A479FE17-3FD9-419F-BE14-F2F99D352F7B_cx0_cy7_cw0_mw1024_s_n_r1.jpg

Tháng 9/2014, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đón vị khách nước ngoài đầu tiên nhưng rất quan trọng, đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào thời điểm đó, cả hai nhà lãnh đạo này đều muốn tìm biện pháp hàn gắn những rạn nứt, chia rẽ trong mối quan hệ song phương vốn ẩn chứa nhiều duyên nợ. Riêng với ông Modi, vì mục tiêu hiện đại hóa Ấn Độ, việc hướng đến Trung Quốc để có được sự hỗ trợ là điều dễ hiểu. Ông Modi đã đón tiếp ông Tập Cận Bình ngay tại thành phố quê hương Ahmedabad. Hình ảnh hai nhà lãnh đạo "vai kề vai" trên chiếc xích-đu truyền thống của Ấn Độ bên bờ sông Sabarmati đã mở đường cho hàng loạt thỏa thuận, hợp đồng được ký kết, nâng tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ tăng vọt lên 20 tỷ USD. Dường như cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã đi đúng hướng trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ song phương vào thời điểm quan trọng.

Tuy nhiên, những giây phút "trăng mật" kéo dài chẳng được bao lâu. Tình trạng căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biên giới nhanh chóng phủ "mây đen" lên các cuộc đàm phán song phương nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế vì lợi ích chung. Binh lính Ấn Độ và Trung Quốc luôn trong trạng thái đối đầu dọc tuyến biên giới trên dãy Himalaya. Theo một số thông tin, ngay trong thời gian ông Tập Cận Bình thăm Ấn Độ, hàng trăm binh lính Trung Quốc đã xâm nhập qua đường biên giới này. Những bất đồng cố hữu đã khiến căng thẳng trong quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh liên tục leo thang. Và trong chuyến công du đến Ấn Độ cuối tuần qua của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, tháo ngòi nổ cho "quả bom tấn" được xác định là một ưu tiên hàng đầu.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của chuyến thăm khi quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc bị đẩy đến "ngã rẽ". Việc Trung Quốc và Pakistan gần đây tiến hành tuần tra chung tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát khiến Ấn Độ tức giận và phản ứng gay gắt. Đây cũng là khu vực mà Ấn Độ có tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, Bắc Kinh không hài lòng với việc New Delhi ủng hộ phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài. Biển Đông liên quan đến 55% hoạt động thương mại chuyên chở bằng đường biển của Ấn Độ. Nhiều vấn đề "nóng" đã nảy sinh từ môi trường chiến lược đan xen về lợi ích và cạnh tranh về ảnh hưởng. Hiện Trung Quốc vẫn phản đối việc Ấn Độ gia nhập Nhóm cung ứng hạt nhân (NSG).

Rõ ràng, chuyến thăm của ông Vương Nghị đã đi vào thực chất nhằm tìm cách tháo gỡ những bất đồng hiện nay giữa hai nước. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon cho rằng quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh đang rất căng thẳng, buộc hai bên phải nhanh chóng có biện pháp tái cân bằng. Tại New Delhi, ông Vương Nghị đã tiếp kiến Thủ tướng Narendra Modi và có cuộc hội đàm kéo dài với người đồng cấp Sushma Swaraj. Hai bên nhất trí thúc đẩy cơ chế đối thoại cấp cao về những vấn đề gây tranh cãi, từ đó bình ổn mối quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi sẽ có dịp gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới, và Nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại Goa (Ấn Độ) vào tháng 10/2016.

Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc chưa thể hàn gắn hoàn toàn và nhanh chóng những bất đồng đang tồn tại, song việc duy trì cơ chế trao đổi ở cấp cao cũng giúp cải thiện tình hình và "hạ nhiệt" bầu không khí căng thẳng. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shyam Saran nói với tờ Thời báo Tài chính rằng thách thức đặt ra cho cả Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay là kiểm soát chặt chẽ mối quan hệ để tránh nguy cơ bùng phát xung đột. Ngay trước chuyến công du của ông Vương Nghị, tờ Thời báo Hoàn cầu thúc giục Ấn Độ tránh gây phiền toái không cần thiết đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Thời gian gần đây đã chứng kiến những chuyển dịch chiến lược đáng chú ý của Ấn Độ trong bối cảnh nền kinh tế nước này liên tục khởi sắc. New Delhi đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ chiến lược với cả Washington và Tokyo, khiến Bắc Kinh không khỏi lo lắng.

Cho đến thời điểm gần đây, Ấn Độ vẫn chưa phải là trọng tâm nghiên cứu mà giới hoạch định chính sách tại Bắc Kinh "để mắt" tới nhiều. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cộng với những chuyển động chiến lược về hướng Mỹ và Nhật Bản buộc Trung Quốc phải đánh giá lại Ấn Độ. Có thể họ xác định Ấn Độ là "kẻ phá bĩnh", hoặc một đối thủ tiềm tàng trong tương lai. Về phần mình, Ấn Độ không thể làm ngơ trước kế hoạch đầu tư 46 tỷ USD vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Pakistan mà Trung Quốc đang triển khai trong khuôn khổ chiến lược "Một vành đai, Một con đường" đầy tham vọng. Theo ông Saran, không thể kỳ vọng vào việc giải quyết triệt để các vấn đề hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc, vì thế "hai nước sẽ cố gắng đảm bảo rằng mối quan hệ sẽ không rơi xuống từ vách đá cheo leo".

Theo “Thời báo Tài chính” (ngày 14/8)

Vũ Hiền (gt)