pg_23_china_2_reuters.jpg

Bốn lĩnh vực an ninh đặc biệt quan trọng được nhấn mạnh trong Sách Trắng này gồm: những thách thức về an ninh không gian; an ninh của các tuyến đường biển chiến lược (SLOC) và các lợi ích ở nước ngoài; duy trì một năng lực hạt nhân tối thiểu đủ để đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia; tăng cường năng lực an ninh mạng.

Đầu tiên, Trung Quốc nhận thức được những thay đổi sâu sắc trong tình hình quốc tế. Trong khi một cuộc chiến tranh thế giới là khó có khả năng xảy ra, Trung Quốc thừa nhận rằng thế giới vẫn đang phải đối mặt với mối đe dọa trước mắt và tiềm tàng về chiến tranh cục bộ. Quan niệm về mối đe dọa từ Trung Quốc bao gồm "chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền và chủ nghĩa can thiệp kiểu mới". "Tranh chấp biên giới và lãnh thổ" được nhấn mạnh trong danh sách các vấn đề điểm nóng. Mặc dù không chỉ đích danh Mỹ, song bản Sách Trắng thể hiện quan ngại sâu sắc của Trung Quốc về sự can dự tăng lên của Mỹ tại Biển Đông, điều có thể nhận thấy từ đánh giá của nước này về tình hình an ninh quốc gia.

Mỹ được xem là là đang thực thi "chiến lược tái cân bằng của mình và tăng cường sự hiện diện quân sự cùng các liên minh quân sự của nước này tại khu vực", cùng với "nỗ lực của Nhật Bản trong việc né tránh cơ chế hậu chiến" và "một số nước láng giềng ven biển có những hành động khiêu khích và củng cố sự hiện diện quân sự của họ trên các rạn san hô và các đảo của Trung Quốc mà họ đã chiếm đóng bất hợp pháp". Ví dụ về "sự giám sát và trinh sát liên tục ở phạm vi gần trên biển và trên không chống lại Trung Quốc" được nêu bật một cách rõ ràng trong Sách Trắng. Trung Quốc đã liên tục phản đối các hành động này dựa trên sự diễn giải của mình về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) liên quan đến "tính hợp pháp của các hoạt động quân sự trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước", đồng thời đây là một cuộc tranh luận lâu dài với Mỹ. Máy bay trinh sát P-8 Poseidon của hải quân Mỹ trực tiếp bay trên một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc quản lý được xây dựng trên Đá Chữ Thập ở Biển Đông chỉ đơn giản là không mang tính xây dựng đối với việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời không có lợi cho mối quan hệ lành mạnh Trung-Mỹ trong lĩnh vực hàng hải. Không kể câu hỏi về tính hợp pháp theo UNCLOS, các hoạt động kiểu này có khả năng gây ra các tai nạn trên biển, như vụ máy bay EP-3 hồi năm 2001. Những sự cố như vậy rõ ràng không phải là lợi ích của Trung Quốc và Mỹ. Một cơ chế khu vực nhằm giúp tránh các tai nạn là rất cấp thiết. Một cơ chế như vậy có thể phù hợp với các văn kiện quốc tế hiện có, ví dụ như Thỏa thuận về các sự cố trên biển (INCSEA) hay một Quy tắc ứng xử về các cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES).

Thứ hai, "phòng thủ chủ động" là bản chất của tư tưởng chiến lược quân sự trong bản Sách Trắng, được thể hiện qua: tuân thủ sự thống nhất của phòng thủ chiến lược và các cuộc tấn công mang tính chiến thuật và chiến dịch; phù hợp với các nguyên tắc của quốc phòng, tự vệ và tấn công hậu phủ đầu; điểm cơ bản của "việc chuẩn bị cho đấu tranh quân sự (PMS)" sẽ được dựa trên (quan niệm) "chiến thắng các cuộc chiến tranh cục bộ thông tin hóa, nhấn mạnh đấu tranh quân sự trên biển và việc chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quân sự trên biển". Từ ngữ "đấu tranh quân sự trên biển và việc chuẩn bị cho đấu tranh quân sự trên biển" có thể thu hút sự chú ý khi nó được nêu ra trong bối cảnh các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, một thông điệp quan trọng khác cũng có thể được hé lộ từ "việc tuân thủ lập trường rằng 'chúng ta sẽ không tấn công trừ khi chúng ta bị tấn công, song chúng ta chắc chắn sẽ phản công nếu bị tấn công'". Không một nước nào tại khu vực này muốn thấy sự bùng nổ một cuộc xung đột quân sự ngay gần nước mình, thậm chí chỉ ở quy mô nhỏ, nhất là trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Trung Quốc đảm bảo trong Sách Trắng rằng nước này sẽ không phải là quốc gia "nổ súng đầu tiên". Quan ngại của Trung Quốc xuất phát từ sự can thiệp có thể có từ các nước ngoài khu vực, các nước có thể có các hành động khiêu khích do nhận thức sai lầm về nhau cũng như tính toán hay đánh giá sai lầm về tình hình khu vực. Trung Quốc hy vọng sẽ hợp tác với ASEAN để giải quyết các khác biệt của họ ở Biển Đông theo các cách thức mà họ mong muốn. 

Thứ ba, hải quân Trung Quốc sẽ thay đổi trọng tâm của mình hướng tới “bảo vệ các vùng biển gần” hơn là chỉ "bảo vệ các vùng biển ngoài khơi". Nhìn chung, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tìm cách chuyển đổi từ việc bảo vệ lãnh thổ và vùng ngoại biên gần của nước này trong phạm vi hẹp để hướng tới năng lực nhằm bảo vệ và bảo đảm lợi ích quốc gia của Trung Quốc ở xa hơn. Đối với hải quân Trung Quốc, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc chuyển từ nhấn mạnh về "bảo vệ vùng biển ngoài khơi" sang một sự tập trung tương xứng đối với “bảo vệ các vùng biển gần”. Một mặt, hải quân Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc theo đuổi các lợi ích hàng hải của nước này. Mặt khác, Trung Quốc muốn đóng một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh cho các tuyến đường biển chiến lược và các lợi ích ở nước ngoài, đồng thời tham gia vào hợp tác hàng hải quốc tế cũng như cung cấp sự hậu thuẫn chiến lược cho việc xây dựng bản thân trở thành một cường quốc biển. 

Thứ tư, trong lĩnh vực "chuẩn bị cho đấu tranh quân sự", Trung Quốc chú trọng việc chuẩn bị cho các hoạt động quân sự hơn là cho chiến tranh, ví dụ như cứu hộ khẩn cấp và cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và duy trì sự ổn định, bảo vệ các quyền và lợi ích, nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ hòa bình quốc tế, cũng như trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa quốc tế. Đối với hợp tác quân sự và an ninh, Trung Quốc sẽ nỗ lực để thiết lập các cơ chế an ninh tập thể công bằng, hiệu quả và các biện pháp xây dựng lòng tin quân sự. Tuyên bố này rõ ràng là một thông điệp tích cực từ bản Sách Trắng quốc phòng này./. 

Bài phân tích của tiến sỹ Nong Hong, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mỹ-Trung (ICAS)Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) (Mỹ).

Thùy Anh (gt)