Có học giả đã làm nổi bật địa vị của ASEAN trong cuộc cạnh tranh giữa bốn nước là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ một cách rất có hình ảnh. Tuy nhiên, cảm giác gần gũi tự nhiên giữa các nước ASEAN và Trung Quốc được hình thành do đặc điểm địa lý nay đang bị ảnh hưởng rõ rệt, trong đó Việt Nam và Philíppin muốn gắn tranh chấp ở Nam Hải (Biển Đông) với Trung Quốc vào đoàn tầu ASEAN, dựa vào hợp lực để đấu tranh với Trung Quốc; Mỹ muốn dựa vào sức mạnh bên ngoài phát huy sức mạnh của mình, truyền bá hình ảnh của Trung Quốc theo cách nhìn của mình đến với các nước ASEAN; Nhật Bản và Ấn Độ cũng muốn tích cực quan hệ với ASEAN để “cân bằng với Trung Quốc”.

Theo bài báo, tuy nhân tố nước ngoài đang có thay đổi nhưng nhân tố bên trong vẫn là quan trọng nhất. Hiện nay nếu đến Việt Nam, Philíppin hay đến Lào, Mianma cũng đều cảm thấy dân chúng các nước này muốn đáp chuyến tàu nhanh kinh tế Trung Quốc, nhưng đều không giấu được suy nghĩ thực bên trong là cảnh giác với Trung Quốc và lo ngại Trung Quốc dưới hình thức bề ngoài hết lời thán phục Trung Quốc. Những biến chuyển theo một lôgích mới và cách nhìn nhận mới của Trung Quốc hiện nay sẽ được thể hiện qua bài báo như sau: 

Cảnh giác “kẻ mạnh phương Bắc” 



Tại Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á, ảnh hưởng của Trung Quốc dường như đâu đâu cũng thấy. Trung Quốc đã giúp nước này xây dựng rất nhiều đường sá, công trình. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ IX Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đến tấm thảm trải ở phòng hội nghị cũng do Trung Quốc sản xuất, trên đó có bốn chữ “Hoan nghênh khách đến” nổi bật hẳn lên, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy không ít tiếng nói từ cả chính phủ và người dân đều tỏ ra nghi ngờ không biết Trung Quốc có thực tâm giúp mình hay không. Phó chủ nhiệm Tổ bộ môn Hành chính công cộng thuộc Học viện chính trị hành chính quốc gia Lào Pasawa thản nhiên cho biết “tại Lào quả thực có đồn đại như vậy, không biết người Trung Quốc đến đây cuối cùng là vì cái gì”. 


Năm 2009 Lào giành được quyền đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á, Trung Quốc đã chủ động đề xuất giúp Lào xây dựng một nhà thi đấu ở thủ đô Viêngchăn, Chính phủ Lào hứa sẽ cho một công ty đầu tư nước ngoài của Trung Quốc thuê khoảnh đất rộng 1.600 ha với thời hạn sử dụng 50 năm ở ngoại ô Viêngchăn, nhưng khi được tin Trung Quốc đưa 3.000 lao động sang thi công thì một làn sóng dư luận trong dân chúng Lào nổi lên, ép Chính phủ Lào phải rút diện tích khoảnh đất cho thuê xuống còn 200 ha. 


