Khu vực Nhận dạng Phòng không của Trung Quốc. Nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

 

Căng thẳng giữa hai nước có nền kinh tế lớn nhất Châu Á đã leo thang sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch thiết lập vùng phòng không bao gồm các đảo tranh chấp với Nhật Bản. Điều này có thể gây tổn hại đến sự phục hồi trong thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc đã công bố một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông có hiệu lực từ ngày 23/11 và cho biết quân đội nước này sẽ có “các biện pháp tự vệ khẩn cấp” nếu máy bay nước ngoài tiến vào khu vực không phận mà không báo cáo kế hoạch bay hoặc tự nhận dạng với phía Trung Quốc. Nhật Bản đã khiếu nại về hành động này, đồng thời Mỹ và Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại về những hành động của Trung Quốc.

Kế hoạch này của Trung Quốc đã mở rộng phạm vi tranh chấp ra đến vùng không phận trong một khu vực thường xuyên có xung đột trên biển, bao gồm cả các cuộc đụng độ mà sau đó tàu Trung Quốc bị cáo buộc đã tấn công vào các lực lượng của Nhật Bản với hệ thống radar dẫn đường hỏa lực. Những va chạm này trái ngược hoàn toàn với sự phục hồi giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, với xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 21,3% trong tháng Mười năm nay so với cùng kỳ năm trước. Tình hình này đã gia tăng áp lực lên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong thời điểm mà chính phủ Nhật Bản chuẩn bị công bố chiến lược an ninh quốc gia lần đầu tiên sau Thế chiến II.

Theo Kerry Brown, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Sydney và là nhà cựu ngoại giao Anh hoạt động ở Bắc Kinh, tuyên bố này của Trung Quốc được xem là hành động trả đũa của Bắc Kinh trước việc mua lại một số hòn đảo của Nhật Bản vào tháng Chín năm ngoái. Brown cho biết: “Tình hình có thể xấu hơn hiện tại nếu xảy ra va chạm hoặc xung đột thực sự, nhưng cả hai nước hiện nay đang liên kết chặt chẽ với nhau về kinh tế nên tôi nghĩ rằng đây sẽ là việc làm tự hủy hoại lẫn nhau.”

Phản ứng của Mỹ

Trung Quốc đã phản đối cả Nhật và Mỹ về phản ứng của họ đối với vùng phòng không mới của Trung Quốc.

Văn phòng đối ngoại của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phàn nàn với tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mỹ về “nhận xét sai lầm” của Mỹ về vùng này, theo như một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Trong một tuyên bố cuối ngày 24/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Trung Quốc đã có “những hành vi nguy hiểm và làm thay đổi nguyên trạng một cách đơn phương”.

“Nhật Bản đang làm việc và tham vấn chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh của mình, và sẽ phối hợp với các nước có liên quan và các đối tác có lợi ích chung trong sự ổn định và an toàn của khu vực,” ngài Kishida cho biết.

Mặc dù giữ lập trường trung lập trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhưng Mỹ đã công nhận sự kiểm soát hành chính của Nhật Bản tại các hòn đảo có tranh chấp. Mỹ là đồng minh của Nhật Bản và vào tháng Mười năm nay hai bên đã thiết lập một lộ trình hợp tác quốc phòng trong vòng 20 năm tới.

Các hành động leo thang

“Hành động leo thang sẽ chỉ gia tăng tăng căng thẳng trong khu vực và tạo ra những nguy cơ bùng nổ xung đột”, Ngoại trưởng John Kerry cho biết trong một tuyên bố ngày 23/11. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết kế hoạch của Trung Quốc sẽ không thay đổi cách thức mà Mỹ tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực. Phó Tổng thống Joe Biden sẽ công du Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vào tuần đầu tiên của tháng Mười Hai, theo thông báo của Nhà Trắng hồi đầu tháng này.

Hàn Quốc cho biết một phần của không phận Trung Quốc chồng chéo với khu vực nhận dạng phòng không của mình trong vùng biển xung quanh đảo Jeju. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố nước này sẽ đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề hơn nữa với Trung Quốc.

Quần đảo Senkaku (Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc) nằm trong vùng phòng không mới được tuyên bố của Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này, nơi có vùng biển có trữ lượng lớn về dầu mỏ, khí tự nhiên và tài nguyên cá. Tranh chấp này được đưa ra trong thời điểm Trung Quốc và Nhật Bản đang tăng cường vai trò trong khu vực, đồng thời tranh thủ các nước Đông Nam Á, và việc Trung Quốc có lập trường ôn hòa hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước trong khu vực Biển Đông.

“Các biện pháp cần thiết”

Trung Quốc chưa nêu rõ những biện pháp xử lý có thể áp dụng trong trường hợp các nước không tuân hành theo quy tắc mới đề ra của nước này. Tuyên bố về khu vực phòng không mới được công bố sau quyết định của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi đầu tháng này, tại một cuộc họp chủ trì bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm hình thành một ủy ban nhà nước để phối hợp các vấn đề an ninh trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng phạm vi hoạt động quân sự của mình.

