Chìm trong mối đe dọa của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS), cũng như tình trạng hỗn loạn và tàn phá nặng nề ở khu vực Trung Đông, là sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Năm 2011, bà Hillary Clinton trong nhiệm kỳ Ngoại trưởng Mỹ năm 2011 đã nêu rõ tầm quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong một bài báo của tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) có nhan đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”. Trong bài báo này, bà Hillary Clinton dự đoán về sự chi phối của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong các vấn đề toàn cầu và việc Mỹ cần tập trung sự chú ý của mình vào khu vực này. 

Cho đến nay, chính sách “xoay trục” của Mỹ vẫn chậm chạp, nếu như nó đã và đang dịch chuyển. Hơn nữa, kế hoạch của Hải quân Mỹ trong việc chuyển 60% sức mạnh của lực lượng này sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020 – nhằm giải quyết và ứng phó với các thách thức, trong đó có vấn đề Triều Tiên, nạn buôn người, thảm họa tự nhiên, cùng nhiều vấn đề khác – đã bị Bắc Kinh chỉ trích là một nỗ lực rõ ràng nhằm kiềm tỏa Trung Quốc. 

Tuy nhiên, nếu chính sách “xoay trục” của Mỹ là một nỗ lực nhằm kiềm tỏa Trung Quốc, thì ai đó có thể lập luận rằng cho đến nay nỗ lực đó đã thất bại. Chỉ trong tháng 5 năm nay, những căng thẳng trên Biển Đông đã gia tăng khi Trung Quốc hạ đặt một trong những giàn khoan dầu của nước này ở bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gần quần đảo tranh chấp Paracel (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã bị Trung Quốc chiếm năm 1974 và gọi là Tây Sa - PV). 

Sự việc này đã châm ngòi cho một làn sóng bạo động và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên khắp Việt Nam. Các lực lượng bảo vệ biển của hai quốc gia đã đối đầu nhau trên biển. Vụ việc này kết thúc vào cuối tháng 7 vừa qua khi Trung Quốc cuối cùng cũng đã rút giàn khoan dầu nói trên, sớm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu của họ là tháng 8. 

Vụ việc này đã làm trầm trọng hơn mối quan hệ vốn dễ tổn thương giữa Hà Nội và Bắc Kinh, mối quan hệ luôn luôn căng thẳng do những tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ đang diễn ra quanh khu vực quần đảo Paracel và Spratly (quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc gọi là Nam Sa - PV). Vụ việc này có thể không khiến Việt Nam ngả vào vòng tay của Mỹ, nhưng nó khiến các nhà lãnh đạo chính trị và các chủ doanh nghiệp của Việt Nam tạm ngừng sự phụ thuộc kinh tế của nước này vào Trung Quốc. 

Các cuộc thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam đã và đang gia tăng ở Washinton D.C. Không ít những người như Thượng Nghị sĩ John McCain, phi công hải quân và từng là tù binh một thời gian dài trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã dành sự ủng hộ ngầm đối với quyết định dỡ bỏ có điều kiện lệnh cấm nói trên. 

Những nguy cơ của việc quá phụ thuộc 

Không phải là Việt Nam cần các vũ khí của Mỹ, vì nước này đã vui vẻ với việc mua được vũ khí ở bất cứ đâu, đặc biệt là ở Nga. Tuy nhiên, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí chắc chắn sẽ cho thấy sự thay đổi đáng kể trong mối quan hệ Mỹ-Việt. Nhưng mối quan hệ này là gì, và Mỹ tìm kiếm kiểu quan hệ nào với Việt Nam? 

Tới tận bây giờ, Mỹ vẫn lưỡng lự bán vũ khí cho Việt Nam do hồ sơ nhân quyền của quốc gia này. Mặc dù vấn đề nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn gây quan ngại đối với Mỹ, nhưng có lẽ cách tính toán tại Washington đã thay đổi, có thể do lợi ích của một nước đồng minh tiềm tàng tại khu vực Đông Nam Á có sức nặng vượt trội so với sự cần thiết phải dân chủ hóa ở Việt Nam. 

Cho dù là vì động cơ gì, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí chưa chắc sẽ thiết lập được những nền tảng cho mối quan hệ lâu dài và mang tính xây dựng giữa Mỹ và Việt Nam. Về mặt địa lý và kinh tế, Việt Nam tiếp tục tồn tại trong quỹ đạo của Trung Quốc, và sẽ tiếp tục như vậy trừ phi nước này có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nước láng giềng (Trung Quốc). Việc bán súng đạn một cách đơn thuần sẽ là không đủ. Thay vào đó, nếu Mỹ hy vọng giành Việt Nam khỏi Trung Quốc, hoặc ít nhất là làm suy giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh với Hà Nội, thì Mỹ có thể bắt đầu bằng cách giảm sự phụ thuộc kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc và khuyến khích các chính sách tự do hóa kinh tế rộng lớn hơn.

