hires_071116-N-0455L-007.jpg

 

Trong các nỗ lực như vậy, một chiến lược lớn là điều rất cần thiết và việc khéo léo đưa ra các thông điệp là điều rất quan trọng. Sau khi phải đối mặt với các chỉ trích bởi hành động “rời rạc” trong chiến lược châu Á (ngoại trừ việc chú tâm vào phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuyển sang ủng hộ khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”, hay còn gọi là FOIP.

Trong bài phát biểu tháng 11/2017 trước Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam, ông Trump đã mô tả FOIP là “nơi mà các nước có chủ quyền và độc lập, với các nền văn hóa đa dạng và các giấc mơ khác nhau, có thể cùng phát triển thịnh vượng và vươn lên trong tự do và hòa bình”. Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ (NSS) năm 2017 bổ sung rằng FOIP mở ra sự thịnh vượng và an ninh cho tất cả và rằng Mỹ sẽ củng cố quan hệ liên minh và đối tác trong khu vực để xây dựng “cấu trúc an ninh theo hệ thống có khả năng ngăn chặn sự xâm lược, duy trì ổn định và đảm bảo quyền tiếp cận tự do tới các lĩnh vực chung”. Được đề cập công khai trong chuyến công du châu Á của ông Trump hồi cuối năm ngoái, FOIP cho thấy câu trả lời của ông Trump về chiến lược châu Á mà các nước trong khu vực đang tìm kiếm từ Washington. Tuy nhiên, để chiến lược này có thể phát huy hiệu quả, các bên cần xem xét 7 vấn đề chính sau:

Thứ nhất, Mỹ và các đối tác nên nỗ lực để xóa đi quan điểm cho rằng FOIP là một công cụ để kiềm chế hay cạnh tranh với Trung Quốc. Mặc dù khu vực đón nhận FOIP như một cơ hội để xây dựng năng lực phòng thủ trên biển và trên không và để chống lại các tuyên bố chủ quyền và hành động bành trướng của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đồng thời cũng trở thành đối tác thương mại và là nguồn cung cấp khách du lịch lớn nhất trong khu vực, cũng như một nhà đầu tư, nhà cung cấp viện trợ và cơ sở hạ tầng quan trọng. FOIP không nên buộc các nước Đông Nam Á phải lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc.

Thứ hai, để xoa dịu những nghi ngờ của Trung Quốc về việc họ đang trở thành đối tượng trực tiếp của FOIP, Đông Nam Á nên đón nhận cơ hội để FOIP bắt tay với Trung Quốc thay vì loại trừ nước này. FOIP có thể cung cấp một nền tảng để khiến Trung Quốc tin vào tầm quan trọng của sự tự do hàng hải và hàng không cũng như tuân thủ các luật lệ thương mại công bằng và có đi có lại.

Thứ ba, Mỹ nên nêu bật hợp tác không chỉ với các cường quốc lớn và các nước còn lại trong Bộ tứ là Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, mà còn với Đông Nam Á. FOIP nên cung cấp một không gian phù hợp để Đông Nam Á tham gia vào việc đưa ra các quyết định quan trọng bởi chiến lược này sẽ có tác động lớn đối với an ninh hàng hải và hàng không, sự ổn định và kinh tế của Đông Nam Á. Sẽ là thiếu sót nếu các cường quốc vạch ra và áp dụng một chiến lược mà không quan tâm đến các nước vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến lược đó.

Thứ tư, Đông Nam Á đòi hỏi các nước phải công nhận các giá trị của họ và không chỉ đơn thuần là giá trị như “để đổi chác” trong các cuộc đàm phán của các cường quốc. Ví dụ, việc Trung Quốc đề xuất hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên để đổi lấy việc cho phép Bắc Kinh rảnh tay hơn ở Biển Đông sẽ là điều không thể chấp nhận được. Việc đảm bảo xua tan những quan ngại như vậy là rất quan trọng.

Thứ năm, FOIP có thể thúc đẩy các cấu trúc an ninh hiện nay trong khu vực. Để điều này có thể mang tính khả thi, Mỹ sẽ cần kiên định trong việc theo đuổi các cam kết đã ghi trong các hiệp định và tránh hành động “hai mặt” - điểm mấu chốt mà các nhà chỉ trích ở Philippines thường nêu ra.

Thứ sáu, Mỹ và các đối tác nên giải quyết các quan ngại về sự ổn định lâu dài của FOIP trong bối cảnh chính trường Mỹ đang đứng trước nhiều vấn đề gây xao lãng và có nguy cơ đảo ngược chính sách dưới thời tổng thống mới.

Cuối cùng, Đông Nam Á nên đón nhận FOIP như một sáng kiến toàn diện và không chỉ đơn thuần tập trung vào lĩnh vực an ninh. Đông Nam Á là một khu vực sôi động cho đầu tư và rộng mở đón nhận nguồn vốn tư nhân và nhà nước. Đông Nam Á đang khao khát thu hút đủ nguồn vốn tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn dài hạn cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng hứa hẹn. Nếu Mỹ có thể tận dụng nguồn vốn tư nhân và các khoản tiền trợ cấp khổng lồ của mình, họ có thể tham gia tích cực hơn vào thị trường cơ sở hạ tầng đang bùng nổ trong khu vực.

Hiện vẫn quá sớm để dự đoán xem FOIP sẽ phát triển ra sao. Nếu FOIP chỉ đóng vai trò như một khía cạnh khác trong sự tình địch giữa các nước lớn thì Mỹ sẽ phải vượt qua các lợi thế của Trung Quốc về khoảng cách địa lý, sự dồi dào về kinh tế và sự liên tục trong triển khai chính sách. Nếu FOIP đóng vai trò như một chiến lược để thúc đẩy các tiêu chuẩn và nguyên tắc được áp dụng cho tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, thì nó sẽ nhận được sự ủng hộ lớn hơn. Cho dù thế nào đi chăng nữa, các vấn đề nêu trên cần nhận được sự xem xét kỹ lưỡng bởi chúng có thể có ảnh hưởng lớn nhất.

Theo “AMTI

Mỹ Anh (gt)