Cái chết của ông Kim cũng đẩy Châu Á – Thái Bình Dương vào giai đoạn bất ổn và rủi ro. Chỉ vừa mới rút quân khỏi Iraq, quân đội Mỹ chắc chắn sẽ dễ bị cuốn vào triển vọng xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, dự đoán tồi tệ nhất là cuộc chiến quy mô lớn hay việc Bắc Triều Tiên sụp đổ có thể tránh được và cơ hội để Mỹ xây dựng quan hệ đối tác chính với Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có thể là yếu tố xuyên suốt đối với các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ. Chiến tranh Iraq đã kết thúc, và thời hạn rút quân khỏi Afghanistan cũng đã được thiết lập, Washington đang tìm cách tái khẳng định sự hiện diện quân sự tại Châu Á – Thái Bình Dương mà không bị coi là thù địch hoặc bao vây Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc đang bắt đầu theo đuổi tuyên bố bá quyền khu vực hiếu chiến hơn. Bắc Kinh cũng lớn tiếng chỉ trích Mỹ khi Mỹ đang trở nên tích cực hơn trong sân sau của Trung Quốc. Trong lúc căng thẳng diễn ra tại Biển Đông đầu năm 2011, Mỹ đã tăng cường quan hệ hải quân với Philíppin và Việt Nam.

Tuy nhiên, bất ổn tại Bắc Triều Tiên có thể làm giảm quan ngại của Trung Quốc hay ít nhất các chỉ trích của Trung Quốc về các biện pháp mới nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu Mỹ có can dự sâu và rộng hơn thì được xem là nhằm ứng phó với bất ổn an ninh khu vực hơn là cái cớ mà Bắc Kinh cố tìm và Bắc Kinh có thể dễ dàng chấp nhận hơn. Điều này đã ngay lập tức được thử nghiệm trong ngày 20/12 (một ngày sau khi thế giới biết ông Kim qua đời) khi Nhật Bản tuyên bố chọn Máy bay Lockheed Martin’s F-35A là thế hệ máy bay chiến đấu mới của Nhật Bản. Quyết định của Nhật Bản có ảnh hưởng tiêu cực đối với Trung Quốc cả về mặt hình thức và thực tế: (1) Nhật Bản tiếp tục phối hợp hoạt động với lực lượng không quân Mỹ trong nhiều thập kỷ tới, (2) Nhật Bản sẽ đưa công nghệ máy bay chiến đấu tối tân nhất của Mỹ vào Đông Bắc Á như đối trọng với chương trình máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc và (3) Nhật Bản đã tạo tiền lệ cho Hàn Quốc (tiềm năng có thể là Đài Loan) theo chương trình đó nếu họ cũng có lựa chọn như vậy. Nếu trong bối cảnh khác thì hành động như vậy có thể châm ngòi cho phản ứng mạnh mẽ tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như chọn cách bỏ qua những gì được xem là đầu tư lớn trong liên minh Nhật - Mỹ.

Tăng cường liên minh Mỹ - Hàn Quốc còn tinh vi hơn nhiều trong bối cảnh hiện nay. Trong tương lai gần, cả hai nước sẽ tránh làm bất cứ điều gì vì sợ khiêu khích chính quyền mới tại Bình Nhưỡng. Điều cuối cùng mà Washington hoặc Seoul muốn là tạo cớ để Kim Jong-un thể hiện đường lối cứng rắn. Quân đội Mỹ cam kết chắc chắn bảo đảm an ninh Hàn Quốc trong thời kỳ chuyển giao lãnh đạo tại Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống cho việc tăng cường quan hệ quân sự đặc biệt thông qua việc Mỹ bán vũ khí. Hàn Quốc đang chủ động đề nghị mua máy bay do thám không người lái thế hệ RQ-4 Global Hawk nhằm tăng cường khả năng do thám không gian và đề nghị này vẫn đang chờ sự thông qua chính thức của chính quyền Mỹ. Hơn nữa, lực lượng không quân Hàn Quốc đang hy vọng sớm được chọn một khuôn khổ cho chương trình máy bay chiến đấu F-X. Hiện đang có 2 chương trình của Mỹ đang cạnh tranh nhau là loại Boeing F-15SE Silent Eagle và Lockheed Martin F-35. Vì vậy, cả Seoul và Washington sẽ có nhiều cơ hội tăng cường những gì được cho là quan hệ đối tác quân sự thực sự mạnh vào năm 2012.

Nếu loại hình hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được mà vấp phải sự phản đối ít nhất của Trung Quốc thì đây có thể xem là thắng lợi đối với Tổng Thống Obama. Uy tín chính sách đối ngoại của Obama có thể bị tổn hại nếu ông bị coi là nhượng bộ đối với Bắc Triều Tiên hoặc trước áp lực của Trung Quốc. Nói cách khác, việc bắt đầu tranh cãi ngoại giao với Trung Quốc về những ý đồ của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương có thể dẫn tới tổn thất về kinh tế và chính trị mà cả hai đều không phải là lựa chọn tốt nhất trước cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ sẽ bắt đầu vào năm tới. Theo xu hướng đó, sự bất ổn hiện nay tại Bắc Triều Tiên có thể là cái cớ ngụy trang tốt cho chính quyền Mỹ. Việc ông Kim Jong-il qua đời và kéo theo giai đoạn bất ổn tại Bắc Triều Tiên có thể tạo cớ chính trị cho quân đội Mỹ tăng cường và làm sâu sắc quan hệ với các đồng minh chính tại Châu Á – Thái Bình Dương mà không gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

 Theo The-diplomat (23/12)

Hương Trà (gt)