Obama.jpg

Lợi ích của hai cường quốc Mỹ-Nga thường có sự giao thoa ở nhiều điểm nóng trên toàn cầu, như Syria, Ukraine hay nhiều nơi khác. Thực tế là trong một thập kỷ trở lại đây, Mỹ đã liên tục đánh giá sai khả năng của mình khi tự kiểm soát và xử lý các cuộc xung đột tại Iraq, Libya rồi cho tới Syria và Ukraine. Giờ là lúc Tổng thống Barack Obama cần “ngậm bồ hòn làm ngọt”, gạt đi các bất đồng và đối thoại nhiều hơn với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, để xem xem liệu một mối quan hệ hài hòa và tích cực với Moskva có thể tạo tiền đề cho những lợi ích quốc gia to lớn hơn hay không.

Chiến lược mới nhất của Mỹ tại Syria - “huấn luyện và trang bị” lực lượng nổi dậy được cho là ôn hòa – rõ ràng đã thất bại. Có rất ít các tay súng thực sự được huấn luyện bài bản, và nhóm đầu tiên sau khi “hoàn thành” khóa huấn luyện đã vượt qua biên giới Syra-Thổ Nhĩ Kỳ và nhanh chóng đầu hàng, giao nộp những vũ khí được Mỹ trang bị cho chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Syria.

Moskva đã ngỏ ý muốn hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng nhấn mạnh IS chính là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ, trong khi Nga cũng bày tỏ lo ngại về tổ chức này. Hàng nghìn công dân Nga từ Chechnya và phía Bắc Caucasus đã gia nhập lực lượng cực đoan tại Syria, và điều mà Nga lo ngại là làn sóng thánh chiến Hồi giáo có thể lan tới tận Trung Á và thậm chí là chính nước Nga.

Trong khi quân đội Nga đưa quân và trang thiết bị vào Syria, Lầu Năm Góc đã bắt đầu sáng suốt hơn khi phối hợp với những người đồng cấp Nga để tránh nguy cơ xảy ra những vụ việc đáng tiếc giữa quân đội hai phía. Giới quan sát cho rằng, tiếp theo, hai nhà lãnh đạo Obama và Putin cần cùng nhau xây dựng nền tảng để tìm kiếm một giải pháp quy mô và toàn diện nhằm xử lý vấn đề Syria, cùng tìm kiếm một lộ trình phù hợp với cả hai nước.

Bên ngoài, có vẻ như quan điểm của hai nước về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chính là rào cản lớn đối với hợp tác Mỹ-Nga trong vấn đề tại quốc gia Trung Đông này. Ông Obama khẳng định trong chính quyền Syria mới không thể có sự hiện diện của ông Assad, trong khi Tổng thống Putin phớt lờ những lời kêu gọi ông ngừng hậu thuẫn nhà lãnh đạo Syria. Tuy nhiên, mâu thuẫn này không hẳn là không thể hòa giải. Có nhiều nguồn tin trong giới ngoại giao châu Âu cho biết, ở hậu trường, “những người Nga nói rằng họ cũng không hoàn toàn ủng hộ ông Assad”, và họ “đang tìm kiếm những nhân vật có khả năng thay thế ông ta”.

Thay vì bảo thủ với quan điểm về tương lai của ông Assad, điều mà Mỹ nên làm là tìm hiểu những kịch bản có khả năng diễn ra trong đầu ông Putin. Một khả năng – mà ông Putin từng được cho là đã chủ động đề cập – là để ông Assad đứng đầu chính quyền lâm thời tại Syria. Khả năng khác là đưa một nhà lãnh đạo “cứng rắn” khác lên thay thế ông Assad và tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Một nhân vật như vậy cần phải có được sự hậu thuẫn từ phía các đồng minh Alawite của ông Assad cũng như những người Syria cấp tiến thuộc mọi thành phần xã hội, những người phản đối sự cai trị của một chính phủ thánh chiến theo kiểu IS. Rõ ràng, Mỹ sẽ không chịu bất kỳ thiệt hại nào nếu cân nhắc các lựa chọn này, những khả năng được cho là sẽ giúp chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria, song tia hy vọng chỉ thực sự xuất hiện nếu hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga cùng nhau bắt đầu thảo luận về chúng.

Cũng đã đến lúc Mỹ cần ngồi lại với Nga để nói về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong tháng qua, đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy Nga dường như bắt đầu tỏ ra ôn hòa hơn trong cuộc chiến tại Ukraine và đây là điều rất đáng lưu tâm.

Thứ nhất, Nga gần đây đã gián tiếp gây sức ép để dẫn tới sự thay đổi nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo phe ly khai. Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, một nhân vật có tư tưởng chủ chiến và phản đối thỏa thuận Minsk II – lệnh ngừng bắn được Ukraine, Nga, Pháp và Đức đàm phán – đã bị thay thế bằng một nhân vật ôn hòa hơn, một người nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Moskva. Cũng trong ngày diễn ra sự thay thế này, Tổng thống của DPR đã thừa nhận tình hình và công khai ủng hộ thỏa thuận Minsk II. Đây là sự kiện phản ánh thực tế Moskva đã thành công trong việc thao túng và gây sức ép buộc giới lãnh đạo ly khai tuân thủ thoả thuận.

Dấu hiệu thứ hai đến từ chính bản thân ông Putin. Trong chuyến thăm Crimea, Tổng thống Putin từng nói rằng cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng là các khu vực nổi dậy tuân thủ thỏa thuận Minsk II. Theo thỏa thuận này, các khu vực nổi dậy dần dần sẽ được trao trả lại cho Ukraine, song được trao quyền tự trị lớn hơn. Ông Putin không nói rõ ràng về khía cạnh này, song nhiều nhà quan sát tin rằng đây là dấu hiệu để phương Tây thấy rằng người Nga đã sẵn sàng đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. Mặc dù cam kết công khai của ông Putin đối với thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine chỉ là một sự thay đổi về mặt chiến thuật chứ chưa tới mức chiến lược, cũng như những gì diễn ra tại Syria, song chắc chắn tình hình sẽ có nhiều cải thiện nếu Washington, cụ thể là ông Obama thẳng thắn đối thoại với người đồng cấp Putin để hiểu rõ hơn các tính toán tại Ukraine của nhà lãnh đạo này.

Trao đổi và thảo luận cũng là cách giúp Washington hiểu rõ các quan điểm của Moskva về những lợi ích then chốt của Mỹ. Liệu người ta có nên hy vọng về một sự hợp tác Mỹ-Nga trong vấn đề biến đổi khí hậu hay không? Một vấn đề khác không thể không đề cập tới khi nhắc đến mối quan hệ Mỹ-Nga là tương lai thỏa thuận hạt nhân với Iran – một ví dụ tiêu biểu cho sự thành công trong hợp tác giữa Washington và Moskva, đồng thời cũng là một thành tựu quan trọng trong di sản chính trị mà ông Obama để lại. Mặc dù những người bảo thủ lo ngại rằng ông Putin có thể lợi dụng các điều kiện để có được sự hợp tác với Nga trong vấn đề Syria nhằm giúp Moskva rảnh tay hơn trong cuộc chiến ở Ukraine, song rõ ràng, bắt tay với Nga trong việc xử lý cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này chỉ có lợi cho Washington.

Theo “Reuters

Hương Trà (gt)