Việt Nam ngay lập tức phản ứng trước hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hơn 20,000 công nhân Việt Nam đã tràn vào hai khu công nghiệp do Singapore điều hành, tấn công những nhà máy họ cho rằng thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu phần nào chịu tác động, tuy nhiên Hà Nội đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp ổn định tình hình.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu xung đột sẽ leo thang? Liệu Việt Nam có phải quốc gia duy nhất phản đối hay các nước khác cũng cần phải phản ứng trước hành động quyết đoán của Trung Quốc?

Lịch sử đã chứng minh mối nguy hiểm thực sự trong các xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hai nước láng giềng này đã trải qua một cuộc đụng độ ở Quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, Trung Quốc bằng vũ lực đã nắm quyền kiểm soát và hơn 50 người Việt Nam đã hy sinh. Tiếp đó, chiến tranh biên giới giữa hai nước đã nổ ra vào năm 1979. Có thể thấy làn sóng biểu tình chống Trung Quốc trên đường phố đã tăng lên trong những năm gần đây, thể hiện bầu nhiệt huyết của chủ nghĩa dân tộc.

Cho đến nay, các yếu tố mang tính đối trọng đã giúp ngăn chặn xung đột. Ngay sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, giới lãnh đạo hai nước đã đẩy mạnh đối thoại ở nhiều cấp độ về các vấn đề lãnh thổ trên biển và dọc biên giới chung trên bộ. Tuy nhiên trong khi vẫn giữ vững yêu sách, Hà Nội đã hạn chế đưa ra các chỉ trích.

Các sự việc đang diễn ra hiện nay có thể sẽ đảo lộn tiến trình này. Ngay cả khi các lời lẽ gay gắt được đưa ra, cũng cần theo dõi xem liệu các bên có khả năng và có thể lặng lẽ quay trở lại bàn đối thoại, tránh xa sự theo dõi của công chúng hay không.

Nhưng trong mọi trường hợp, không phải duy nhất Việt Nam cần phải lên tiếng.

Các bên yêu sách khác như Brunei, Malaysia và Philippines cũng cần quan tâm đến điều này. Manila đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi đưa tranh chấp biển của nước này với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài và mới đây đã bắt giữ các ngư dân Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt trộm trong vùng biển của Philippines. Tổng thống Philippines đã từng so sánh Trung Quốc với hình ảnh phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai.

Brunei và Malaysia thì thường đưa ra những phản ứng tương đối yếu ớt, nhưng hiện tại họ cũng cần phải kiên quyết hơn. Tàu của Trung Quốc gần đây đã xâm phạm vào vùng biền gần của hai nước này.

ASEAN, với vai trò như tiếng nói chung của khu vực, sẽ buộc phải lựa chọn bên. Cho đến nay, Hội nghị Ngoại trưởng của khối đã không nêu đích danh Trung Quốc, thay vào đó là bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về những diễn biến hiện nay ở Biển Đông. Điều cần làm là thúc đẩy một giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và tăng cường thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử mà ASEAN và Trung Quốc đang hướng tới. Nếu căng thẳng gia tăng hơn nữa, người ta kỳ vọng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á sẽ phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Nhưng liệu Trung Quốc sẽ thực sự quan tâm? Có cảm giác rằng Trung Quốc đang xem nhẹ Việt Nam và cả khu vực.

Chúng ta nên đặt hành động này trong bối cảnh rộng hơn khi Bắc Kinh đang đối đầu với Tokyo ở quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, và việc nước này đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở đây, đồng thời cũng cần lưu ý hành động của Trung Quốc diễn ra ngay sau chuyến công du Châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama mà trong đó các cam kết về an ninh được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Hành động của Trung Quốc có thể được hiểu nhằm mục đích đẩy lui chính sách xoay trục, hay tái cân bằng, tới Châu Á của chính quyền Obama.

Trung Quốc đã khá ranh mãnh khi chĩa mũi nhọn vào Việt Nam vì Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ. Theo quan điểm của Trung Quốc, và đã được kiểm chứng, mỗi động thái, đứng từ góc độ riêng rẽ, dường như không có gì quan trọng. Tuy nhiên, khi tựu chung tất cả lại, người ta có thể thấy nỗ lực dần từng bước, đầy tính toán và mang tính sắp đặt của Trung Quốc trong việc thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho nước này.

Hiện tại vẫn chưa rõ liệu Mỹ có nhìn nhận theo hướng này hay không và nước Mỹ sẽ phản ứng như thế nào. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp trong khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ đã mô tả hành động của Trung Quốc là "khiêu khích và không có lợi."

Đáp lại chỉ trích này, lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tướng Phòng Phong Huy đổ lỗi cho chính sách "xoay trục" của Mỹ đã tạo cơ hội cho các nước láng giềng của Trung Quốc "khuấy động căng thẳng." Ông Phòng đưa ra những bình luận này khi đến Washington tham dự đối thoại cấp cao với những người đồng cấp Mỹ.

Trung Quốc đã đặt quan hệ với Mỹ lên mức độ mới giống như một đối tác đối thoại "cường quốc", hướng tới việc giải quyết tốt hơn mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đầy phức tạp giữa một siêu cường hiện tại và một siêu cường đang nổi trong các vấn đề toàn cầu.

Điều này sẽ là thuốc thử đối với các cam kết của Mỹ, và chính sách tái cân bằng Châu Á. Nếu chính quyền Obama đẩy quá mạnh vấn đề, điều đó có thể phương hại tới một loạt lợi ích khác mà ở đó, sự hợp tác với Trung Quốc là cần thiết. Tuy nhiên, nếu nước Mỹ không đưa ra phản ứng, cam kết bảo đảm an ninh của Tổng thống Obama với khu vực sẽ không có nhiều ý nghĩa. Hy vọng đảo ngược hành động hiện nay của Trung Quốc có thể là đòi hỏi thái quá. Tuy nhiên cần phải hành động nhiều hơn ngoài việc chỉ đơn thuần ra dấu tay cảnh báo để thuyết phục Bắc Kinh rằng nước này sẽ phải trả những giá rất đắt khi có hành động quyết đoán hơn.

Phản ứng của Việt Nam là rất bất bình và ngay lập tức. Không nghi ngờ gì nữa, Philippines đã thể hiện sự đoàn kết thông qua các việc nhanh chóng tổ chức các cuộc biểu tình. Ngoài ra, những tác động lớn hơn sẽ lan truyền trong toàn bộ khu vực và trên khắp Thái Bình Dương.

Đa phần các nước vẫn muốn hợp tác với một Trung Quốc đang trỗi dậy đồng thời duy trì sự ổn định ở khu vực. Nhưng dù không nên hạ thấp uy tín của Bắc Kinh, thì tất cả phải thận trọng khi chấp nhận im lặng. Các bên cần đưa ra những phản ứng được cân nhắc cẩn thận và kỹ lưỡng.

Chuyên gia Simon Tay và Nicholas Fang theo thứ tự là Chủ tịch và Giám đốc Học viện Ngoại giao Singapore. Hai ông đã tham gia phái đoàn của Singapore tham dự đối thoại chiến lược Mỹ-Singapore lần thứ ba ở Washington tuần trước. Bài viết được đăng trên tờ “South China Morning Post” (ngày 20/5).

Người dịch: Hương Trà