, tài chính và cơ sở vật chất (vũ khí, tàu bán quân sự) cho các quốc gia nhỏ bé đang đương đầu với Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong tranh chấp Bãi cạn Scarborough giữa Philippin với Trung Quốc. Mỹ, đồng minh hiệp ước của Philippin, đã tích cực cung cấp các tàu tuần duyên, dụng cụ ra-da và giám sát biển và tất nhiên là khẳng định lại hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippin, ủng hộ về mặt chính trị để khẳng định cam kết của mình đối với đồng minh. Trong khi đó, một cách gián tiếp, Nhật Bản tăng cường hỗ trợ thực chất (trong vụ việc này, Nhật Bản đã tránh đưa ra bất kỳ tuyên bố ngoại giao nào liên quan) cho Philippin bằng việc xem xét việc sử dụng ODA để cung cấp cho Philippin tàu tuần tra cho hệ thống thông tin hàng hải và tuần duyên của nước này (Nhật Bản đang tích cực nâng cao năng lực chấp pháp biển cho các quốc gia ASEAN thông qua vốn vay ODA, nới rộng lệnh cấm xuất khẩu trang thiết bị vũ khí để nâng cao năng lực, khả năng để đối phó với Trung Quốc).[6]

Ấn Độ, một quốc gia có quá khứ không mấy “dễ chịu” đối với Trung Quốc bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ và tất nhiên là cả hiện tại cũng vậy (Ấn Độ lo ngại về tầm ảnh hưởng truyền thống của nước này, hay như sự trợ giúp của Trung Quốc đối với Pakistan nhằm “quấy rối” Ấn Độ), hiện cũng đang rất tích cực can dự. Thông qua chính sách Hướng Đông của mình, Ấn Độ tích can dự cả về chất và lượng đối với Đông Nam Á, từ đó làm bàn đạp mở rộng đối với Đông Bắc Á. Hiện nay Ấn Độ đã là thành viên chủ chốt trong các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực này như Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hợp tác cấp cao Đông Á mở rộng (EAS), có cơ chế đối thoại chiến lược ASEAN - Ấn Độ. Với quan hệ song phương, Ấn Độ đã thiết lập được nhiều mối quan hệ mang tính chiến lược trong khu vực như Indonesia (2005), Việt Nam (2007), Thái Lan (2012). Thông qua các hoạt động hỗ trợ công nghệ, huấn luyện sĩ quan, tập trận đa phương, Ấn Độ cũng đang thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ về an ninh quốc phòng. Gần đây nhất là cuộc tập trận Milan được tổ chức hai năm một lần trên vịnh Bengal (1 - 6/2/2012) có sự tham gia của 7 quốc gia Đông Nam Á là Brunei, Philippin, Myanmar, Thái Lan, Indonesa, Singapore, Malaysia. Ấn Độ còn chủ động xây dựng các thể chế liên khu vực như Sáng kiến vùng vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực -(BIMSTEC), Tổ chức Hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương (IOR-ARC), Kế hoạch Colombo, Hợp tác sông Mêkong - Sông Hằng (MGC)... nhằm làm vành đai hỗ trợ làm cầu nối cho quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á.

Chia sẻ mối lo tương tự, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bắt đầu đẩy mạnh các mối quan hệ an ninh của mình. Những quá khứ về lịch sử đối với Trung Quốc, tranh chấp lãnh thổ tại Senkaku – một điểm nóng có thể bùng phát bất cứ lúc nào, hiện cũng đang hết sức lo ngại về tham vọng và mối thù hẳn dai dẳng của Trung Quốc. Đối với Hàn Quốc, không giống như Nhật Bản: tranh chấp lãnh thổ, quá khứ lịch sử…nhưng mối lo an ninh của Hàn Quốc là Bắc Triều Tiên, một “người em” của Trung Quốc. Rõ ràng Hàn Quốc đã rất thất vọng về thái độ của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên xung quanh vụ việc tàu chiến Hàn Quốc bị đánh chìm, vụ Bắc Triều Tiên nã pháo vào một ngôi làng Hàn Quốc. Sự thất vọng kèm theo đó là sự ám ảnh về mối đe dọa thường trực về an ninh từ phía Bắc Triều Tiên buộc Hàn Quốc phải có những toan tính cho riêng mình. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ và cả hai đều đang tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, đáng chú ý là bất chấp quá khứ lịch sử, hải quốc gia này đang bắt đầu có những bước đi đầu tiên trong mối quan hệ hợp tác quân sự. Rõ ràng mục đích của những động thái này không gì khác là đối phó với Trung Quốc.

