Phần Lan luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với ý đồ chính trị quốc tế của “gấu Nga”. Tháng trước, quân đội Nga đã triển khai 3.000 binh sĩ để mở lại căn cứ không quân ở Murmansk Oblast, cách Rovaniemi - thành phố của Phần Lan với 60.000 dân - khoảng 200 km về phía Đông. Không quân Nga thực hiện diễn tập hàng ngày dọc biên giới Nga-Phần Lan và thường xuyên xâm nhập không phận của nước láng giềng. 

Dù hầu hết các cuộc diễn tập này liên quan đến các máy bay ném bom Tupolev già nua nặng nề, song tiềm lực của Nga đã được tăng cường nhờ thế hệ máy bay chiến đấu mới Sukhoi. Thêm vào đó, hầu hết vũ khí hạt nhân của Nga được triển khai trên các tàu ngầm đóng ở phía Bắc Lapland thuộc bán đảo Kola. Nga sẽ hạ thủy 5 tàu ngầm mới trong năm nay, khi nước này khôi phục tiềm lực đã mất sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và liên minh Xô Viết sụp đổ.

Bất chấp vị trí địa lý sát với Nga, Phần Lan không sợ điều đó. Với dân số 5,5 triệu người, Phần Lan có 350.000 quân dự bị và là một trong những nước có mức chi tiêu quân sự cao nhất châu Âu. Phần Lan cũng từng phải hứng chịu sự xâm lược của Nga. Năm 1939, Phần Lan đã đánh bật sự xâm lược của Xô Viết trong Cuộc chiến mùa Đông. Trong cuộc chiến này, mặc dù Phần Lan bị mất tới hơn 40.000 binh sĩ, nhưng con số này của đối phương nhiều gấp 5 lần.

Phần Lan đã đứng ngoài cuộc Chiến tranh Lạnh như một quốc gia trung lập có vai trò chiến lược giữa Đông và Tây. Lập trường không chỉ trích liên minh Xô Viết đã cho phép Phần Lan tiếp cận một thị trường rộng lớn, đồng thời mở rộng thương mại với các nước thành viên NATO. Chính sách kết hợp sự răn đe quân sự với trung lập chính trị và tham gia kinh tế đã được biết đến như chính sách “Phần Lan hóa”. Phần Lan tiếp tục thực hiện chính sách này sau Chiến tranh Lạnh. Trong những năm 2000, thành phố Helsinki của Phần Lan - cách thành phố Saint Peterburg của Nga 3 giờ đi tàu - đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách và nhà đầu tư Nga. Thương mại của Phần Lan cũng tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực hóa chất và các sản phẩm công nghệ cao.

Chính sách “Phần Lan hóa” cũng giải thích tại sao nước này tiếp tục từ chối gia nhập NATO. Nga đã rất tức giận khi các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây như Estonia, Latvia và Litva ký kết tham gia liên minh phương Tây. Trong khi ba nước Bantích này hiện lo ngại sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga thì Phần Lan tin rằng họ có thể tự vệ trước sự hung hăng của Nga bằng cách đứng ngoài NATO, củng cố quan hệ kinh tế gần gũi với nước láng giềng đầy sức mạnh, duy trì một quân đội có quy mô và khả năng đủ trừng phạt mạnh mẽ kẻ xâm lược.

Cùng lúc, sự thay đổi điều kiện ở châu Âu đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh chính sách "Phần Lan hóa". Do vậy, Phần Lan đã tham gia Liên minh châu Âu (EU) năm 1995, tham gia Khu vực Schengen không biên giới năm 1996 và khu vực đồng euro năm 1999. Là thành viên của EU, Phần Lan phải tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Nga và chịu sự trả đũa của Nga với các lệnh cấm nhập khẩu thịt và trứng gia cầm từ châu Âu. Các sản phẩm của Phần Lan xuất sang Nga đang bị ứ lại ở trong nước. Ngoài ra, kinh tế Phần Lan và Nga đều bị ảnh hưởng khi giá dầu thế giới lao dốc. Du khách và nhà đầu tư Nga đột nhiên vắng bóng ở Phần Lan. Tuy nhiên, kinh tế Phần Lan dường như đang thích ứng với sự thay đổi khi du khách Trung Quốc thay thế người Nga. Một trong những điểm thu hút du khách lớn nhất là Rovaniemi - công viên được mệnh danh là ngôi nhà chính thức của ông già Noel. Mỗi năm, nơi này đón hơn nửa triệu người đến thăm. Kinh tế Phần Lan cũng được lợi từ hệ thống giáo dục nổi bật, đưa đến tăng trưởng đáng kể trong ngành tri thức. Tàu phá băng mới nhất thế giới là do Phần Lan thiết kế.

Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế không làm cho Phần Lan có ý định quay lưng lại với Nga. Phần Lan đã nỗ lực duy trì hợp tác xuyên biên giới với Nga về bảo vệ môi trường, vận tải, tìm kiếm cứu nạn và kiểm soát nhập cư.

Phần Lan chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ, và chính sách “Phần Lan hóa” sẽ giữ cho "gấu Nga" không “đụng” tới nước này. 

Theo The Globe And Mail

Trần Quang (gt)