Vị cựu Chuẩn Đô đốc Hải quân Hoàng gia Ôxtrâylia này cho biết đầu tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố toàn diện về vấn đề Biển Đông. Không ngoài dự liệu, Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng, chỉ trích gay gắt lập trường của Mỹ. Trò chơi “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông lại có thêm một ví dụ. Đó là việc một bên tham dự ra tuyên bố về hành động của bên kia, sau đó, bên kia cũng làm điều tương tự. Trừ trường hợp các bên tham dự thể hiện mong muốn chung và thông cảm lẫn nhau, nếu không trò chơi sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát, dẫn tới hậu quả “cả hai bên đều thua”. Tất cả những điều này đều không có lợi cho an ninh khu vực cũng như việc xây dựng cơ chế hữu hiệu để xử lý vấn đề Biển Đông cũng như tài nguyên Biển Đông. Trong khi đó, cơ chế này ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh tài nguyên biển đang gia tăng và lượng vận tải đường biển cũng ngày càng tăng lên. 

Theo tác giả, việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á kỳ thực đã nhận được sự hoan nghênh của khu vực. Nhưng đại đa số các nước Đông Nam Á cảm thấy bất an đối với hiện thực quan hệ ngày một căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Họ không muốn nước lớn thâm nhập vào khu vực. Các kế hoạch của Mỹ như bố trí tàu tác chiến ven biển ở Xinhgapo, tăng mật độ diễn tập hải quân trong khu vực, giúp hải quân Philíppin nâng cao năng lực bảo vệ an ninh trên biển, đưa ra “khái niệm nhất thể hóa chiến tranh không-biển” không thể tránh khỏi việc bị Trung Quốc phản ứng. Các kế hoạch này đồng thời mang tới hậu quả không may nữa là củng cố thêm luận điểm của các nhà hoạch định quân sự thuộc phái cứng rắn ở Bắc Kinh. 

Giống như H. Kissinger đã chỉ ra trong cuốn sách “Bàn về Trung Quốc” mới xuất bản, nỗi lo bị bao vây chiến lược đóng vai trò rất quan trọng trong tính toán chiến lược của Trung Quốc. Biển Đông có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng đối với Trung Quốc, do đó, Bắc Kinh chỉ có thể nhìn nhận hành động của Mỹ ở Biển Đông như là một bộ phận trong kế hoạch bao vây Trung Quốc. Việc Ấn Độ can dự vào vấn đề Biển Đông càng củng cố thêm luận điểm này. 

Tuy Mỹ thể hiện có lập trường trung lập trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng hành động gần đây của Mỹ cho thấy Mỹ dường như đã chọn bên đứng. Đây là cách nhìn của người dân Trung Quốc, Việt Nam và Philíppin về lập trường của Mỹ. Chính vì thế, Mỹ có liên quan tới hậu quả không thể dự tính từ việc nước này khuyến khích tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người dân ở ba nước nêu trên. 
Giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng tồn tại trò chơi “ăn miếng trả miếng” tương tự. Tháng 6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển, bao gồm việc tuyên bố một cách rõ ràng rằng các đảo ở Biển Đông nằm trong phạm vi quản lý của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, đây là hành động khiêu khích lớn. Ngay sau đó, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã công bố kế hoạch mời thầu nước ngoài đối với các lô dầu khí ở Biển Đông, tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa và khu cảnh bị Tam Sa. Xem ra, các động thái này là phản ứng của Trung Quốc trước hành động của Việt Nam. 

Tác giả kết luận: Trò chơi “ăn miếng trả miếng” không có lợi cho tất cả các nước, cần phải dừng lại. Cần thiết phải xây dựng một cơ chế xử lý phù hợp với lợi ích chung của các nước tuyên bố chủ quyền. Đầu tiên là xây dựng một cơ quan xử lý vấn đề Biển Đông bao gồm tất cả các nước ven biển. ASEAN và Trung Quốc nên tiến hành đàm phán để thành lập một cơ quan như vậy. Mỹ có thể mang tới bàn đàm phán kinh nghiệm giải quyết vấn đề hải dương chứ không phải tăng cường quan hệ quân sự. 

Theo "Liên hợp Buổi sáng" (ngày 23/8)

Lê Sơn (gt)