Hiện đang có những quan điểm khác nhau về sự lãnh đạo của ông Hun Sen, nhưng điều quan trọng là người ta cần hiểu được bối cảnh Campuchia để có thể đánh giá một cách cân bằng về những thành tựu và thiếu sót của ông Hun Sen. Campuchia là một quốc gia "mong manh" sau gần 3 thập kỷ chiến tranh và xung đột. Sự ngờ vực chính trị và xã hội, một nguồn tiềm tàng của bất ổn chính trị, vẫn ăn sâu trong văn hóa chính trị và xã hội Campuchia.

Đối với ông Hun Sen, hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế xã hội mới là trọng tâm hàng đầu trong hoạt động chính trị nội bộ của Campuchia, trong khi dân chủ và nhân quyền đứng thứ hai. Ông Hun Sen là một trong những kiến trúc sư chính của tiến trình kiến tạo hòa bình tại Campuchia. Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu bằng Mặt trận Dân tộc thống nhất cứu quốc Campuchia, với sự hỗ trợ của Việt Nam, đã lật đổ chính quyền Khơme Đỏ vào tháng 1/1979.

Trong 3 thập kỷ gần đây, Campuchia đang có mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình hàng năm khoảng 7,7%, được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 47,8% năm 2007, xuống còn 18,9% vào năm 2012. Nhưng khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn vẫn lớn. Năm 2011, 91% số hộ nghèo sinh sống tại các khu vực nông thôn, họ là đối tượng dễ bị tổn thương trước một loạt cơn sốc như thiên tai và lũ lụt, khủng khoảng lương thực và an ninh năng lượng. Chiến lược quản lý của ông Hun Sen hiện xoay quanh 3 nhân tố là ổn định chính trị, phát triển và khuyến khích bản sắc văn hóa. Tham vọng của ông là biến Campuchia thành một quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.

Tuy nhiên, quyền lãnh đạo và tính hợp pháp của ông Hun Sen vẫn bị thách thức nghiêm trọng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7/2013, khi tỷ lệ ủng hộ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông ta giảm mạnh và mất 22 ghế tại Quốc hội vào tay đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập. Một trong những lý do khiến tỷ lệ ủng hộ CPP sụt giảm là tình trạng tham nhũng dai dẳng và lan tràn trong nội bộ chính phủ Campuchia và CPP. Tham nhũng là nguyên nhân cơ bản của bất công xã hội, vi phạm nhân quyền, văn hóa không trừng phạt, sự quản lý yếu kém các nguồn lực quốc gia và tài nguyên, làm tăng thêm bất bình đẳng thu nhập và giảm các giá trị đạo đức và xã hội.

Do nhận thức được những khó khăn này, ông Hun Sen đã đề ra một chương trình cải cách toàn diện sau cuộc bầu cử năm 2013, nhưng người ta vẫn chưa nhìn thấy những kết quả cụ thể của chương trình cải cách này. Một số nhà phân tích cho rằng sự độc tài của ông không được lòng dân, nhất là thanh niên. Đa số thanh niên Campuchia đang khao khát thay đổi. Tại Đại hội đảng CPP hồi tháng 2 vừa qua, ban lãnh đạo CPP đã đưa các nhà lãnh đạo trẻ vào Ban chấp hành Trung ương trong một nỗ lực nhằm giành được sự ủng hộ của các thanh niên Campuchia.

Ông Hun Sen cũng đang áp dụng cách tiếp cận thực dụng đối với các vấn đề đối ngoại. Mục tiêu chính sách đối ngoại cốt lõi của ông Hun Sen là duy trì hòa bình dân tộc và an ninh, tăng cường phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hình ảnh và uy tín của Campuchia. Ông cũng đang thúc đẩy việc đa dạng hóa các đối tác kinh tế và chiến lược của Campuchia, nhưng hiện vẫn nghiêng về Trung Quốc. Các mối quan hệ kinh tế và văn hóa đang xác định các mối quan hệ Campuchia-Trung Quốc. Bắc Kinh hiện là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển lớn nhất của Campuchia.

Dưới sự lãnh đạo của ông Hun Sen, Campuchia cũng đang tham gia việc thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu, khi cử hơn 1.700 quân gìn giữ hòa bình tới nhiều nơi trên thế giới theo cơ cấu của LHQ và tích cực tham gia chiến dịch toàn cầu nhằm chấm dứt việc sử dụng mìn. Trong 30 năm cầm quyền của ông Hun Sen, Campuchia đạt được tiến bộ lớn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Theo "Diễn đàn Đông Á" (ngày 18/3)

Vũ Hiền (gt)