Một bản đồ và chi tiết về tọa độ của không phận này đã được đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. “Đây là một biện pháp cần thiết của Trung Quốc nhằm thực thi quyền tự vệ của mình. Nó không nhắm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào.” Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Cảnh Nhạn Sinh cho biết trong một bài viết khác đăng trên trang web.

Các kế hoạch bay

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các quy tắc bao gồm việc báo cáo kế hoạch bay tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoặc cơ quan hàng không dân dụng và cung cấp tín hiệu và biểu tượng nhận dạng của máy bay. Lực lượng không quân đã tiến hành tuần tra lần đầu tiên trong không phận mới ngày 23/11, với hai máy bay trinh sát cùng với một số máy bay chiến đấu hỗ trợ. Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này đã điều máy bay chiến đấu phản ứng lại hành động của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ, đều thiết lập vùng nhận dạng phòng không - những không phận mà thông tin về nhận dạng, vị trí và việc điều khiển máy bay phải được cung cấp vì lợi ích an ninh quốc gia. Hơn 20 quốc gia từ những năm 1950 đã thiết lập vùng này, theo Tân Hoa xã cho biết trong một bài bình luận bằng tiếng Anh ngày 24/11.

Việc Nhật Bản mua ba trong số các đảo tranh chấp từ một chủ sở hữu tư nhân vào tháng Chín năm 2012 đã gây ra các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc, nơi mà các đại lý xe hơi đã bị tấn công và nhiều xe đã bị đốt cháy. Năm ngoái, xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đã giảm 11 phần trăm, theo số liệu của chính phủ Nhật Bản.

Các mục tiêu Nhật Bản

Căng thẳng đã leo thang trở lại vào tháng Hai năm nay khi Thủ tướng Abe rút lại việc ông đã lên án Trung Quốc hai lần sử dụng radar kiểm soát hỏa lực vào tháng Giêng nhắm vào các mục tiêu của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc phủ nhận đã sử dụng radar.

Đầu tháng này, một chỉ huy quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công của Nhật Bản vào máy bay của Trung Quốc sẽ trở thành “phát súng mở đầu” của một cuộc chiến tranh. Thủ tướng Abe đã thông qua kế hoạch bắn hạ bất kỳ máy bay nào xâm nhập không phận của Nhật Bản theo thông tin từ Nhật báo Kyodo tháng trước. Tờ Thời báo Bắc Kinh đưa tin ngày 22/11 rằng Trung Quốc đã thực hiện thành công một chuyến bay thử nghiệm máy bay tàng hình không người lái đầu tiên của nước này.

Tháng trước, Thủ tướng Abe nói rằng ông sẽ không cho phép Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Abe giảm nhẹ những đề xuất của giới chủ nghĩa dân tộc tại Nhật Bản đã góp một phần trong việc thúc đẩy sự phục hồi mới trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Doanh thu của Tập đoàn Honda

Chi nhánh Tập đoàn Honda Motor tại Trung Quốc thông báo doanh thu đã tăng gấp ba vào tháng Mười này so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng du khách Trung Quốc đến Nhật Bản tăng lần đầu tiên trong vòng một năm vào tháng Chín này. Một phái đoàn gồm 178 giám đốc điều hành doanh nghiệp Nhật Bản đã đến thăm Trung Quốc vào tuần trước, trong khi Ủy ban Hữu nghị Nhật Bản - Trung Quốc Thế kỷ 21 đã tổ chức một cuộc họp không chính thức vào cuối tuần qua tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.

Nhật Bản cũng đang chuẩn bị một kế hoạch quốc phòng 10 năm mới vào tháng tới, dự kiến ​​sẽ tăng cường các biện pháp an ninh đối với các đảo tranh chấp .

Tờ báo Yomiuri báo cáo ngày 22/11 cho biết Nhật Bản sẽ bổ sung thêm tàu chiến tốc độ cao vào những hạm đội của mình tăng cường ít nhất gấp đôi số lượng máy bay tiếp nhiên liệu so với con số bốn máy bay hiện tại để có thể tuần tra trong thời gian dài.

June Teufel Dreyer, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami ở Florida cho rằng mức độ phản ứng của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ đóng vai trò quyết định, và đặt câu hỏi rằng liệu Mỹ có hỗ trợ Nhật Bản bằng những hành động cụ thể như việc điều máy bay vào không phận cùng với những máy bay của Nhật hay không.

Dreyer nói: “Đã đến lúc Washington có bước tiến tiếp theo. Nhưng liệu điều này có xảy ra? Nếu không, chính sách xoay trục Châu Á của Mỹ sẽ đúng như suy nghĩ của nhiều người: Đó là một trò lừa.”

Tác giả bài viết là Rosalind Mathieson, cây bút của Bloomberg, trang báo điện tử có trụ sở tại Thành phố New York, Mỹ. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang điện tử Bloomberg.

Người dịch: Hùng Sơn

Hiệu đính: Kim Minh

Tham khảo thêm nguyên văn thông báo của Chính phủ CHND Trung Hoa và quy định về vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, trả lời của Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc thiết lập vùng phòng không.