Hoa Kỳ có lý do chính đáng để đẩy lùi một cách mạnh mẽ hơn tham vọng giành quyền lực của Trung Quốc ở Biển Đông, như Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã nói trong một chuyến thăm châu Á tuần này. Bắc Kinh đã nhiều lần bỏ qua các cảnh báo trước đó không chịu điều tiết giảm hành vi hung hăng đang làm các nước láng giềng trong khu vực lo ngại và làm suy yếu hơn nữa quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ.

Hôm thứ Sáu, các quan chức Mỹ tiết lộ rằng Trung Quốc đã lắp đặt hai chiếc xe pháo di động trên một hòn đảo nhân tạo được xây dựng trên biển Đông, là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí đốt và là nơi Trung Quốc rõ ràng có hy vọng thiết lập quyền bá chủ dưới một số hình thức nào đó.

Các loại vũ khí này không được coi là một mối đe dọa cho các lực lượng hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chúng làm tăng thêm các lo ngại rằng Trung Quốc có ý định quân sự hóa quần đảo Trường Sa, một tập hợp các rạn san hô và đá mà Philippines, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền, và sử dụng chúng để kiểm soát các đường vận chuyển đường thủy và thống trị các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc.

Các tham vọng của Trung Quốc  đã trở nên ngày càng rõ ràng kể từ 2012 khi Trung Quốc công khai tuyên bố chủ quyền đối với 80% Biển Đông. Trong những tháng gần đây, bằng chứng hình ảnh từ vệ tinh thương mại và máy bay do thám của Mỹ đã cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc đang hành động với tốc độ đáng báo động để biến quần đảo Trường Sa thành các vùng đất hoàn chỉnh lớn hơn nhiều với các đường băng và bến cảng.

Một số quan chức Mỹ hiện nay tin rằng Trung Quốc coi tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông là không thể thương lượng được. Nếu đúng vậy, thì đó không những là một tin khủng khiếp đối với khu vực mà còn cả với Trung Quốc về lâu dài, bởi vì Trung Quốc tuyên bố đánh giá cao sự ổn định, nhưng sẽ thấy không thể thực hiện được các mục tiêu kinh tế của nó nếu châu Á liên tục ở trong tình trạng căng thẳng. Hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông đã buộc nhiều nước châu Á phải có quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với Hoa Kỳ.

Bây giờ, chính quyền Obama đã quyết định phải khẳng định kiên quyết hơn ý định duy trì địa vị là một cường quốc Thái Bình Dương của Mỹ và để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia vẫn có thể ra vào tự do ở khu vực Thái Bình Dương và các vùng nước của nó. Đó là một vai trò mà Mỹ đã thực thi một cách xây dựng trong nhiều thập kỷ qua, tăng cường sự ổn định cho phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác, trong đó có Trung Quốc. Trong bài phát biểu của mình, Ông Carter cho biết "Không thể có sự hiểu sai ở đây: Hoa Kỳ sẽ cho máy bay, tầu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như các lực lượng vũ trang vẫn làm trên toàn thế giới". Ông cũng kêu gọi "dừng ngay lập tức và lâu dài việc cải tạo đắp đất lấn biển của tất cả các bên có yêu cầu chủ quyền."

Mặc dù chính quyền Mỹ rõ ràng muốn có một giải pháp hòa bình cho tất cả các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng cũng không thể cho phép các yêu sách của Trung Quốc đi tới mà không bị thách thức. Mỹ đã gửi một máy bay giám sát tới gần một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc, đang xem xét có các tuần tra trên biển có thể đi đến gần hơn tới các rạn san hô và bãi cát ngầm đang tranh chấp, và đang mở rộng các cuộc tập trận với các đối tác trong khu vực.

Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc có kế hoạch gặp nhau vào cuối năm nay. Từ nay tới khi đó, các quan chức Mỹ và các đối tác Trung Quốc phải tránh bất kỳ tính toán sai lầm nào có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp.

Theo The New York Times

Trần Quang (gt)