Mệnh lệnh này được ông Li Miêng Pắc đưa ra vào đúng thời điểm dư luận Hàn Quốc đang lên tiếng yêu cầu Xơun phải “mạnh tay” trong việc giải quyết vấn đề trên. Theo nhận định của giới quan sát, động thái này có thể dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Xơun và Bắc Kinh ngay trước thềm năm 2012, kỷ niệm 20 năm ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Một quan chức giấu tên thuộc chính phủ Hàn Quốc ngày 13/12 cũng cho rằng thái độ của Bắc Kinh trước vụ việc này có thể ảnh hưởng đến chuyến thăm chính thức Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Li Miêng Pắc (dự kiến diễn ra trong tháng 1/2012). Vụ ngư dân Trung Quốc tấn công và đâm hai cảnh sát biển của Hàn Quốc khiến một người chết (sĩ quan Lee Cheong-ho) và một người bị thương nói trên đã thổi bùng làn sóng phẫn nộ phản đối Trung Quốc ở thủ đô Xơun. Đây là vụ việc thứ hai xảy ra trong khoảng thời gian gần 4 năm kể từ khi một binh sĩ Hàn Quốc bị thiệt mạng khi cố bắt giữ một tàu cá Trung Quốc năm 2008. 

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Thủ tướng Lim Jong-ryong nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phân tích nguyên nhân tại sao lực lượng cảnh sát biển lại gặp khó khăn khi ngăn chặn hành động đánh bắt cá trái phép và thái độ gây hấn của ngư dân Trung Quốc, đồng thời sẽ phối hợp với chính phủ Trung Quốc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng”. Các nhà phân tích cho rằng, cái chết của sĩ quan Lee Cheong-ho (41 tuổi) đã làm dấy lên những lời chỉ trích rằng chính quyền Li Miêng Pắc đã “thực thi chính sách ngoại giao yếu đuối và thụ động” đối với quốc gia láng giềng Trung Quốc. Sự căm phẫn còn dữ dội hơn khi chính Bắc Kinh đã “ngầm ủng hộ” Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ tấn công hồi năm 2010 khiến 50 công dân Hàn Quốc bị thiệt mạng. Tuy nhiên, giới quan sát lại đưa ra nhận định rằng Xơun cuối cùng cũng không thể có những phản ứng quá mạnh đối với Bắc Kinh về vấn đề đánh bắt cá trái phép của ngư dân Trung Quốc. Hàn Quốc lo ngại vấn đề đó sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, trong đó có vấn đề người tỵ nạn Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc.

Giáo sư Kinh tế Chính trị Kang Jun-young thuộc Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc cho rằng Xơun cần có những hành động “rõ ràng và mạnh mẽ” nếu những ngư dân đó vi phạm pháp luật của Hàn Quốc để tránh dẫn đến sự hiểu nhầm giữa hai quốc gia. Cũng theo giáo sư Kang, “Trung Quốc có vai trò và ảnh hưởng nhất định đối với Bắc Triều Tiên và có mối quan hệ hợp tác kinh tế lớn với Hàn Quốc nên Chính quyền Xơun dường như muốn tránh những xung đột không cần thiết với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chúng ta cần tách biệt các vấn đề này ra”. Hàn Quốc rõ ràng có thể giải quyết được vấn đề này. Nếu Xơun quyết định “bỏ qua” thì điều đó sẽ chỉ làm tăng thêm sự hiểu lầm giữa hai nước. Giáo sư quan hệ quốc tế Shin Sang-jin của Đại học Kwangwoon thì cho rằng trừ phi chính phủ Trung Quốc đưa ra được những biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ cuộc sống của ngư dân nước này, thì các trường hợp tương tự mới không tiếp tục tái diễn. Giáo sư Shin nói: “Do khu vực lãnh hải của Trung Quốc bị ô nhiễm nặng và ít cá nên ngư dân Trung Quốc mới đến đánh bắt cá ở hải phận của Hàn Quốc”. Về phía Hàn Quốc, giáo sư Shin cho rằng “Xơun cần có các biện pháp truy quét và có hình thức xử phạt đủ mạnh để ngư dân (Trung Quốc) thấy rõ lợi hại nếu tiếp tục vi phạm”.

Theo Korea Herald (số ra ngày 14/12)

Nhật Linh (gt)