Vốn là một căn cứ quân sự, Cam Ranh được đánh giá là một trong những cảng tự nhiên tốt nhất khu vực châu Á, Cam Ranh chiếm một vị trí trung tâm trong chiến lược của Việt Nam chống lại những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông, một trong những huyết mạch hàng hải trên thế giới.

Nhiều nước quan tâm đến cảng Cam Ranh. Đó thường là những quốc gia có lợi ích thiết thân trong việc duy trì quyền tự do thông thương ở Biển Đông. Sự hiện diện của tàu quốc tế tại Cam Ranh nâng cao vị thế của Việt Nam. Sau khi Hải quân Nga rút khỏi cảng Cam Ranh năm 2002, Việt Nam đã tuyên bố xây dựng khu vực này thành một cảng thương mại, không để cho hải quân nước ngoài thuê. Thế nhưng, tình hình đã thay đổi. Vào lúc Trung Quốc phát triển bộ máy quân sự trong đó có lực lượng hải quân, đe dọa các nước nhỏ có tranh chấp chủ quyền, gây hấn với các tàu khảo sát của Mỹ trong khu vực, vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nói đến khả năng cho tàu bè nước ngoài vào cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu hoặc sửa chữa.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Ôxtrâylia, ông Ben Bland - phóng viên chuyên trách các vấn đề Việt Nam của "Thời báo Tài chính" - giải thích: “Theo quyết định này, hải quân của các nước có thể vào tạm trú tại Vịnh Cam Ranh để sửa chữa tàu bè, nạp nguyên liệu... Đây là quyết định vô cùng quan trọng, vì Cam Ranh được cho là một trong những cảng biển tốt nhất Đông Nam Á và có thể bảo vệ cho các tàu bè khi biển động. Hơn thế nữa, cảng này nằm ở một vị trí địa lý chiến lược quan trọng, gần với các đảo và vùng biển trong khu vực tranh chấp”.

Bên cạnh đó, ông Ben Bland cho biết, việc mở cửa cảng Cam Ranh sẽ là một nhân tố góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trì trệ hiện nay. Ông Bland lấy Xinh-ga-po làm ví dụ điển hình khi nước này mở cửa các cảng biển cho Hải quân Mỹ, Nhật, Thái Lan.., mang lại cho Xinhgapo 30 triệu USD mỗi năm. 

Theo giới quan sát, mặc dù Việt Nam có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và giới lãnh đạo hai nước luôn nhắc đến tình hữu nghị láng giềng, thế nhưng, mối bang giao song phương đang chịu nhiều sức ép do cách hành xử ngày càng "hung hăng" của Bắc Kinh. Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, phía Bắc vùng biển có tranh chấp chủ quyền, nhằm nâng cao khả năng can thiệp của hải quân và thực thi chính sách ngoại giao "hung hăng" tại Biển Đông. Các sự cố gần đây liên quan đến việc tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam ngay tại nơi mà Việt Nam coi là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, cho thấy quyết tâm chính trị của Bắc Kinh thực hiện các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông.

Một trong những phương cách đối phó của Việt Nam là tìm cách quốc tế hóa cuộc tranh chấp chủ quyền, kêu gọi các nước Đông Nam Á có liên quan như Ma-lai-xi-a, Philíppin, Brunây cùng phối hợp đàm phán, hoan nghênh Mỹ giúp làm dịu căng thẳng ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gấp rút hiện đại hóa bộ máy quân sự, mua máy bay chiến đấu Sukhoi-30 và tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Chiếc tàu ngầm đầu tiên có thể được giao cho Việt Nam trong một hoặc hai năm tới và căn cứ của hạm đội tàu ngầm này sẽ được đặt tại Cam Ranh. Do vậy, việc mở cửa cảng Cam Ranh đón tiếp tàu bè nước ngoài nằm trong chiến lược của Việt Nam.

Theo các chuyên gia an ninh, việc thay đổi mục đích sử dụng cảng Cam Ranh sẽ tạo ra một nguồn thu nhập quan trọng cho Việt Nam. Thế nhưng, lý do chính là để đối phó với sự thống trị của Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông, một vùng biển được đánh giá là có nhiều dầu khí, nguồn hải sản dồi dào và có nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng. Các chuyên gia an ninh nhận định, ngoài mục đích kinh tế, quyết định mở cửa cảng Cam Ranh của Chính phủ Việt Nam là nhằm cân bằng quyền lực của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trước quyết định mở cửa Vịnh Cam Ranh của Việt Nam, Nga và Mỹ vẫn được xem là hai nước quan tâm và có khả năng sẽ đưa quân vào vịnh này nhất. Một quan chức quốc phòng cấp cao ở châu Á cho rằng Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên nắm lấy cơ hội đóng quân tại Cam Ranh. Ông nói: “Mỹ có hạm đội Thái Bình Dương luôn túc trực trong khu vực với mong muốn được hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam nhằm kìm chế sự vươn lên của Trung Quốc”. 

Về phản ứng của Trung Quốc trước quyết định mở cửa Vịnh Cam Ranh của Việt Nam, Ben Bland cho biết phía Trung Quốc chưa có một động thái cụ thể nào. Tuy nhiên, trong quá khứ, Trung Quốc từng tỏ ra bất đồng về việc một lực lượng đông đảo của Hải quân Nga đóng tại Vịnh Cam Ranh. Chắc hẳn Trung Quốc sẽ không mấy vui vẻ khi có quá nhiều quân đội nước ngoài đồn trú tại đây.

 

Theo Radioaustralia

 Vũ Hiền (gt)