Cambodia.jpg

Các nước ASEAN đang phải đối mặt với hai thách thức chiến lược lớn: Đó là sự đoàn kết nội khối và sự cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ khi cả hai siêu cường cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. Với tư cách một thành viên của ASEAN, một trong các thách thức lớn đối với tình hình hiện tại và chiến lược trong tương lai của Campuchia sẽ là cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Thách thức chiến lược này sẽ quyết định những việc phải làm hiện nay và tương lai của Campuchia đối với cải cách chính trị, phát triển kinh tế, chính sách đối ngoại và quốc phòng. 

Cả Trung Quốc và Mỹ đều cạnh tranh quyền lợi và ảnh hưởng ở Đông Nam Á nói chung và ở Campuchia nói riêng. Vì vậy Campuchia phải đối mặt với các quyết định khó khăn trong việc lựa chọn giữa hai siêu cường và cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ để không gây tổn hại tới các quyền lợi của Campuchia . Đặc biệt, Campuchia sẽ cần phải cân bằng một cách thận trọng mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc để bảo đảm rằng mối quan hệ Campuchia-Mỹ không bị tổn thương. Cả Trung Quốc và Mỹ đều được coi là có giá trị đối với sự phát triển kinh tế và an ninh của Campuchia, và việc tiến tới hợp tác sẽ đưa đến kết quả lạc quan cho Campuchia. 

Xung đột lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ ở Campuchia

Rõ ràng là các lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Mỹ ở Campuchia đang xung đột nhau. Cuộc bầu cử Quốc hội tháng 7/2013, một đột phá lớn trong chính trường Campuchia, đã cho thấy đảng cầm quyền và đảng đối lập đã lợi dụng Trung Quốc và Mỹ để tìm kiếm lợi ích chính trị. Trong chiến dịch tranh cử, đảng đối lập kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ chính trị, cáo buộc chính phủ cầm quyền không tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, vi phạm nhân quyền, bất công, và tham nhũng. Đáp lại, các nghị sĩ Mỹ thuộc cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều đã đe dọa cắt viện trợ cho Campuchia nếu cuộc bầu cử không “công minh”. 

Khi xảy ra bế tắc chính trị sau bầu cử, trong khi cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ chối công nhận kết quả bầu cử và kêu gọi Campuchia điều tra độc lập các cáo buộc sai phạm bầu cử, thì Trung Quốc nhanh chóng công nhận kết quả bầu cử và chúc mừng Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền trước chiến thắng của họ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã thăm Campuchia để củng cố và mở rộng hơn các mối quan hệ và sự hợp tác. Ông cũng nhấn mạnh sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ sẽ bảo đảm tiếp tục một mối quan hệ lành mạnh với Trung Quốc. 

Một ví dụ khác cho thấy sự xung đột quyền lợi giữa hai siêu cường là quyết định của Chính phủ Campuchia trục xuất 20 người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ chống Trung Quốc tìm cách tị nạn vào năm 2009 theo yêu cầu của Bắc Kinh. Hậu quả của việc làm này là sự lên án của Mỹ, cáo buộc Campuchia thất bại trong việc bảo vệ nhân quyền theo luật quốc tế và vi phạm các nghĩa vụ quốc tế. Mỹ cũng khuyến cáo rằng hành động của Campuchia ảnh hưởng tới quan hệ song phương. Sau đó, Mỹ đã quyết định tạm dừng viện trợ 200 xe tải quân sự và xe rơ moóc cho quân đội Campuchia . 

Viện trợ quân sự của Trung Quốc 

Trung Quốc đã chộp ngay lấy cơ hội này và hành động ngược lại với Mỹ bằng cách tuyên bố cung cấp một khoản viện trợ quân sự cho Campuchia trị giá hàng trăm triệu USD. Hành động của Trung Quốc cũng nhằm mục đích gửi một thông điệp tới Washington rằng trong khi Mỹ gửi các xe quân sự đã qua sử dụng cho Campuchia , Trung Quốc cũng sẵn sàng gửi một số lượng lớn xe vận tải cùng với quân phục mới cho Campuchia. Trung Quốc rõ ràng đã tự nhận mình đang cạnh tranh với Mỹ để nhận được sự ủng hộ từ Campuchia. 

