Sáng sớm ngày 27/10, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ - với sự hỗ trợ của máy bay do thám thuộc lực lượng Hải quân nước này - đã bắt đầu hoạt động tuần tra trong phạm vi 12 hải lý (22 km) quanh Đá Vành khăn (Mischief Reef) và đá Xu bi (Subi Reef) thuộc quần đảo Trường Sa - nơi Trung Quốc từ nhiều tháng qua đã xây dựng các đảo nhân tạo khổng lồ để khẳng định những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong khu vực đang có tranh chấp với nhiều quốc gia khác. Trước việc tàu chiến Mỹ đi vào khu vực mà Bắc Kinh gọi là "Vùng lãnh hải của Trung Quốc", Trung Quốc đang tìm cách "nắn gân" Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói: "Nếu điều này là đúng, chúng tôi khuyên Mỹ phải suy nghĩ 2 lần trước khi hành động một cách mù quáng và gây ra các vấn đề phức tạp".

Động thái nói trên của Mỹ là thách thức thực sự đầu tiên trên thực địa đối với các hoạt động xây dựng mạnh mẽ và có tính dàn xếp của Bắc Kinh trên một vùng lãnh thổ rộng lớn nằm cách xa hàng trăm cây số tính từ biên giới của Trung Quốc. Hoạt động này của Trung Quốc thường xuyên đe dọa Việt Nam, Malaysia và Philippines - những quốc gia dám thách thức tham vọng của Trung Quốc. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và ngang nhiên khẳng định quyền kiểm soát các đảo san hô ngay cả khi chúng nằm cách các vùng biển của Philippines hay Việt Nam chỉ vài chục km. Để duy trì sự "chiếm giữ" này bất chấp phản ứng từ cộng đồng quốc tế, chính phủ Trung Quốc từ cuối năm 2013 đã cung cấp tài chính cho các đại công trường tiến hành hoạt động bồi đắp, san lấp các đảo san hô mà từ trước đến nay vẫn chìm dưới nước. Trong một báo cáo đưa ra hồi mùa hè năm 2014, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã tạo được 1.200 ha diện tích đảo nhân tạo cao hơn mặt nước và đặc biệt là Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hải cảng và một đường băng dài 3.000 m trên Đá chữ Thập (Fiery Cross Reef). Giới chuyên gia cho rằng đây là "tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc".

Washington đã nhiều lần lên án những hoạt động xây cất bất hợp pháp và không chính đáng của Bắc Kinh, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh "chiếm giữ" trái phép một khu vực hàng hải chiến lược, nơi diễn ra phần lớn các hoạt động thương mại của thế giới. Trong những tuần gần đây, Mỹ đã phủ nhận tất cả chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này và tuyên bố sẽ cho tàu chiến tuần tra thường xuyên ở khu vực mà Washington cho là "không thuộc bất kỳ quốc gia nào". Ngày 27/10, một quan chức Mỹ khẳng định: "Chúng tôi hoạt động như bình thường trên Biển Đông và đi lại trong các vùng biển quốc tế khi chúng tôi muốn". Quan chức này cũng nhắc lại rằng tàu tuần tra của Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra tại Biển Đông bất chấp cơn thịnh nộ của Bắc Kinh. Mỹ cũng có thể nhanh chóng điều các tàu chiến đến gần các rạn san hô sát vùng biển Việt Nam và Philippines, nơi Trung Quốc cũng có yêu sách chủ quyền.

Theo "Les Echos"

Viết Tuấn (gt)