VNE_161833489.jpg

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc quân sự thế giới, điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần chờ đợi và xem xem liệu phản ứng tiêu cực của quốc gia này với phán quyết của Tòa hôm 12/7 sẽ đe dọa các nền dân chủ như thế nào.

Để ngăn chặn các tham vọng quân sự và chống dân chủ của Trung Quốc, điều mấu chốt hiện nay đó là Mỹ cần dẫn dắt các nước châu Á vạch ra một chiến lược ở Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực vốn rất quan trọng với Mỹ và các đồng minh này. Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc, một quốc gia theo đường lối Cộng sản, vẫn luôn khẳng định rằng các tuyên bố chủ quyền của họ đối với hầu hết Biển Đông trong “Đường 9 đoạn” là sự kế thừa từ thời Quốc dân đảng. Tuy nhiên, từ sau năm 2011, Bắc Kinh mới bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch tăng cường các hoạt động để củng cố các yêu sách chủ quyền của mình.

Trong số các hành động của Trung Quốc, đáng chú ý nhất phải kể đến việc xây dựng 7 căn cứ mới ở Trường Sa. Trung Quốc đã đưa các vũ khí mới tới các cơ sở này, tỏ rõ tham vọng tương tự trên Bãi cạn Scarborough, xây dựng các hệ thống mạng lưới thông tin mới để hỗ trợ việc triển khai các loại vũ khí tấn công và giờ đang đe dọa thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), cũng như tiến hành các hoạt động “tuần tra” quân sự lớn hơn.

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc không đơn thuần chỉ là khẳng định các quyền lịch sử, mà tham vọng của nước này là kiểm soát Biển Đông. Để hiện thực hóa tham vọng này, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách tạo lập một “cái ao nhà” ở Biển Đông để bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân, đảm bảo các tàu sân bay trong tương lai và đội tàu đổ bộ của Trung Quốc có thể tiếp cận các vùng biển trên thế giới, gây sức ép chiến lược lớn hơn đối với Đài Loan và đảm bảo khả năng tiếp cận vũ trụ và Mặt trăng từ căn cứ vũ trụ mới xây dựng trên đảo Hải Nam. Bắc Kinh cũng dự định kết nối các căn cứ ở Biển Đông với các cơ sở quân sự đặt tại Ấn Độ Dương trong tương lai để bảo vệ sườn phía Nam của hành lang kinh tế-chính trị nối liền Trung Quốc với vùng Trung Á và châu Âu, phù hợp với chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường” mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

Để thực hiện tham vọng này, có thể là trước những năm 2040, Trung Quốc cần phải tăng cường điều chỉnh các hoạt động chính trị, kinh tế và quân sự (trong khu vực) theo hướng có lợi cho mình. Trung Quốc có thể mua chuộc các nước yếu hơn ở Trung Á, châu Phi và Mỹ Latinh bằng các khoản đầu tư khổng lồ, nhưng kế hoạch quân sự trên toàn cầu và kiểm soát vũ trụ của Trung Quốc đòi hỏi nước này phải “chiếm chỗ” được các cơ sở quân sự do Mỹ chỉ huy ở châu Á, Trung Đông và châu Âu.

Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn lý giải hành vi gây hấn của họ ở Biển Đông theo hướng này. Từ đầu những năm 1990, Bắc Kinh luôn “vui vẻ” thảo luận nhưng không bao giờ đồng thuận với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhằm tránh các cuộc khủng hoảng quân sự. Từ năm 2010, khi Chính quyền Tổng thống Obama tích cực thúc đẩy hợp tác với ASEAN và chỉ trích Trung Quốc về các hành vi gây hấn, Bắc Kinh đã đáp trả một cách hung hăng và sử dụng các công cụ ngoại giao và tuyên truyền để khắc họa Washington như một kẻ xâm lược.

Năm 2013, dựa trên các điều khoản trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Philippines đã đâm đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài để phản đối các yêu sách chủ quyền của quốc gia này. Tháng 7 vừa qua, Tòa Trọng tài đã bác bỏ hoàn toàn “Đường 9 đoạn”, cũng như phủ nhận tính pháp lý của hòn đảo nhân tạo mới mà Bắc Kinh xây dựng trên Đá Vành Khăn, trong Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của Philippines. Ngày 18/7, trong một cuộc gặp song phương, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã khẳng định với Tư lệnh Hải quân Mỹ Đô đốc John Richardson lập trường bác bỏ phán quyết của Bắc Kinh. Ông Ngô Thắng Lợi nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng xây dựng Trường Sa một cách dở dang. Chúng tôi sẽ không bao giờ hy sinh chủ quyền và các lợi ích ở Biển Đông”.

Việc để cho Bắc Kinh coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông sẽ chỉ khuyến khích họ tiếp tục phủ nhận “các luật lệ” quốc tế, mà hầu hết các quốc gia đều tuân thủ để duy trì trật tự. Điều này có thể sẽ càng khiến Bắc Kinh quyết đoán hơn và áp đặt quyền kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng đối với Mỹ (25% số tàu thuyền hoạt động trên các tuyến đường biển này có đích đến là Mỹ). Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các nền dân chủ hiện không có sự lựa chọn nào ngoài việc đoàn kết và bảo vệ những gì mang tính sống còn. Bởi vậy, Washington và Manila nên đi đầu trong chiến dịch pháp lý và chính trị để buộc Bắc Kinh phải trao trả Bãi Vành khăn cho Philippines và trao các căn cứ ở quần đảo Trường Sa cho Liên Hợp Quốc kiểm soát. Một điều cần thiết khác mà Mỹ cần phải làm là trang bị vũ khí đầy đủ cho Philippines để quốc gia này có thể bảo vệ quần đảo Palawan, trả đũa các cuộc tấn công của Trung Quốc từ các căn cứ ở Trường Sa và ngăn Trung Quốc xây dựng thêm căn cứ ở bãi cạn Scarborough.

Để thúc đẩy một chiến lược như vậy, Mỹ và các đồng minh phải chuẩn bị đối phó với phản ứng của Trung Quốc. Washington phải có đủ lực lượng triển khai cùng các đồng minh để Trung Quốc thấy rõ rằng Mỹ sẵn sàng đáp trả mọi hành vi gây hấn của Trung Quốc và đây chính là nguyên tắc cốt lõi của biện pháp răn đe.

Theo Washington times (ngày 1/8)

Hương Trà (gt)