Trong chuyến thăm Campuchia của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào năm 2010, một thông điệp đã được chuyển cho Campuchia rằng nước này không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và Campuchia cần phải tìm cách đa dạng hóa nguồn viện trợ, và xây dựng một chính sách đối ngoại độc lập. 

Những cố gắng tranh giành ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đã được thể hiện theo Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI), trong đó Mỹ dự kiến cung cấp 187 triệu USD trong cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa Clinton với các ngoại trưởng các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. 

Quá phụ thuộc vào Trung Quốc? 

Campuchia phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đã đặt chính sách đối ngoại của nước này dưới ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì vậy, những nghi ngờ của Mỹ đã được khẳng định. Ví dụ, tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2012 ở Campuchia, Campuchia đã đứng đằng sau quyền lợi của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông với nhiều thành viên ASEAN. Hậu quả là ASEAN không thế tiến tới sự nhất trí – nguyên tắc căn bản của ASEAN, và lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm ASEAN thất bại trong việc ra một thông cáo chung. Điều này đã gây ra các rắc rối cho Campuchia trong nội bộ ASEAN và hiện nay Campuchia đang bị các nước láng giềng nhìn với con mắt nghi ngờ. 

Tương tự Campuchia do dự trong việc chỉ trích hoặc phản đối các vấn đề môi trường của Trung Quốc. Các đập thủy điện Trung Quốc đang xây dựng trên sông Mekong, gây ảnh hưởng lớn đối với hàng triệu người dân Campuchia đang sống dựa vào nguồn nước của con sông, từ sinh hoạt cho đến thủy lợi và đánh bắt cá, nhưng đã không được Campuchia đề cập tới. 

Trong những cố gắng gây ảnh hưởng để có được sự trung thành chính trị của Campuchia, Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng các chiến lược phát triển và viện trợ khác nhau. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ về mặt xã hội kinh tế và phát triển chính trị, dân chủ hóa, thương mại, đầu tư, an ninh khu vực, xã hội dân sự, và quan trọng nhất là nhân quyền. 

Trung Quốc - ông chủ thầu 

Ngược lại, Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ cho sự phát triển hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu cống và các công trình công cộng, và không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Các lợi ích chiến lược cốt lõi của hai nước ở Campuchia là Mỹ tìm cách củng cố dân chủ và pháp trị, còn Trung Quốc đóng vai trò quan trọng hơn đối với nguồn tài nguồn thiên nhiên, kinh doanh và tìm kiếm lợi ích chính trị. Hơn thế nữa, Mỹ viện trợ kèm theo các điều kiện khó khăn, trong khi viện trợ Trung Quốc “không kèm các ràng buộc”. 

Môi trường chiến lược của Campuchia rất phức tạp. Không chỉ Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng ở Campuchia, mà có cả các nước trong khu vực ASEAN nói chung và các nước láng giềng ngay cạnh Campuchia. Trong khi đó Trung Quốc đang có mối quan hệ tốt đẹp với Thái Lan và Việt Nam đã có bước tiến trong quan hệ với Mỹ nhằm tạo ra một thế cân bằng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. 

Trung Quốc gần đây đã có những hoạt động trên vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông như xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở Trường Sa. Việc làm này đã trở thành nguyên nhân gây căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với từng nước trong số các nước được coi là quan trọng đối với Campuchia. Như vậy, điều quan trọng là chú ý đến những thách thức tác động bởi những căng thẳng này và tìm ra một giải pháp hiệu quả đối với các nước liên quan. 

Cuộc xung đột hiện nay dường như đang ngày càng căng thẳng khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khuyến cáo các đồng sự ASEAN vào tháng 5/2014 rằng việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên Biển Đông là một “hành động cực đoan nguy hiểm” gây tổn hại trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, và an toàn hàng hải. Cả Việt Nam và Philippines chắc chắn chờ đợi sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ các nước ASEAN. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 tổ chức ở Malaysia, hiệp hội đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ bày tỏ “các mối quan ngại lớn” về hành động xâm lược trên biển, kêu gọi thúc đẩy đàm phán để có được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, khi mà tất cả các nước ASEAN đều hưởng lợi kinh tế lớn từ Trung Quốc, tuyên bố trên dường như không thay đổi những tính toán của Trung Quốc! 

Trung Quốc chiếm ưu thế trên Biển Đông?

