Theo tác giả, thứ nhất, rõ ràng là sẽ thiếu một chương trình nghị sự cần được khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 vào tháng 11/2012, do thông cáo chung vốn luôn xác định ra những điểm chính để đệ trình các nhà lãnh đạo xem xét ở cấp độ cao nhất.

Hơn nữa, một số nội dung nghị sự quan trọng khác, như tiến trình soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN và đường hướng cho Hội nghị Cấp cao Đông Á cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Thứ hai, thất bại của Campuchia trên cương vị nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN về sự cố này vô hình chung lại "tích cực" thúc đẩy ASEAN phải suy nghĩ lại tiến trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của khối – một nguyên tắc vốn đang chịu nhiều chỉ trích. 

Cơ chế đồng thuận cho phép bất kỳ thành viên nào cũng có quyền phủ quyết và áp đặt quan điểm riêng của mình ngay cả khi lập trường của họ khác với 9 quốc gia thành viên khác.
Theo bài viết, thật là thú vị để so sánh sự việc với quyết định vào năm 2009 của Inđônêxia khi nước này cuối cùng cũng ký các điều khoản về nhân quyền mặc dù Giacácta vẫn bảo lưu nhiều bất đồng với một số điều khoản dự thảo. 

Tác giả cho rằng nếu cơ chế đồng thuận vẫn tồn tại chắc chắn sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho nước Chủ tịch tiếp theo, cũng như bất kỳ thành viên nào trong tương lai nhằm duy trì quan điểm họ một khi có ý kiến bất đồng.

Thứ ba, cần nhấn mạnh lại rằng những gì mà nhiều người lo ngại về tác động có thể từ bên ngoài ASEAN quả thực đã hướng lái và chia rẽ ASEAN.

Có thể đó là do ảnh hưởng lớn của các nước ngoài khối khiến không một nước thành viên ASEAN nào có thể thoát khỏi, hoặc bởi thực tế rằng kể từ khi thành lập ASEAN chưa bao giờ có một tầm nhìn chung để trở thành một cộng đồng liên kết với nhau. Có lẽ là cả hai. Đây thực sự là một đòn nặng đối với ASEAN, cho dù hiệp hội đã đạt được một số thành tựu trong vài năm qua.

Vậy tiếp sau sẽ là gì? Tác giả lập luận, sáng kiến của Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa thể hiện qua các chuyến ngoại giao con thoi tới Manila, Hà Nội và Phnôm Pênh là đáng khen ngợi, nhưng hơn cả việc chỉ lắng nghe quan điểm và mong muốn, thì điều tối quan trọng là tiếp tục quá trình xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC). Chúng ta không thể chờ đợi lâu hơn để trình bày quan điểm chung của ASEAN về dự thảo COC sẽ đàm phán thêm với các đối tác Trung Quốc. Mọi sự chậm trễ sẽ làm tình hình xấu thêm, trong bối cảnh quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một lớn hơn, làm cho các cuộc đàm phán thậm chí còn khó khăn hơn.

Tác giả cho rằng, đã đến lúc phù hợp để thực sự bắt đầu suy nghĩ về thiết lập các Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), qua đó khẳng định cam kết của các nước thành viên duy trì tính trung lập của khối trước tác động và cạnh tranh của các cường quốc lớn gây chia rẽ ASEAN. Nếu thất bại nêu trên là một phần của quá trình phát triển, hay là “bình thường” trong tiến trình phát triển của ASEAN như nhận xét của Đại sứ Mỹ tại ASEAN David Carden, thì ASEAN cần nhanh chóng phục hồi từ thất bại này. Tuy nhiên, như thường lệ, điều đó phụ thuộc vào phản ứng và cân nhắc của từng thành viên về việc liệu họ có thực sự mong muốn con thuyền ASEAN tiếp tục hướng tới các mục tiêu cuối cùng hay không.

Lina A.Alexandra là nhà nghiên cứu tại Ban chính trị và Quan hệ quốc tế - Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Inđônêxia.

Theo Jakarta Post

Trần Quang (gt)