628x-1.jpg

 

Khái niệm về cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuất hiện. Theo nhà sử học Gregg Branzinsky thuộc Đại học George Washington, Mỹ từ lâu đã e ngại Trung Quốc “sẽ xuất khẩu một mô hình phát triển kinh tế, chính trị với kết quả sẽ làm hủy hoại trật tự quốc tế tự do mà Mỹ tìm cách nắm giữ”. Điều này xuất phát từ thực tế Washington ủng hộ quyền tự quyết quốc gia trong một trật tự thế giới tư bản tự do, trong khi Trung Quốc coi trọng đường hướng kinh tế-xã hội tự cường. Trong lịch sử, khác biệt này đã đưa đến các xung đột công khai giữa hai nước, đầu tiên là trong chiến tranh Triều Tiên, kế đến là chiến tranh Việt Nam.

Campuchia từng là nạn nhân của cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm 1970. Lon Nol, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng là người có quan điểm thân Mỹ, trong khi Hoàng thân Sihanouk muốn ngả sang Trung Quốc. Nhận được sự ủng hộ lớn từ Mỹ, Lon Nol cầm đầu cuộc đảo chính lật đổ Sihanouk khi ông đang trên đường trở về nước sau chuyến công du châu Âu, Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam năm 1975, Lon Nol bị Pol Pot theo tư tưởng cộng sản đánh bại. Campuchia dưới thời Pol Pot phải trải qua nạn diệt chủng, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng.

Gần đây, việc Chính phủ Hoàng gia Campuchia bắt giữ Thủ lĩnh đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) Kem Sokha vì tội phản quốc (âm mưu thông đồng với Mỹ nhằm lật đổ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền) và ra lệnh đóng cửa nhật báo tiếng Anh Cambodia Daily, trục xuất Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) – một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, đã gây ra những rạn nứt chính trị trong giới cầm quyền ở Campuchia, làm dấy lên những tranh cãi về đường hướng chính sách đối ngoại tới đây của quốc gia Đông Nam Á này. Campuchia cần phải tìm ra những câu trả lời để không đi vào con đường thảm kịch như trong quá khứ.

Sau vụ bắt giữ ông Kem Sokha, Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt ra tuyên bố phủ nhận những cáo buộc liên quan tới Mỹ, song không chịu thừa nhận một thực tế là NDI đã từng hỗ trợ các đảng phải chính trị, nhóm dân sự và trợ giúp các nhà hoạt động dân chủ ở Campuchia, thường xuyên duy trì liên hệ với các lực lượng này trong cuộc bầu cử năm 2008. Các nhóm khác nhau nhìn nhận hoạt động của NDI theo những cách khác nhau. Giới lãnh đạo cầm quyền xem điều này đồng nghĩa với hoạt động can dự vào tiến trình chính trị ở Campuchia và vì thế NDI đáng bị trục xuất.

Trong khi đó, Trung Quốc lại thể hiện một thái độ khác. tiến đến và chìa tay giúp đỡ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực nhằm bảo vệ ổn định và an ninh quốc gia của Campuchia.
Một số nhà phân tích nhìn nhận, đối đầu nước lớn hiện nay ở Campuchia là một hình thái của “Chiến tranh lạnh” mới. Để dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong ngắn hạn, cần phải theo dõi chặt chẽ các chuyển động trong quyền lực chính trị nước lớn ở Campuchia.

Trước hết, cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung ở châu Á là điểm then chốt để xác định Campuchia có là chiến trường của cuộc chiến mới hay không. Quyền lực Mỹ dưới thời Donald Trump đang suy giảm, trong khi Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang gia tăng ảnh hưởng. Đó có thể là lý do khiến ông Trump không quan tâm đến việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Nhà Trắng cũng đã đề xuất cắt giảm viện trợ tài chính cho các nước đang phát triển mà những gì Campuchia nhận được có thể bị cắt đến 70%. Đề xuất cắt giảm gần như đồng nghĩa với dấu chấm hết cho những ưu tiên thúc đẩy dân chủ, nhân quyền. Nó cũng khiến Mỹ mất đi khả năng gây sức ép với Campuchia. Campuchia sẽ trở thành chiến trường của Chiến tranh Lạnh nếu Chính quyền Trump tiếp tục theo đuổi lộ trình của những người tiền nhiệm. Nhưng điều đang diễn ra lại trái ngược hoàn toàn.

Quyền lực bất đối xứng giữa CPP và CRNP cũng là một nhân tố giữ vai trò quyết định. Dù nhận được hỗ trợ tài chính, kĩ thuật từ Mỹ, nhưng CNRP không có có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018. Đảng CPP cầm quyền đang kiểm soát tuyệt đối lực lượng quân đội Hoàng gia. Gần đây, trước đề xuất của ông Hun Sen, Quốc hội Campuchia đã đồng ý thông qua bốn điểm sửa đổi trong Luật bầu cử, cho phép giải tán CNRP và phân chia số ghế của đảng này trong Quốc hội cho các đảng nhỏ khác.

Dù tình hình hiện nay chưa đến mức đẩy Campuchia đi tới thảm cảnh dưới thời Pol Pot, Campuchia dưới quyền lãnh đạo của CPP vẫn cần xem xét cẩn trọng hệ quả của việc buông bỏ Mỹ và ngả vào vòng tay Trung Quốc. Đó có thể là những tổn thương kinh tế, do quá lệ thuộc vào Trung Quốc; là chia rẽ chính trị xuất phát từ những khác biệt trong hệ tư tưởng về chính sách đối ngoại; là định hướng đối ngoại không còn trung lập và tai hại nhất là nguy cơ nội chiến. Để tránh những kết cục như vậy, chính phủ Campuchia nên thúc đẩy thống nhất quốc gia, ủng hộ các cuộc bầu cử đa đảng dân chủ, công bằng, củng cố các thiết chế dân chủ, duy trì pháp trị. Đó là con đường tiến lên phía trước và là hy vọng duy nhất đối với người dân Campuchia.

Theo “IPP Review

Lê Quang (gt)