Ở Đông Nam Á có những quốc gia mà ở đó rất nhiều người Trung Quốc thấy có màu da giống mình, thỉnh thoảng lại thấy có người địa phương gốc Hoa nói lưu loát tiếng Trung Quốc, ở đâu cũng có thể thấy các biển treo và các hoành phi, câu đối viết bằng chữ Hán nên có cảm giác gần gũi về văn hóa. Tại khu du lịch Vịnh Hạ Long của Việt Nam , trước một tấm bia khắc bài thơ theo luật thơ chữ Hán, đã diễn ra một cuộc đối thoại ngắn: Một du khách đã hỏi một hướng dẫn viên du lịch Việt Nam bằng tiếng Anh “đây có phải là Chinese không”? Người hướng dẫn du lịch đã nói liền hai tiếng “no, no” một cách hết sức cảnh giác, phản ứng nhanh khiến người nghe rất ngạc nhiên. Từ “chinese” trong tiếng Anh, ngoài nghĩa “tiếng Trung” còn có nghĩa là “của Trung Quốc”. Người nghe được cuộc đối thoại này tưởng rằng người hướng dẫn Việt nam nói “no” chủ yếu là để phủ định ý nghĩa “của Trung Quốc”, nhưng đã được một người bạn đồng hành cho biết người hướng dẫn du lịch phủ định cả nghĩa “tiếng Trung”. Trong cách nói của người Việt Nam , chữ Hán được gọi là “chữ Nho”. Sau đó, tại Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam , người ta được biết “Hoàng thất nhà Trần đã ra lệnh biên soạn chữ Nôm (văn tự của Việt Nam dùng chữ Hán hoặc các bộ của chữ Hán để ghi âm đọc của tiếng Việt) dùng trong các tài liệu lịch sử của quốc gia”. 
Trong một buổi biểu diễn múa rối nước ở trung tâm Hà Nội, màn cuối cùng rõ ràng là được dàn dựng đặc biệt để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Lý Thái Tổ xuất hiện bằng hình thức nhân vật múa rối đã nói với công chúng rằng chọn Hà Nội xây thành đóng đô là để phòng vệ, chống lại “xâm lược đến từ phương Bắc” được tốt hơn. 


Ý thức cảnh giác tại một số nước Đông Nam Á không chỉ đến từ lịch sử. Thực lực kinh tế, quân sự của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng đã khiến rất nhiều người ngưỡng mộ nhưng đồng thời cũng có thêm không ít lo ngại. Viện trưởng Học viện kinh tế thuộc Đại học Philíppin Asainiao Balisakang cho biết dù xét về diện tích hay dân số, Philíppin nhiều lắm cũng chỉ tương đương một tỉnh của Trung Quốc. Thực lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc đều rất mạnh. Philíppin hy vọng Trung Quốc không tiến công Philíppin bằng quân sự. 

ASEAN hy vọng cùng được lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc 



Tại Hội nghị ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN kết thúc ở Bali, Inđônêxia ngày 23/7, vấn đề Nam Hải (Biển Đông) đã trở thành tiêu điểm quan tâm của thế giới. Trả lời phỏng vấn của báo chí, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói rằng bản thân ASEAN không phải là một bên tranh chấp. Với tư cách là một tập thể, ASEAN hy vọng các bên giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình. Ông Surin cũng nhấn mạnh, từ cuối năm nay ASEAN sẽ bắt đầu kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại đối tác ASEAN-Trung Quốc. “ASEAN hy vọng tham gia quá trình kinh tế phát triển nhanh của Trung Quốc, cùng được lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc”. 


Tại rất nhiều nước ASEAN, rất nhiều công chúng thông thường không đặc biệt quan tâm đến vấn đề tranh chấp Nam Hải mà quan tâm hơn đến vấn đề có kiếm được việc làm hay không. Từ hai năm nay kinh tế Việt Nam lên xuống thất thường gây ra áp lực rất lớn trong nỗ lực tạo việc làm. Theo con số thống kê chính thức ở Việt Nam, năm nay ít nhất phải tạo được hai triệu việc làm nhưng dự kiến sẽ chỉ có thể có được 1,5 triệu, còn lại 500 nghìn người không có việc làm. Đó là chưa kể đến số nông dân thất nghiệp do đất bị ít đi. Vấn đề việc làm đã trở thành cơ sở ổn định của quốc gia này. Tại một thôn ở cách Hà Nội khoảng 50 Km, một đảng viên lão thành cho biết việc lớn nhất của quốc gia hiện nay là phải tạo ra tiền đồ sáng sủa hơn cho các cháu học sinh cấp III sắp tốt nghiệp. “Kết quả học tập của con trai tôi bình thường, thi vào trường công lập rất khó, trường dân lập học phí quá cao, gia đình phải gánh quá nặng”, người đảng viên già nói vậy. 


