China4-400x297.jpg


Sau khi khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố vào ngày 3/8 rằng không nên đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN trong tuần này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng tuyên bố đồng tình. Phát biểu tại buổi lễ khánh thành một cây cầu do Trung Quốc tài trợ ở Thủ đô Phnom Penh, ông Hun Sen nói: “Tôi không thể đứng về bất kỳ bên nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên, tôi khuyến khích các nước có liên quan đến cuộc tranh chấp tiếp tục đàm phán riêng lẻ với nhau”.

Giới phân tích nhận định, đối với Campuchia, khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này càng gia tăng thì họ càng thiếu thiện chí trong việc ủng hộ các nước bạn bè ở Đông Nam Á phản đối hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc. Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei đều là những quốc gia có tranh chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông - một khu vực rộng lớn với nhiều tuyến giao thông hàng hải và được coi là khu vực giàu trữ lượng dầu khí. Các nước này đã kêu gọi Trung Quốc dừng việc xây dựng các đảo trong các vùng tranh chấp, mà tại đó Trung Quốc đã xây các đường băng và các cảng biển.

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia là mối quan ngại đối với các nước láng giềng ASEAN. Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại trường Đại học Tổng hợp New South Wales, Campuchia đã ngầm ủng hộ các dự án của Trung Quốc. Ông nói: “Sẽ chẳng mất gì đối với Hun Sen khi ủng hộ những kế hoạch này. Đối với ông ta, sự ủng hộ Trung Quốc trong tranh chấp trên biển là điều cần thiết. Trung Quốc giống như một con hổ đang gầm gừ và nó sẽ ra đòn”.

Kể từ năm 1992, Bắc Kinh đã cho Campuchia vay gần 3 tỷ USD. Các công ty của Trung Quốc đã đầu tư 427 triệu USD vào Campuchia trong năm vừa qua. Tháng 11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý cấp cho Campuchia hơn 500 triệu USD cho các khoản vay phát triển hàng năm. Ngày 3/8, Chính phủ Campuchia tuyên bố rằng Trung Quốc đã thay thế Hàn Quốc trở thành nước có số lượng lớn nhất về khách du lịch đến tỉnh Siem Reap, nơi có khu di tích Angkor nổi tiếng.

Các mối quan hệ quân sự giữa hai nước đã được gia tăng trong những năm gần đây. Đầu tháng 7/2015, một phái đoàn gồm 23 quan chức quân sự hàng đầu của Campuchia đã tới thăm Trung Quốc và gọi đây là “một chuyến thăm để tăng cường tình hữu nghị”. Mối quan hệ gần gũi giữa hai nước còn được thể hiện vào năm 2012, khi Campuchia là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao ASEAN. Ngoại trưởng Hor Namhong, người đã chủ trì các cuộc hội nghị năm 2012, bị dư luận cáo buộc là đã ngăn chặn một phản ứng đoàn kết đối với các mục đích của Trung Quốc trong khu vực. Lần đầu tiên trong 45 năm, Hiệp hội đã thất bại trong việc ra một tuyên bố chung, sau khi ông Namhong phủ quyết đối với lời lẽ liên quan đến cuộc tranh chấp.

Cuối tháng 7/2015, ông Namhong từng nói với các phóng viên rằng Campuchia cần phải đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, Giáo sư Thayer nói rằng Campuchia không ở vào vị trí và cũng không có đủ sự tin cậy để đóng vai như thế trong khu vực.

Phản ứng lại mong muốn của Trung Quốc là tránh thảo luận vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao, Mỹ và nhiều Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á cho rằng cần phải nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ này. Ngoại trưởng Malaysia Anifiah Aman nói với các phóng viên vào ngày 4/7: “ASEAN có thể và cần phải đóng một vai trò quan trọng và có hiệu quả cho một giải pháp hòa bình”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 5/8 và nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ với ông này, bất chấp các phản đối của Trung Quốc. Ông Mark Toner nói: “Đây là một diễn đàn nơi mà các vấn đề an ninh quan trọng cần phải được đưa ra thảo luận”.

Cùng với Philippines, Mỹ có kế hoạch kêu gọi Trung Quốc dừng việc xây dựng đảo, đồn trú quân và có các hành động gây hấn. Dù Mỹ đã thẳng thừng trong việc chỉ trích sự mở rộng hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc, nhưng Giáo sư Thayer cho rằng sẽ không xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp. Ông nói: “Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng vượt qua những khác biệt để giữ hòa bình và không có sự gây hấn. Tại thời điểm này, điều mà tất cả các bên liên quan có thể làm là ngăn chặn quân sự hóa khu vực”.

Nhật báo “Khmer Times

Vũ Hiền (gt)