Biển Đông - lâu nay vẫn bị coi là một trong ba điểm nóng chính ở Đông Á cùng với Eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên - lại "nổi sóng". Việc Trung Quốc tuyên bố triển khai quân tại quần đảo Hoàng Sa diễn ra sau khi họ lớn tiếng tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực đang tranh chấp, tăng cường sự hiện diện hải quân và chia rẽ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Những diễn biến trên đang khiến nhiều người quan ngại, giống như sự phô trương sức mạnh quân sự và đấu trí ngoại giao từ năm 2009 đến giữa năm 2011 liên quan đến Biển Đông, trải dài từ Xinhgapo tới Đài Loan, tuyến đường biển đông đúc thứ hai trên thế giới, với 1/3 khối lượng vận chuyển đường biển toàn cầu đi qua biển này. Biển Đông hiện được coi là chiến trường thử nghiệm mới về sự cạnh tranh Trung-Mỹ, với Trung Quốc đang mở rộng những đôi cánh mới của họ, và Mỹ tìm cách cắt bớt những đôi cánh này để duy trì địa vị đứng đầu khu vực và toàn cầu của mình.

Các vấn đề chính trị và pháp lý có liên quan đến những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tranh chấp, cùng các nguồn tài nguyên biển, năng lượng và quyền qua lại trên biển đi kèm chủ quyền là cực kỳ phức tạp. Vấn đề lãnh thổ cốt lõi hiện xoay quanh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, được đưa ra trong một bản đồ vẽ đường lưỡi bò năm 2009. Một tuyên bố chủ quyền như vậy bao trùm cả bốn khu vực đang tranh chấp: quần đảo Hoàng Sa ở phía tây bắc, mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền; dãy Macclesfield và đảo Scarborough ở phía bắc, mà Philíppin cũng tuyên bố chủ quyền; quần đảo Trường Sa ở phía nam, mà Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây cũng tuyên bố chủ quyền.

Các nước tuyên bố chủ quyền đang tranh nhau chiếm càng nhiều đảo càng tốt, mà một số đảo chỉ là những bãi đá nhỏ, một phần vì theo Công ước về Luật Biển của LHQ (UNCLOS), mà tất cả các quốc gia tranh chấp chủ quyền này đã phê chuẩn, các nước có chủ quyền những hòn đảo nổi lên này có thể tuyên bố sở hữu khu vực Đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, cho phép một mình khai thác hải sản và các nguồn dầu khí nếu họ có thể tự duy trì một đời sống kinh tế riêng. Hoặc các nước sở hữu các hòn đảo trên có thể tuyên bố lãnh hải 12 hải lý.

Điều khiến ASEAN ngày càng quan ngại về các ý định của Bắc Kinh là cho dù Trung Quốc có thể chứng minh được chủ quyền đối với tất cả các hòn đảo tại Biển Đông, và tất cả các hòn đảo này đều có người ở, các EEZ đi kèm với các hòn đảo này cũng không bao gồm tất cả các vùng biển nằm trong đường lưỡi bò của bản đồ năm 2009. Điều này gây ra sự sợ hãi có căn cứ, rằng Trung Quốc không hành động trong khuôn khổ của UNCLOS.

Một cách hợp lý để giải quyết vấn đề Biển Đông có thể bắt đầu bằng việc các nước láng giềng có liên quan bình tĩnh trước những hành động khiêu khích bên ngoài của Trung Quốc và tiếng trống dân tộc chủ nghĩa ở bên trong.

Theo một báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông trong 3 năm qua dường như nổi lên từ những sáng kiến không được phối hợp từ rất nhiều cơ quan trong nước, trong đó có chính quyền các địa phương, các cơ quan thực thi luật pháp, các công ty năng lượng quốc doanh và quân đội Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiểu những hạn chế của luật pháp quốc tế nhất, nhưng cho đến nay vẫn không làm gì để thực hiện những hạn chế này. Nhưng khi tiến trình chuyển đổi lãnh đạo của Trung Quốc kết thúc vào cuối năm nay, người ta có lý do để hy vọng rằng Trung Quốc sẽ có lập trường kiềm chế hơn đối với các hoạt động tại Biển Đông.

Trung Quốc có thể và nên giảm bớt nhiệt độ bằng việc thực hiện những biện pháp giảm thiểu rủi ro và xây dựng lòng tin mà họ đã nhất trí với ASEAN năm 2002, xây dựng một bộ luật ứng xử đa phương mới. Thêm vào đó, Trung Quốc cần xác định một cách chính xác, càng sớm càng tốt, có tham khảo những nguyên tắc chấp nhận được, rằng thực tế những tuyên bố chủ quyền của họ là gì. Chỉ khi ấy, các nước khác mới tin về tuyên bố ủng hộ những dàn xếp cùng khai thác tài nguyên tại những khu vực tranh chấp của Trung Quốc trong lúc chờ giải pháp cuối cùng cho những tuyên bố chủ quyền tranh chấp.

Về phần mình, Mỹ nên thận trọng về sự leo thang những tuyên bố của mình. Sự chuyển hướng quân sự của Mỹ sang châu Á đã khiến Trung Quốc khó kiềm chế thái độ dân tộc chủ nghĩa trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo. Trong bất kỳ tình huống nào, quan ngại của Mỹ về quyền tự do qua lại Biển Đông dường như quá thổi phồng. Một bước tích cực là Mỹ nên phê chuẩn UNCLOS, mà các nguyên tắc của công ước này phải là cơ sở cho việc chia sẻ tài nguyên một cách hòa bình tại Biển Đông và các nơi khác. 

Theo Project syndicate

Văn Cường (gt)