Có một thực tế không thể lảng tránh là giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang có mối quan hệ cạnh tranh trong một số lĩnh vực. Tại các trung tâm thương mại và các tiệm mua bán nhỏ trên đường phố Thái Lan, nhãn mác “Made in China ” (sản xuất tại Trung Quốc) dường như ở đâu cũng thấy. Các mặt hàng quốc tế nổi tiếng bày bán trong các cửa hàng lớn có không ít là hàng “Made in China ”. Tại phố người Hoa và trên các sạp hàng trên khắp các ngõ phố, rất nhiều sản phẩm hàng dệt cũng có nhãn mác “Made in China” với đủ loại chất lượng tốt, chất lượng vừa và chất lượng kém, loại nào cũng có. 
Tại Xinhgapo, Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học quốc lập Xinhgapo, cho biết “do sức ép của khủng hoảng kinh tế, một số nước Đông Nam Á cần phải chuyển dịch áp lực ra ngoài để nâng cao khả năng kiểm soát”. Từ ý kiến này có thể giải thích vì sao Chính phủ Việt Nam có thể cho phép một số ít người đến biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam . Nhưng khả năng kiểm soát như vậy cũng cho thấy tình hình sẽ không thể mở rộng đến chỗ mất kiểm soát. Một khi đòi hỏi nâng cao mức sống trở thành xu hướng ở các nước Đông Nam Á thì ngoài việc hội nhập với nền kinh tế thế giới và hợp tác sâu sắc hơn với Trung Quốc, các nước nói trên cũng không còn cách lựa chọn nào khác tốt hơn. 


Tô Hạo, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quản lý xung đột thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, cho biết ở các nước Đông Nam Á có hai kiểu đề phòng cảnh giác đối với Trung Quốc. Một là đề phòng tiêu cực, nghĩa là đề phòng Trung Quốc “đòi hỏi bành trướng lãnh thổ” khiến các nước liên quan lúc nào cũng phải canh phòng. Ngoài ra tại các nước Inđônêxia và Malaixia, có tâm lý trực tiếp lo ngại số người Hoa chiếm số lượng lớn “thẩm thấu” vào lợi ích của họ. Thứ hai là đề phòng tích cực, đó là kiểu tâm lý huyễn hoặc bên trong các nước ASEAN. Trung Quốc trỗi dậy đã đem lại cho các nước ASEAN cơ hội để khôi phục và phát triển kinh tế. Các nước ASEAN dựa rất nhiều vào kinh tế Trung Quốc nhưng họ lo ngại Trung Quốc lợi dụng ảnh hưởng này để kiểm soát và chủ đạo nền kinh tế của họ. Nói cách khác, điều đó có nghĩa là các nước ASEAN vừa gắn với Trung Quốc nhưng lại vừa lo sợ Trung Quốc. 

Bình tĩnh nhìn nhận chiến lược cân bằng của các nước Đông Nam Á 



Sau khi Nam Hải trở thành điểm nóng, rất nhiều người Trung Quốc lo ngại Đông Nam Á lợi dụng Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Tại Việt Nam , Mỹ rõ ràng là nước phương Tây có ảnh hưởng lớn nhất đối với chính trị và kinh tế của nước này. Đã không chỉ có một học giả ở Việt Nam cho biết kinh tế Việt Nam thực sự cất cánh chính là bắt đầu từ năm nước Mỹ xóa bỏ cấm vận kinh tế. Hiện nay đầu tư trực tiếp từ nước Mỹ đã lên đến 16 tỉ USD. Các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Coca Coca, McDonald, Nike… đang ảnh hưởng đến quan niệm sống của thế hệ mới sau chiến tranh. Hiện có khoảng 1,6 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nước Mỹ, quan hệ của họ với người thân cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của người Việt Nam . Tại thủ đô Manila của Philíppin, từ khu vực có số lượng các ngôi mộ kỷ niệm quân Mỹ chiếm tới 0,61 Km vuông đủ cho thấy ảnh hưởng của Mỹ tại nước này như thế nào. 


