Trong bối cảnh tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có chuyến thăm châu Á, bắt đầu từ ngày 31/5, và thực tế là các căng thẳng ở Biển Đông vẫn chưa lắng xuống, Campuchia đã tiếp tục khẳng định lập trường đứng về phía Trung Quốc với cảnh báo rằng những bình luận vừa qua của ông Carter là mang tính "khiêu khích" và không có lợi cho nền hòa bình mà Mỹ vẫn một mực tuyên bố bảo vệ.

Người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan cho rằng, những căng thẳng leo thang gần đây trên Biển Đông là hệ quả của những lời đe dọa về kế hoạch Mỹ triển khai tàu chiến và máy bay tuần tra trong vùng biển 22 km tính từ các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, vốn nằm trên tuyến đường biển chiến lược trọng yếu. Ông Siphan nhấn mạnh: "Đó là tuyên bố mang tính khiêu khích, đi ngược lại mục tiêu duy trì hòa bình khu vực của chúng tôi".

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quan điểm của Campuchia, cũng giống như của nhiều quốc gia khác trong khu vực, trên thực tế bị chi phối bởi lợi ích cá nhân.

Campuchia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song quan điểm của họ về các tranh cãi liên quan đã thu hút không ít sự chú ý của dư luận. Kể từ khi từ chối đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2012 (được tổ chức tại Phnom Penh), Campuchia đã bị cáo buộc "cố tình hủy hoại lợi ích chung" của ASEAN để làm hài lòng Trung Quốc - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này.

Mặc dù ông Siphan phủ nhận ý kiến cho rằng Campuchia đang liên kết với Trung Quốc, song ông này vẫn nhắc lại khuyến cáo của Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt các đe dọa của họ, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm về những hệ quả kéo theo. Ông nói: "Tất cả các nước - kể cả Trung Quốc và Mỹ - cần chống lại việc tăng cường hiện diện quân sự. Lập trường của Chính phủ Campuchia là mong muốn hòa bình và ổn định, và Biển Đông không thuộc về bất kỳ một nước nào... Chính phủ Campuchia không muốn thấy tàu chiến hoặc bất kỳ hành động xâm lược nào ở Biển Đông. Những quốc gia tìm cách kích động xung đột sẽ phải chịu trách nhiệm nếu điều đó thực sự xảy ra".

Ông Siphan thừa nhận Campuchia được hưởng lợi từ nguồn tài chính to lớn của Trung Quốc, nhưng khẳng định hai vấn đề này không liên quan với nhau. Ông nhấn mạnh: "Vấn đề Biển Đông không liên quan đến sự giúp đỡ mà Campuchia nhận được từ Trung Quốc hay từ bất kỳ nước nào - những hỗ trợ này là vì sự phát triển kinh tế của chúng tôi. Và với sự tôn trọng, Campuchia là bạn của bất kỳ nước nào. Campuchia đang tuân thủ các nguyên tắc của ASEAN và muốn hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thông qua các cuộc đàm phán hòa bình". 

Tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Campuchia tuyên bố ASEAN cần phải đứng ngoài các tranh chấp lãnh hải và để các nước liên quan tự giải quyết theo con đường song phương với Trung Quốc - một lập trường do chính Bắc Kinh đề ra, và điều này đã trở thành chướng ngại vật cho các cuộc đàm phán. Sau cuộc họp kín với các Đại sứ nước ngoài ở Phnom Penh vào tháng trước, Soeung Rathchavy - Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia - đã trả lời báo giới rằng: "ASEAN không thể giải quyết được tranh chấp. Các nước khẳng định chủ quyền trên Biển Đông phải tự giải quyết với nhau". 

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng việc Campuchia "chiều lòng" Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn chừng nào xung đột chưa bùng phát, bởi thay đổi quan điểm có thể gây nên rủi ro làm hỏng một mối quan hệ song phương đang rất có lợi cho Campuchia. Ông Thayer lưu ý rằng, Campuchia đã gia tăng sự ủng hộ đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây, và rõ ràng "Campuchia không thể phá vỡ liên minh này... hoặc có những bước đi có thể đóng sập cánh cửa đưa Campuchia tiếp cận nguồn tài chính dồi dào của Trung Quốc". Theo ông, Campuchia - một thành viên nhỏ của ASEAN không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông - có thể sẽ tiếp tục lớn tiếng ủng hộ Trung Quốc. Ông nói: "Campuchia có thể nhắc tới những hành vi gây mất ổn định khu vực của Mỹ và nhấn mạnh rằng ASEAN không nên đóng vai trò trực tiếp trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh hải...".

Campuchia không phải là nước duy nhất được lợi từ ảnh hưởng của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng được mở rộng giữa ASEAN và Trung Quốc đang đóng một vai trò quan trọng đối với khu vực, và việc Campuchia không có khẳng định chủ quyền trên Biển Đông là những nguyên nhân dẫn tới việc nước này tự đặt mình vào vị trí ở giữa trong cuộc tranh chấp này. Theo ông Thayer, trong khi Campuchia bị chỉ trích là người khơi mào quan điểm cho rằng ASEAN không nên can dự với tư cách là một khối trong các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, thì một số nước khác trong Hiệp hội cũng đang dần dần có quan điểm tương tự. 

Ông Poak Kung, người đồng sáng lập và là Giám đốc Viện chiến lược Campuchia, cho rằng tuy nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông đang là đề tài nóng của dư luận và báo giới, song các nước ASEAN cuối cùng sẽ đặt sự ưu tiên hàng đầu cho các lợi ích kinh tế, vốn chịu ảnh hưởng không nhỏ của ổn định khu vực. Ông nhấn mạnh: "Điều thú vị là nhiều người cho rằng chỉ có Campuchia đang tìm cách "sở hữu" các mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Song sự thật là hầu hết các nước thành viên ASEAN đang áp dụng lập trường tương tự. Một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, như Brunei và Malaysia, đều cố gắng tránh các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền lãnh hải". Theo ông, "việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc không hề đặt các lợi ích kinh tế của họ tới chỗ nhiều rủi ro, mà thay vào đó giúp họ có những giải pháp thực tế và dài hạn đối với sự thịnh vượng của họ. Dù họ có thích hay không thì kinh tế khu vực cũng sẽ bị thu hút bởi Trung Quốc".

Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng có những lợi ích không hề nhỏ trong việc duy trì quan hệ tốt với Mỹ và các nước phương Tây khác vốn đang có các quan hệ thương mại quan trọng với khu vực. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu phần lớn hàng hóa được sản xuất tại Campuchia, bao gồm các sản phẩn dệt may vốn được coi là "xương sống" cho nền kinh tế Campuchia. Ông Kung cho rằng các tranh cãi về ngoại giao cũng khó có thể hủy hoại quan hệ kinh tế và rằng "Campuchia không thể thờ ơ trước các mối quan hệ với phương Tây. Mỹ và EU là các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì vậy cho dù phương Tây không hài lòng với một quốc gia nào đó, họ vẫn xuất khẩu sản phẩm của họ tới các thị trường đó".

Sự cân bằng mà các nước ASEAN đang cố tìm kiếm sẽ là các mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu rộng hơn với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục gia tăng đầu tư và xuất khẩu trên các thị trường phương Tây, cho phép cả hai bên được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế của khu vực.

Simon Henderson, Giám đốc Chương trình Chính sách Năng lượng và vùng Vịnh thuộc Viện Washington, Mỹ. Bài viết được đăng trên The Cambodia Daily.

Trần Quang (gt)