Vụ việc giàn khoan dầu Hải Dương 981 cho thấy những rủi ro đối với sự phụ thuộc của Việt Nam. Các chủ nhà máy ở Việt Nam đặc biệt quan ngại do nguồn nguyên liệu của họ chủ yếu dựa vào Trung Quốc. Thật vậy, một số ông chủ bắt đầu mua các nguyên vật liệu ở một vài nơi khác với giá cao hơn. Các vụ bạo loạn chống Trung Quốc cũng đã buộc Bắc Kinh phải sơ tán các công dân của họ khỏi Việt Nam, dẫn tới sự thiếu hụt các chuyên viên kỹ thuật và công nhân trong những nhà máy này. 

Đối với các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam, sự cai trị liên tục của họ phụ thuộc phần lớn vào khả năng của họ trong việc đáp ứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu các điều kiện kinh tế tại Việt Nam bấp bênh và trở nên xấu đi do cách xử lý tranh chấp của Hà Nội, thì sẽ chẳng còn bao lâu nữa trước khi người dân bắt đầu đổ lỗi cho chính phủ của họ. 

Chỗ đứng vững chắc bằng đường “cửa hậu” 

Kể từ khi nước Việt Nam ra đời với vai trò là một quốc gia riêng biệt và tách biệt với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã làm việc miệt mài để tạo ra sự cân bằng giữa nền độc lập quốc gia và việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng lớn mạnh hơn của mình. Sự cân bằng này chưa bao giờ dễ dàng và có lúc đã dẫn tới bạo lực. Mặc dù chiến tranh giữa hai quốc gia này có thể không xảy ra vào thời điểm hiện tại, nhưng hiện trạng ngày nay khá bất lợi và nguy hiểm. 

Thay vì tự “đánh bóng” bản thân mình là một đối trọng quân sự với Trung Quốc, Mỹ nên thể hiện bản thân họ là một sự lựa chọn kinh tế có thể tồn tại và phát triển độc lập. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD, chủ yếu là thiết bị điện tử, trong khi Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam lượng hàng hóa có giá trị lên tới gần 37 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2012. 

Việc đưa Việt Nam ra khỏi Trung Quốc sẽ không phải là một nhiệm vụ nhỏ. Hà Nội về mặt tự nhiên sẽ tranh thủ thời gian của mình do những nhu cầu đặt ra, mặc dù những tín hiệu hiện tại cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng để đa dạng hóa; và chắc chắn là Bắc Kinh sẽ cố gắng cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm tước đoạt sự kiểm soát của họ đối với Việt Nam và giành lấy địa vị vững chắc tại sân sau của Trung Quốc bằng lối “cửa hậu.” 

Sự phồn thịnh của nền kinh tế, không phải bằng súng đạn, sẽ không chỉ có lợi cho việc bảo vệ mối quan hệ đối tác của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới mà còn giúp nâng cao đời sống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong việc tự do hóa nền kinh tế của Việt Nam là việc nước này tiếp tục bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước, tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới sự suy thoái kinh tế của Việt Nam vào năm 2012. 

Mặc dù số lượng các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước đã giảm, nhưng các doanh nghiệp này vẫn là một trở ngại đối với tính cạnh tranh của thị trường tự do, đặc biệt là theo khuôn khổ thỏa thuận thương mại tự do khu vực Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam là một phần của thỏa thuận đang đàm phán này. Nếu TPP thành công – thỏa thuận này gặp bất lợi tại cả Quốc hội Mỹ và tại Nhật Bản – thì nó sẽ khuyến khích Việt Nam bắt tay vào công cuộc cải cách kinh tế cần thiết. 

Nếu Mỹ có ý định hợp tác với Việt Nam và tăng cường các mối quan hệ hai nước, thì việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đơn thuần sẽ không làm được gì nhiều trong việc gắn kết một mối quan hệ lâu bền. Việt Nam không cần mua vũ khí từ Mỹ và Mỹ cũng không cần bán vũ khí cho Việt Nam. 

Tuy nhiên, do tầm quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới, Mỹ sẽ làm tốt việc đảm bảo sự hiện diện tại các thị trường đang nổi của khu vực này và có lẽ không quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á cho thấy nhiều hứa hẹn như Việt Nam. Mỹ đang giúp Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng kinh tế của nước này – nơi mà Mỹ có thể tìm được chỗ đứng của mình. 

Mỹ mong muốn xây dựng kiểu quan hệ nào với Việt Nam? Hy vọng rằng đó sẽ là một mối quan hệ lâu dài và hữu ích. Cho đến lúc như vậy, vẫn còn tồn tại nhiều việc cần phải làm.

Bài viết của hai tác giả Khanh Vu Duc, luật sư và giảng viên tại trường Đại Học Ottawa, Canada, cùng với Duvien Tran, nghiên cứu viên tại văn phòng luật VDK tại Ottawa Canada đăng trên trang Asia Sentinel.

Duy Anh (gt)