Trong 8 nước được khảo sát bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, đa số người dân tại mỗi quốc gia này nói rằng họ lo ngại tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự. 

Không còn chỉ là "học thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc", một cụm từ thường được sử dụng ở Bắc Kinh để chế nhạo những lo lắng (không cần thiết) về sự trỗi dậy của Trung Quốc, hiện nay dường như chúng ta đang thấy "mối đe dọa từ Trung Quốc trở thành hiện thực". 

Mặc dù rất khó để thăm dò về việc các chính phủ trong khu vực có quan ngại như công chúng của họ hay không và đã bắt đầu có biện pháp để chuẩn bị cho điều này hay chưa, và nếu cần thiết chống lại các nỗ lực cưỡng ép hơn nữa của Trung Quốc về kinh tế, quân sự và ngoại giao. 

Các chiến lược đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc chắc chắn khác nhau với mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tất cả các chiến lược này có thể được mô tả như là các chiến lược tổng hợp đồng thời theo đuổi nhiều cách thức nhằm đối phó với một quốc gia có lợi thế áp đảo về tầm vóc và sự giàu có.

Các yếu tố chủ yếu của các chiến lược tổng hợp này bao gồm: Một là, hiện đại hóa quân sự. Các nước trong khu vực đang đẩy mạnh nỗ lực để phát triển quân đội của họ theo những cách phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng về sự quyết đoán của Trung Quốc. Trong bối cảnh việc hiện đại hóa quân đội được tiến hành nhanh chóng ở Trung Quốc, một số quốc gia đang đạt được các năng lực bất đối xứng nhằm đối phó với lợi thế quân sự tổng thể của Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản đang phát triển năng lực đổ bộ lớn hơn để bảo vệ "các hòn đảo xa xôi" như quần đảo Senkaku. 

Hai là, tăng cường hợp tác với Mỹ. Các đồng minh và đối tác của Mỹ đang tiến tới việc làm sâu sắc hợp tác an ninh với Mỹ để bổ sung cho các điểm yếu của mình và trong một số trường hợp là các năng lực mà những nước này không có. Các nước trên tuyến đầu tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong đó có Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam có xu thế hướng tới Washington trong những năm gần đây nhằm có được các mối quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn. 

Ba là, quan hệ đối tác an ninh trong nội bộ châu Á. Một xu hướng quan trọng trong cấu trúc an ninh châu Á là sự gia tăng các mối quan hệ an ninh song phương tại khu vực. Trong bối cảnh quan ngại chung về sự trỗi dậy của Trung Quốc và độ bền vững các cam kết của Mỹ đối với khu vực, các quốc gia đang ngày càng tăng cường phối hợp nhằm xây dựng năng lực và phát triển các chiến lược chung để quản lý “thách thức Trung Quốc”. Các nỗ lực này bao gồm việc tiếp cận của Nhật Bản tới Philippines, Úc và Việt Nam, cũng như các cuộc gặp thường xuyên hơn giữa các bên tranh chấp Biển Đông, nhất là là Malaysia, Philippines và Việt Nam nhằm phối hợp và lên kế hoạch phản ứng chung. Nghiên cứu của CNAS đã chỉ ra cách thức mà các thỏa thuận hợp tác trong nội bộ châu Á là cân bằng mang lại lợi ích cho Mỹ và ổn định khu vực. 

Bốn là, các thể chế khu vực và luật pháp quốc tế. Các quốc gia nhỏ hơn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thời điểm đã đứng ra kêu gọi sự đoàn kết với luận điểm rằng chỉ với tính cách là một Hiệp hội thì các quốc gia Đông Nam Á mới có đủ sức nặng kinh tế và chính trị để đối phó với Bắc Kinh. Tương tự như vậy, Philippines đã tìm kiếm các cơ chế trọng tài đa phương trong nỗ lực đưa các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc từ khía cạnh song phương bất đối xứng sâu sắc sang khía cạnh luật pháp và sự can dự của cộng đồng quốc tế. 

Năm là, can dự với Trung Quốc. Mặc dù quan ngại sâu sắc về khả năng Trung Quốc sử dụng các biện pháp cưỡng ép để giải quyết các tranh chấp chính trị, song các nước trong khu vực, chủ yếu vì lý do kinh tế, đang cố gắng để duy trì quan hệ ổn định nếu không phải là tích cực với Bắc Kinh. Điều này phản ánh thực tế rằng, không giống như Mỹ có thể đến và đi bất cứ khi nào họ muốn, Trung Quốc sẽ vẫn là một thực tế địa lý ở châu Á. Kết quả là sự can dự với Trung Quốc đã là một đặc điểm hết sức quan trọng trong các nỗ lực của hầu hết các nước châu Á nhằm quản lý các quan ngại của họ về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong khi không một cách tiếp cận nào kể trên dường như là đủ để định hình hành vi của Trung Quốc thì các chiến lược tổng hợp có thể nuôi dưỡng tiềm năng đóng góp cho một khu vực ổn định và hòa bình hơn./. 

Bài viết của tác giả Ely Ratner, Phó giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) đăng trên National Interest.

Thuỳ Anh (gt)