Tại Đông Nam Á, phần lớn báo chí chỉ quan tâm đến những tin tức ở nước họ hoặc trong khu vực, trong khi các tin tức quốc tế đưa tin về Trung Quốc thì chịu ảnh hưởng sâu sắc của báo chí phương Tây và các tổ chức phi chính phủ được phương Tây, điển hình là Mỹ tài trợ. Tất cả mọi góc nhìn của phương Tây đối với Trung Quốc đều thông qua báo chí truyền đến cho công chúng Đông Nam Á. Mianma là nước có quan hệ “khó khăn” với nước Mỹ nhưng rất nhiều người Mianma nghe Đài “Tiếng nói Hoa Kỳ” và Đài “Châu Á tự do” phát bằng tiếng Mianma, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của họ đối với Trung Quốc. Tại Mianma và Việt Nam, một số tổ chức phi chính phủ được phương Tây tài trợ thường chuyển những bất bình đối với Chính phủ sang những công trình của Trung Quốc, thông qua mạng Internet để phê phán các dự án do Trung Quốc viện trợ, kích động sự bất mãn của dân chúng. 


Tô Hạo nói các nước Đông Nam Á có ba sự lựa chọn chiến lược là Chiến lược đối trọng cân bằng thế lực, Chiến lược cân bằng và Chiến lược mang tính chất ăn theo. Chiến lược đối trọng cân bằng thế lực mang tính chất đối kháng rất rõ, Philíppin và Việt Nam là có khuynh hướng này, đây là sự lựa chọn nguy hiểm. Chiến lược cân bằng là đưa nước lớn bên ngoài vào, đạt đến mức độ cân bằng sức mạnh. Sự lựa chọn mang tính ăn theo là các nước Đông Nam Á phối hợp, hợp tác theo đà trỗi dậy của Trung Quốc để đạt lợi ích tối đa. 


“Trong rất nhiều lĩnh vực, trở thành nước láng giềng của Trung Quốc là một chuyện tốt. Xét về lâu dài, Trung Quốc trỗi dậy thành nước lớn đã đem lại cho Đông Nam Á một vai trò quan trọng về địa chiến lược hoàn toàn mới”. Tờ “Thời báo tài chính” của Anh đã tổng kết việc các nước Đông Nam Á tận hưởng “điều lợi được quan tâm” nhờ vào Trung Quốc như vậy. Báo này viết: Trung Quốc giúp các nước láng giềng mạnh mẽ nhưng không kèm theo điều kiện nhân quyền khiến nước này được khu vực vốn có nền móng dân chủ rất không bền vững hoan nghênh. Nhưng, kết quả lại là: Bốn nước lớn Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ triển khai một đợt cạnh tranh để gây ảnh hưởng đối với Đông Nam Á. Giáo sư Kishore Mahbubani thuộc Đại học quốc lập Xinhgapo nói: “ASEAN đang trải qua một trong các thời kỳ ngọt ngào nhất trong lịch sử, có bốn nước cùng hào hứng chạy theo một mục đích. Nếu đây là một trận đấu tranh quân sự thì Đông Nam Á sẽ biến thành chiến trường, còn nếu là cuộc cạnh tranh kinh tế thì đây sẽ là điều tốt đối với Đông Nam Á”. 


Tô Hạo cho rằng Trung Quốc mong muốn ASEAN hợp tác và phối hợp với Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng có thể chấp nhận chiến lược cân bằng, đây là một hiện thực. Sự có mặt của nước ngoài khu vực có thể khiến các nước Đông Nam Á yên tâm, thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Trung Quốc không bài trừ sự có mặt của Mỹ. Điều Trung Quốc phản đối là chiến lược đối trọng cân bằng thế lực, phản đối Mỹ lấy cớ đi vào Đông Á để phá hoại hợp tác Đông Á./.

 

 

Theo Thời Bào Hoàn Cầu

Quang Anh (gt)