Tính mong manh này không phải điều bất ngờ mà nguyên nhân cơ bản là do việc thiếu vắng một Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý để kiềm chế hành động của các bên tranh chấp tại khu vực Tây Thái Bình Dương. 

Đây là thời điểm tốt để ASEAN nghiên cứu "một cách nghiêm túc" để đưa ra giải pháp nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ và ngăn ngừa một cuộc xung đột tại Biển Đông. Tình hình hiện nay phản ánh lợi ích năng lượng và thương mại của tất cả các cường quốc lớn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, vấn đề tranh chấp biển hiện nay không chỉ là mối quan tâm của các nước tuyên bố chủ quyền. 

Quyết định mới đây của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng bởi đã hủy hoại gần một thập kỉ đàm phán song phương khó khăn nhằm giải quyết tranh chấp lãnh hải giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình. Điều đáng nói, Hà Nội và Bắc Kinh nhanh chóng "bị mắc kẹt" trong thế bế tắc ở vùng biển này. 

Trái với các nguyên tắc trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, Trung Quốc cũng thừa nhận rằng họ có các hoạt động xây dựng tại đảo Gạc Ma. Đối mặt với căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông, cả Philippines và Việt Nam đang tăng cường hợp tác an ninh song phương với các cường quốc Thái Bình Dương khác như Mỹ và Nhật Bản. 

Trung Quốc đã theo đuổi các tuyên bố chủ quyền của mình trong hàng thập kỷ thông qua một chiến lược được tính toán kỹ. Cùng với các hoạt động ngoại giao và kinh tế khôn khéo, Trung Quốc đã đưa ra triển vọng "hợp tác chung" để ngăn chặn sự leo thang tranh chấp lãnh hải không kiểm soát được. Tuy nhiên, những năm gần đây, Bắc Kinh đã mở rộng hoạt động tuần tra bán quân sự tại khu vực tranh chấp, cùng nhiều hành động khác; chiếm bãi cạn Scarborough, quấy rối nhóm binh lính Philippines ở Bãi Cỏ Mây, và đơn phương theo đuổi các hoạt động thăm dò năng lượng và xây dựng trên Biển Đông. 

Sự phát triển nhanh chóng sức mạnh quân sự Trung Quốc đã làm nhiều nước láng giềng quan ngại, lo lắng quan sát. Trong khi đó, các cuộc đàm phán Trung Quốc-ASEAN về một cơ chế trên biển mang tính ràng buộc pháp lý đã bị đình trệ. Trong một cuộc hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia về biển tại Singapore do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Á-Ấn Độ (CASS-India) tổ chức ngày 28/5 vừa qua, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã nhất trí về sự cần thiết phải nhanh chóng xây dựng COC dưới sự bảo trợ của ASEAN. 

Cần phải thiết lập một sự cân bằng sức mạnh mang tính đa nguyên trong khu vực, trong đó tất cả các cường quốc giáp Thái Bình Dương, từ Nhật Bản, Australia, và Trung Quốc đến Mỹ và Ấn Độ sẽ đóng góp tích cực và đàm phán về một trật tự khu vực ổn định hơn. Điều này sẽ góp phần mở đường cho một giải pháp hòa bình, ngoại giao đối với những tranh chấp hiện nay. 

Dưới thời chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đang tạo dựng một vai trò lớn hơn trong khu vực. Tokyo đã tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho các nước láng giềng như Philippines, nới lỏng các lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, tăng chi tiêu quân sự và đưa ra khái niệm "phòng thủ tập thể". Điều này có thể cho phép Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đóng một vai trò chủ động hơn nhằm đảm bảo an ninh cho các tuyến hàng hải lớn. Trong khi đó, Australia đang củng cố sự phối hợp hoạt động hải quân với Mỹ, tập trung mạnh vào việc đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế. Các nước khác như Ấn Độ và Hàn Quốc, với lợi ích trực tiếp từ sự ổn định ở Biển Đông, cũng dự kiến đóng một vai trò quyết định hơn trong những năm tới. 

Tuy nhiên, trên tất cả ASEAN cần phải ở trung tâm của tiến trình này. Song để làm điều đó, lãnh đạo các nước Đông Nam Á nên có một lập trường thống nhất và chủ động theo đuổi một giải pháp dựa trên pháp luật cho tranh chấp tại Biển Đông.

Tác giả là Chuyên gia Richard Javad Heydarian, giảng viên khoa Chính trị học tại Đại học Ateneo De Manila đồng thời là Cố vấn về chính sách của Hạ viện Philippines. Bài viết đăng trên Nhật báo "Strait Times" (ngày 18/6).

Mỹ Anh (gt)