Ở khu vực hiện nay đang diễn ra sự cạnh tranh và tính toán chiến lược. Về kinh tế, mặc dù Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN đã kí kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương riêng rẽ với nhau, tuy nhiên chưa có hiệp định nào tạo nên sự liên kết kinh tế khu vực có hệ thống như ở Châu Âu, Mỹ La tinh và Bắc Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang nỗ lực tạo dựng 1 thị trường thống nhất ở khu vực thông qua việc thúc đẩy đàm phán TPP.

Về an ninh, khu vực vẫn tồn tại những bất ổn liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong khi Mỹ muốn Trung Quốc tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, thì đến nay Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn việc Mỹ tham gia UNCLOS. Do đó, việc Mỹ sớm phê chuẩn UNCLOS sẽ tăng tính thuyết phục trong tiếng nói của Mỹ với Trung Quốc.

Về vai trò của Trung Quốc với khu vực

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng lớn nhất của phần lớn các nước trong khu vực Châu Á. Nhờ sự phát triển về kinh tế, Trung Quốc bắt đầu can dự chính trị mạnh mẽ hơn với khu vực thông qua việc viện trợ cho các nước, đặc biệt là Lào, Campuchia và Myanmar. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 là bằng chứng rõ nét nhất về lợi ích mà Trung Quốc có được thông qua việc cấp viện trợ cho Campuchia. Tại Hội nghị này, các nước ASEAN đã không thông qua được Tuyên bố chung liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở khu vực do sự phản đối của nước Chủ tịch ASEAN Campuchia. Kết quả của Hội nghị này đã khiến những người từng tin tưởng vào ASEAN cảm thấy lo ngại.

Về quan hệ Trung - Nhật

Nhìn tổng thể, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản đựơc thể rõ trên các lĩnh vực: thương mại (hiện Nhật Bản đang đẩy mạnh đàm phán TPP với Mỹ để đối trọng với chủ trương thúc đẩy thành lập Đối tác kinh tế toàn diện khu vực của Trung Quốc - RCEP); an ninh (Nhật Bản đẩy mạnh tham gia EAS, ARF trong khi Trung Quốc đóng vai trò nòng cốt trong Tổ chức hợp tác Thượng hải - SCO và Hội nghị Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở Châu Á - CICA); phát triển (Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến thành lập ngân hàng AIIB để đối trọng với ADB do Nhật Bản dẫn dắt).

Trong bối cảnh trên, ASEAN có 2 lựa chọn với Trung Quốc:

i) Đối đầu: Nếu lựa chọn khả năng này, một số nước ASEAN, đặc biệt là các nước nhận được viện trợ kinh tế từ Trung Quốc, sẽ không thấy thoải mái. Với những nước ASEAN có trình độ phát triển kinh tế thấp, việc tham gia TPP sẽ là lựa chọn khó khăn do TPP đưa ra tiêu chuẩn cao về lao động, thị trường. Đến nay, Indonesia vẫn thờ ơ trước việc tham gia đàm phán TPP.

ii) Hòa giải: Lựa chọn này sẽ khiến các nước ASEAN cảm thấy thỏai mái hơn. Hiện nay, IMF vẫn chưa cải cách để thích ứng với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Trong khi đó, các sáng kiến của Trung Quốc lại mang lại lợi ích không chỉ cho Trung Quốc mà cho cả các nước ASEAN. Vì vậy, trong thời gian tới, các nước ASEAN nên lựa chọn phương án này để tránh làm xấu thêm tình hình khu vực.

Theo Viện Carnegie Endowment

Văn Cường (gt)