Ưu thế của Trung Quốc trên Biển Đông khả năng cao sẽ được công nhận. Như vậy, Campuchia sẽ đồng thời cần phải chú ý đến các nước láng giềng trong khi tạo cân bằng giữa họ, cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc. Campuchia cần phải tạo các mối quan hệ cân bằng với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, vốn là những nhà tài trợ lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Campuchia. 

Một điều thấy rõ là Campuchia có thể giành được những lợi ích từ hai siêu cường để tạo nên một tương lai cho chính mình và nhân dân Campuchia. Campuchia hiện vẫn là một nước nghèo nhất trong khu vực và mối quan tâm hàng đầu của quốc gia này là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, quản lý hành chính, dân chủ hóa, bảo vệ nhân quyền và pháp trị. Campuchia phải độc lập đối với viện trợ vì sự phát triển của đất nước. 

Cả Trung Quốc và Mỹ đều phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước của Campuchia. Mỹ muốn Campuchia trở thành một thể chế dân chủ, có kinh tế thị trường tự do, thực hiện pháp trị và ủng hộ các giá trị quốc tế về nhân quyền, quản trị tốt và những điều tương tự. Mặt khác, Trung Quốc đưa đến cho Campuchia nguồn đầu tư to lớn đối với phát triển hạ tầng cơ sở và công nghiệp: đường sá, cầu cống, đường sắt, các đập thủy điện và các công trình công cộng. Trung Quốc cũng cung cấp các khoản quà tặng và viện trợ không kèm điều kiện nào. 

Các lợi ích từ mối quan hệ với phương Tây 

Nếu Campuchia liên minh nhiều hơn với Trung Quốc, điều này có thể làm giảm sự tôn trọng đối với nguyên tắc nhân quyền, quản lý hành chính hiệu quả, và có thể kéo lùi tiến trình dân chủ hóa ở Campuchia. Nó có thể đe dọa đến thương mại và đầu tư với Mỹ (đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm dệt may vốn chiếm 70% hàng hóa của Campuchia vào thị trường Mỹ). Ngược lại, nếu Campuchia nghiêng quá nhiều về Mỹ sẽ tạo ra những rủi ro khi chọc tức Trung Quốc, khiến họ có thể rút hoặc trì hoãn các dự án lớn và viện trợ. Đồng thời, Campuchia nằm dưới sức ép của Mỹ trong việc thực hiện cải cách chính trị và làm nhiều hơn để hạn chế tham những và cải thiện sự tôn trọng nhân quyền và tự do biểu đạt chính kiến. 

Nói tóm lại, sẽ không có nhiều lợi ích nếu chỉ liên minh với Trung Quốc hoặc Mỹ. Đứng hẳn về một phía nào trong hai siêu cường hiện nay đều đem lại sự rủi ro cho Campuchia. Duy trì phương cách ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN có thể là cách tốt nhất để phục vụ cho chính sách đối ngoại và quyền lợi quốc gia của Campuchia. 

Vì vậy, Campuchia cần phải đồng thời tạo sự cân bằng với cả Trung Quốc và Mỹ. Cả Trung Quốc và Mỹ đều có vai trò đối với Campuchia. Nhiệm vụ của Campuchia là cân bằng nhu cầu của cả hai siêu cường và cố gắng hành động để làm hài lòng cả hai. 

Campuchia phải loại bỏ các vấn đề đối nội như hạn chế tham nhũng và chủ nghĩa phe nhóm, giảm các vụ cưỡng chế đất đai, tôn trọng nhân quyền, tổ chức các cuộc bầu cử nghiêm túc… Đồng thời, Campuchia cần phải có hạ tầng cơ sở mới và nguồn lực phát triển. Nếu nguồn tài sản được phân chia và quản trị tốt sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển kinh tế, giảm nghèo và tôn trọng nhân quyền. 

Các quyền lợi của Trung Quốc và Mỹ có có tính chất được bổ sung, nhưng chúng dứt khoát không được đối đầu. Đó là một cuộc cạnh tranh quyền lực lớn, nhưng không phải là sự đối đầu. Hai cường quốc cần phải hiểu vị trí của Campuchia và tìm ra điểm chung. Theo cách này, tất cả các bên đều có lợi./. 

 

 

Theo Báo Khmer Times

Thùy Anh (gt)