Trước đó, vào ngày 20/4, giới chức Pakistan và Trung Quốc đã cùng ký hơn 50 thỏa thuận nhằm khởi động kế hoạch xây dựng "Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan", một dự án quy mô sẽ giúp tạo ra mạng lưới rộng lớn gồm nhiều tuyến đường, hệ thống đường sắt và đường ống nối liền vùng bất ổn phía Tây Trung Quốc với Biển Arab và đi qua tỉnh Balochistan của Pakistan.

Dự án này là một phần trong sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường" mà Bắc Kinh đưa ra nhằm mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung và Nam Á. Dự án sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn nguồn dầu mỏ của Trung Đông thông qua cảng nước sâu Gwadar tại miền Tây Nam Pakistan. "Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan" được cho là cũng nhằm mục đích giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng mà Trung Quốc đang phải đối mặt, đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của Pakistan (Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,3% trong năm nay).

Trong suốt nhiều năm qua, Bắc Kinh và Islamabad đã liên tục xây dựng và củng cố quan hệ song phương hữu hảo. Bài phát biểu trước Quốc hội Pakistan ngày 21/4 của Chủ tịch Tập Cận Bình tràn đầy những lời ca ngợi tốt đẹp về sự hợp tác giữa hai nước. Ông nhấn mạnh: "Đây là cơ hội phát triển lịch sử của Pakistan. Thủ tướng Sharif đã bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ đưa Pakistan trở thành một con hổ châu Á".

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng bên cạnh những tràng vỗ tay tán thưởng và những lời ca ngợi nồng nhiệt, vẫn còn đó rất nhiều quan ngại về an ninh đối với dự án đầy tham vọng này. Nội dung chính của dự án là xây dựng cảng nước sâu tại Gwadar, nơi một công ty Trung Quốc đã nắm quyền điều hành từ năm 2013, cùng nhiều dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng nhằm tạo thành hàng lang kinh tế chạy từ khu cảng này đến vùng Tân Cương (Trung Quốc), đi qua tỉnh Balochistan của Pakistan. Cảng Gwadar nằm ở phía Đông Eo biển Hormuz, trạm trung chuyển phần lớn nguồn dầu thô của Trung Đông. Tuy nhiên, việc nối Gwadar với phần còn lại của Pakistan và với thành phố Kashgar miền Tây Trung Quốc - một ốc đảo thuộc Khu tự trị Tân Cương cách đó 3.000km - sẽ phải bao gồm cả kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng tại Balochistan. Đây là một trong những khu vực bất ổn nhất tại Pakistan, và suốt một thập kỷ qua liên tục chìm trong các cuộc đấu đá phe phái đẫm máu. Quân nổi dậy Baluch, phản đối phát triển Gwada với lý do khu vực này chưa thực sự độc lập, từng tấn công các kỹ sư người Trung Quốc, cũng như làm nổ tung nhiều đường ống dẫn khí đốt và đường ray xe lửa. Đầu tháng này, Mặt trận Tự do Balochistan cũng tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công tại Balochistan làm thiệt mạng 20 công nhân xây dựng người Pakistan. Đây được cho là vụ bạo lực phe phái đẫm máu nhất kể từ năm 2006.

Biên tập viên tờ "Balochistan Express", ông Siddiq Baloch, nói rằng các phiến quân muốn đe dọa và xua đuổi các nhà đầu tư cũng như những người muốn phát triển khu vực này, những người hợp tác với chính phủ Pakistan như người Trung Quốc. Ông nói: "Có ý kiến cho rằng họ đang tìm cách cản trở phát triển kinh tế, cản trở và thách thức chính quyền trong khu vực bằng những hành động phá hoại này".

Tuy nhiên, việc dùng vũ lực để trấn áp quân nổi dậy tại Balochistan, một vùng đất hoang tàn, thưa thớt dân cư và có địa hình chủ yếu là sa mạc và đồi núi, thực sự là điều không đơn giản. Tỉnh trưởng Balochistan Abdul Malik Baloch cho biết chính quyền đang hết sức nỗ lực tìm cách đàm phán với quân nổi dậy. Trao đổi với hãng tin AFP, ông cho biết: "Chân thành mà nói, bắt đầu đối thoại và đưa phiến quân tới bàn đàm phán là giải pháp duy nhất".

Một nguồn tin chính quyền tiết lộ với AFP rằng để giảm bớt những quan ngại về vấn đề an ninh đối với dự án kể trên, Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain đã trấn an Chủ tịch Tập Cận Bình rằng một sư đoàn đặc biệt của Pakistan sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho nhân công người Trung Quốc. Người phát ngôn quân đội Pakistan, Thiếu tướng Asim Bajwa, viết trên trang cá nhân Twitter rằng "sư đoàn an ninh đặc biệt, gồm các tiểu đoàn quân đội và các đơn vị thuộc Lực lượng Vũ trang Dân sự (CAF) sẽ được tăng cường để đảm bảo an ninh cho các dự án trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Pakistan-Trung Quốc". Trong một tuyên bố sau đó, cũng được đăng tải trên trang cá nhân, ông Bajwa cho biết sư đoàn được chỉ huy bởi một nhân vật cấp bậc Thiếu tướng này sẽ gồm 9 tiểu đoàn quân đội và 6 đơn vị CAF.

Ngày 20/4 vừa qua, phiến quân Baluch đã tấn công một sân bay tại Gwadar, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng nhưng không có thương vong về người. Diễn biến này lại càng khoét sâu thêm các lo ngại về khía cạnh an ninh của dự án.

Andrew Small, tác giả cuốn "Trục Trung Quốc-Pakistan", cho rằng những kinh nghiệm làm việc tại Pakistan trong thời gian qua giúp Trung Quốc có cái nhìn cụ thể và rõ ràng về những dự án khả thi, bất chấp các mối lo ngại về an ninh. Trao đổi với AFP, ông nói: "Trung Quốc chắc chắn không hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả các dự án sẽ được bảo đảm an ninh, song họ cho rằng các vấn đề an ninh là một trong những lý do chính khiến họ càng cần phải thúc đẩy dự án, nhất là vì sự ổn định cho Pakistan".

Theo ông, mặc dù dự án này của Trung Quốc đang làm "lu mờ" khoản viện trợ trị giá 5 tỷ USD mà Mỹ dành cho Pakistan từ năm 2010, song Bắc Kinh chưa hề có ý định thế chỗ của Washington trong khu vực này, và thay vào đó, họ vẫn muốn Mỹ duy trì sự hỗ trợ này.

Theo Business Insider (dẫn nguồn tin từ AFP)

Trần Quang (gt)