Cuối cùng và quan trọng hơn cả là nhân tố Mỹ. Nhìn bề ngoài, kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc chưa bao giờ Mỹ phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Đây chính là lý do mà Trung Quốc đã quyết định “tuốt gươm” thách thức Mỹ. Tuy nhiên nếu nhìn về bản chất, thì thế giới và Trung Quốc cần phải xem xét lại. Thực tế là những đánh giá về sự đi xuống đã có từ rất lâu (5 lần từ sau Thế chiến thứ 2): Sự kiện sự kiện Sputnik 1957: Mỹ bị đánh giá là sẽ thụt lùi về kinh tế so với LX và sẽ bị LX vượt về kinh tế vào 1980; (2) khủng hoảng dầu lửa 1970: thế giới Ả Rập sẽ thống trị bằng “đô la dầu lửa”; (3) thất bại của Mỹ tại Việt Nam cùng với việc rút lui khỏi Đông Nam Á sẽ dẫn đến sự thống trị của LX và phe XHCN và thắng lợi của loạt nước thế giới thế 3 được LX hậu thuẫn; (4) sự thụt lùi của Mỹ so với Nhật vào cuối thập kỷ 80 và Nhật sẽ vượt Mỹ về kinh tế vào đầu TK 21; (5) đánh giá hiện nay về sự nổi lên của Trung Quốc và so sánh tương quan lực lượng. Tuy nhiên các đánh giá nhận định trên lại thiếu một điểm rất quan trọng đó là việc đánh giá thấp khả năng tự điều chỉnh, thay đổi và thích ứng của Mỹ trước các thách thức mới. Thực tế là sau mối lần vượt qua những thử thách như trên thì nước Mỹ lại càng trở nên mạnh mẽ hơn. Mặc dù thách thức lần này có sự khác biệt: không phải là thách thức đơn lẻ mà là tổng hòa của mọi yếu tố về chính trị, quân sự và kinh tế, nhưng hãy nhìn vào thực tế rằng Mỹ vẫn đang dẫn đầu ở một khoảng cách vượt trội so với Trung Quốc về mọi mặt, bạn bè, đồng minh khắp mọi nơi, và điều quan trọng hơn cả là sự nổi lên của Trung Quốc không chỉ làm cho Mỹ lo ngại mà còn là cho các trung tâm quyền lưc khác bất an và cần phải kiềm chế (Trung Quốc là cường quốc duy nhất tiếp giáp 4 trong 6 trung tâm quyền lực còn lại của thế giới là Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, và ASEAN trừ Mỹ và EU).

Có lẽ, chỉ những người bi quan nhất mới tin rằng lần này Mỹ sẽ suy yếu và Trung Quốc có thể cướp ngôi của Mỹ.

Trần Cường

 

[1] Coping with G-Zero Worl, The Diplomat, 4/6/2012. Xem tại http://thediplomat.com/2012/06/04/coping-with-a-g-zero-world/

 

[2] Firepower bristles in South China Sea as rivalries harden, Reuters, 13/6/2012. Xem tại http://www.reuters.com/article/2012/06/14/us-china-southchinasea-idUSBRE85D04Q20120614

[3] Secret ‘war’ with China uncovered, The Australian, 2/6/2012. Xem tại http://www.theaustralian.com.au/national-affairs/foreign-affairs/secret-war-with-china-uncovered/story-fn59nm2j-1226381002984


[4] The minister, his laptop and evading Chinese spies, Sydney Morning Herald, 6/6/2012. Xem tại http://www.smh.com.au/opinion/political-news/the-minister-his-laptop-and-evading-chinese-spies-20120605-1zudc.html?skin=text-only

[5] U.S 1, China 0, CSIS, 6/6/2012. Xem tại http://csis.org/publication/pacnet-35-us-1-china-0, bản dịch xem tại http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/2660-my-trung-ty-so-1-0

[6] Japan, and ASEAN’s maritime security Infrastructure, East Asia Forum, 3/6/2012. Xem tại http://www.eastasiaforum.org/2012/06/03/japan-and-asean-s-maritime-security-infrastructure/. Bản dịch tại http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/2655-nht-bn-h-tr-nang-cao-c-s-h-tng-an-ninh-hang-hi-ca-asean