Tháng 10/2014, trong khi tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống thứ 7 của Indonesia ông Jokowi đã kêu gọi cả nước hãy “làm việc chăm chỉ để biến Indonesia thành một cường quốc biển”. Một tháng sau, trong Hội nghị Đông Á ở Naypyitaw, Myanmar, ông đã nêu bật tầm nhìn của mình đối với Indonesia như một “trục biển toàn cầu”, gắn chiến lược này với sự “trỗi dậy” của Châu Á, hiển nhiên biển được coi là yếu tố hoàn toàn phù hợp với đất nước này. Tuy nhiên, 5 tháng sau khi nhậm chức, chúng ta vẫn chưa thấy có một kế hoạch tổng thể.

Học thuyết mới về biển nêu trên bao gồm 5 thành tố chính nhằm tận dụng những tiềm năng chưa được khai phá của Indonesia biến nước này thành một cường quốc. Các thành tố này bao gồm: (i) kiến tạo văn hóa biển, (ii) phát triển hạ tầng biển thông qua các tuyến cao tốc nối các đảo, (iii) đẩy mạnh phát triển khai thác tài nguyên biển của Indonesia, (iv) chính sách đối ngoại đặt trọng tâm việc vấn đề biên giới trên biển, và (v) tăng cường an ninh biển.

Học thuyết mới về chính sách đối ngoại này đối mặt với ít nhất 3 thách thức liên quan tới vấn đề bản sắc biển, ngoại giao biển và kết nối biển.

Trước hết, kiến tạo văn hóa biển không phải là một việc dễ. Trong nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng Thống S.B. Yudhoyono, Indonesia đã cố gắng gắn thêm bản sắc Hồi giáo ôn hòa vào chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, như các học giả đã chỉ ra, mặc dù Hồi giáo là tôn giáo chủ đạo tại Indonesia, nhưng bản thân Hồi giáo lại không đóng vai trò nổi bật gì trong hoạch định chính sách cũng như đời sống chính trị sau độc lập. Vai trò của đạo Hồi trong chính sách đối ngoại luôn đóng vai trò thứ yếu; sự bế tắc của việc có song song hai bản sắc và sự yếu kém ở bên trong đất nước đã đặt ra giới hạn cho đạo Hồi và không thể làm cho đạo Hồi có tiếng nói trong chính sách đối ngoại. Cũng tương tự như vậy, lực lượng vũ trang của chúng ta vốn lâu nay dựa vào lục quân tất yếu sẽ dẫn đến hệ quả là lực lượng hải quân của chúng ta thậm chí còn yếu hơn những nước nhỏ hơn như Singapore và Việt Nam.

Thứ hai, là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, Indonesia sử dụng ngoại giao biển để gây dựng mối quan hệ hợp tác trong khu vực, nhằm đạt hai mục đích: Một là đảm bảo an ninh và hai là thông qua việc chủ động giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới trên biển, chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình thông qua trung gian hòa giải các tranh chấp biên giới giữa các quốc gia trong khu vực. Tình hình địa chính trị hiện nay, với sự can dự của các cường quốc trong và ngoài Châu Á, ngày càng làm cho các tuyến đường biển và các điểm nghẽn của Indonesia (các eo biển Malacca, Sunda, Lombok, và Makassar) trở nên quan trọng và có tác động tới việc hoạch định chiến lược đối ngoại.

Học thuyết trục biển chưa thực sự làm rõ một chiến lược quản lý eo biển Malacca. Là một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới, được ví như là huyết mạch kinh tế toàn cầu, eo Malacca là điểm ngẽn quan trọng nhất đối với thương mại toàn cầu. Tuy vậy, theo báo cáo Indonesia hàng năm bị mất hơn 2,3 tỷ USD do vấn nạn đánh bắt cá trộm và tàu neo đậu trái phép tại khu vực này. Do đó, việc đảm bảo an ninh và quản lý tốt eo biển Malacca và các tuyến đường biển khác là rất quan trọng. Một khía cạnh quan trọng là cần phải thúc đẩy sự tham gia đóng góp bằng viện trợ và tăng cường năng lực từ các nước sử dụng eo biển thông qua Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

Thứ ba, kế hoạch của Indonesia trong việc tăng cường kết nối các đảo thông qua xây dựng 24 cảng biển và cảng nước sâu cũng như nâng cấp hạ tầng các cảng có thể gặp phải những thách thức về mặt kinh tế. Khu vực kinh tế biển đã bị gạt ra ngoài lề trong một thời gian quá dài trong nghị trình phát triển quốc gia. Hiện tại Indonesia vẫn chưa lập được một quỹ đặc biêt để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng mà vẫn chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, ví dụ như Trung Quốc đã cho lập Quỹ Con đường tơ lụa trên biển 40 tỷ USD và Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á để hậu thuẫn cho Con đường tơ lụa trên biển.

Thế kỷ 21 chắc chắn là thế kỷ về biển, hầu hết thương mại toàn cầu vận chuyển trên biển, hầu hết dân số thế giới sống trong vòng 200 dặm cách bờ biển, thế giới còn phải tiếp tục dựa vào biển như một nguồn dinh dưỡng giàu protein, và hệ sinh thái biển nằm ở trung tâm của biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, một quốc gia có khả năng vạch rõ chiến lược của mình đối với biển sẽ càng có cơ hội xác lập được vị thế trong chính trị quốc tế thế kỷ 21 này. Đối với Indonesia, khả năng lồng ghép các vấn đề có liên quan tới biển trong các diễn đàn quốc tế cũng như xác định một tầm nhìn chiến lược rõ ràng với tư cách là Chủ tịch của Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA) sẽ cho thấy Indonesia có thể trở thành trục biển hay không.

Theo “Jakarta Post

Viết Tuấn (gt)