Hàng loạt vấn đề căng thẳng đã chia rẽ khu vực Đông Bắc Á: Những vụ tranh chấp biển đảo liên quan đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; những căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên, giữa Trung Quốc và Nhật Bản và dĩ nhiên là cả tình trạng đối đầu từ lâu giữa Trung Quốc và Đài Loan. 

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo lên nắm quyền vào cuối năm 2012 như Tập Cận Bình, Shinzo Abe và Park Geun-hye có nhiều điểm chung. Mặc dù Kim Jong Un lên nắm quyền cách đây một năm nhưng nhà lãnh đạo này cũng có nhiều điểm chung với 3 nhà lãnh đạo nói trên. 

Cả 4 nhà lãnh đạo này đều là những “thái tử” hoặc “công chúa” – trong trường hợp của bà Park Geun-hye. Họ đều là con của những người cha đầy quyền lực, những người đã tham gia quá trình thiết lập quyền lực ở đất nước họ. Họ đều là những chính trị gia có quan điểm bảo thủ, đặt trọng tâm ưu tiên vào trật tự xã hội và sức mạnh quân sự. Họ là những người thuộc dòng dòi theo chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng phương Đông. Và những thách thức gây sức ép nhất đối với họ là các vấn đề trong nước, đặc biệt là vấn đề kinh tế. Hiện nay, chính sách đối ngoại sẽ là một thử thách và là một nhiệm vụ năng nề đối với họ khi họ tìm cách tập trung giải quyết các vấn đề trong nước như củng cố chính trị và thay đổi. 

Ngày 19/12 vừa qua, bà Park Geun-hye đã được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc. Cha của bà Park Geun-hye, cựu Tổng thống Park Chung-hee, người đã cầm quyền tại Hàn Quốc trong 18 năm bằng bàn tay sắt, đã tạo ra một nền kinh tế Hàn Quốc nổi tiếng được đánh giá là “phép màu kinh tế.” Nhiều người Hàn Quốc thường gọi bà Park Geun-hye với ý miệt thị là “công chúa” hoặc “công chúa băng giá,” và thậm chí những người ở gần Tổng thống Hàn Quốc tương lai đã than phiền về thói cậy quyền cậy thế cũng như cách đối xử kiêu căng đối với những người xung quanh bà. 

Bà Park Geun-hye không được giáo dục theo kiểu dân chủ. Ngôi nhà của bà trong suốt một thời gian dài là Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc), với hàng trăm kẻ hầu người hạ, cùng các vệ sĩ và quan chức dưới quyền. Tất cả những người này đều nghe lệnh và đáp ứng những nhu cầu cũng như mong muốn của gia đình bà Park Geun-hye. Vào thời điểm đó, hầu hết người dân Hàn Quốc đều phải làm việc vất vả để tìm đường thoát khỏi nghèo đói và vật lộn với những khó khăn để khắc phục sự tàn phá của chiến tranh. Tuy nhiên, bà Park Geun-hye không phải sống trong cảnh nghèo khó cho đến khi cha mẹ bà bị ám sát, khiến bà trở thành một đứa con mồ côi ở tuổi ngoài 20. 

Bà Park Geun-hye là thành viên mới nhất của một câu lạc bộ những nhân vật cai trị theo kiểu triều đại ở Đông Á, được đại diện đặc biệt bởi Shinzo Abe, con trai của cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Shintaro Abe và là cháu nội của Nobusuke Kishi, một nhà lãnh đạo trong quân đội Nhật Hoàng có quan hệ thân cận với Tướng Hideki Tojo trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai và sau đó trở thành Thủ tướng Nhật Bản. 

Giống như ông Abe, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người vừa nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11 vừa qua, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống quân sự và chính trị. Cha của ông Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân, là một người thuộc thành phần lãnh đạo cách mạng cấp cao trong vai trò những người tham gia lực lượng khởi nghĩa trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc và là một trong những người sáng lập, xây dựng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vào cuối những năm 1980, ông Tập Trọng Huân đã trở thành một nhân vật nổi bật trong công cuộc thúc đẩy cải cách thị trường ở miền Nam Trung Quốc. 

Nhân vật trẻ nhất trong câu lạc bộ “con vua cháu chúa” nói trên là Kim Châng Un, người nắm quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào tháng 12 năm 2011 sau khi cha của ông là nhà lãnh đạo Kim Châng In qua đời. Giống như bà Park Geun-hye ở phía Nam đường vĩ tuyến 38, Kim Châng Un đã được hưởng thụ những đặc quyền đặc lợi và một cuộc sống xa hoa từ khi còn là một đứa trẻ, và được giáo dục ở châu Âu. Giống như Shinzo Abe, Kim Châng Un có nguồn gốc sâu xa từ chế độ triều đại thời hiện đại, bắt đầu từ thời ông nội của ông là nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành. Cả Kim Châng Un và Tập Cận Bình đều thuộc dòng dõi lãnh đạo cách mạng cấp cao và Cộng sản. 

Hiện tại cả 4 nhà lãnh đạo trên đều cùng chia sẻ nhiều điểm chung hơn so với quá khứ. Họ đang phải đối mặt với những căng thẳng về kinh tế, với việc Bắc Triều Tiên cần đổi mới toàn diện hệ thống kinh tế mà Kim Nhật Thành đã tạo ra, và Trung Quốc đang cần kiềm chế - không làm dừng đột ngột hoặc đổ vỡ nghiêm trọng – một nền kinh tế tăng trưởng quá nóng mà cha của ông Tập Cận Bình là người đã có công gây dựng và thúc đẩy. Trung Quốc hiện đang lo ngại về một tỷ lệ tăng trưởng đã bị chậm lại, trong khi Nhật Bản nhìn chung chưa thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều cần những mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, đồng thời thực hiện quản lý minh bạch hơn. Cả 4 quốc gia này đều có nạn tham nhũng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. 

Park Geun-hye, Shinzo Abe, Tập Cận Bình và Kim Châng Un sẽ có một khoảng thời gian khó khăn trong việc tái cấu trúc kinh tế, cải cách và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, sự bất bình trong nước và chủ nghĩa dân tộc đang bùng phát mạnh mẽ là những trở ngại lớn có thể làm chệch hướng sự tập trung cho kinh tế. Kim Châng Un và Tập Cận Bình cần củng cố quyền lực và làm việc với những sức ép về mặt thế hệ, khu vực, phe phái và tư tưởng từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Cân bằng những lợi ích của Đảng, quân đội và chế độ kỹ trị là một điều cấp thiết hiện nay. 

Park Geun-hye và Shinzo Abe đều đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử, nhưng họ thiếu sự ủng hộ của số đông cần thiết. Các đảng đối lập ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thận trọng trong việc ngăn cản và tìm cách hạ bệ họ. Một biện pháp rõ ràng là các đảng này sẽ bắn những mũi tên chỉ trích vào dòng dõi gia đình và yêu cầu sự đền tội cho những tội lỗi mà những người cha của hai nhà lãnh đạo này đã gây ra, cũng như những sai lầm của riêng họ. 

Mỗi hành động của Park Geun-hye đều sẽ bị coi là một phần di sản của cha bà chứ không phải của riêng bản thân bà. Giờ đây bà phải đối mặt với những ký ức và sự oán hận của công chúng về những vụ vi phạm nhân quyền và những hành động bị lên án từ thời cha bà cầm quyền. 

Trên mặt trận chủ nghĩa dân tộc, xu hướng bảo thủ và nền tảng của 4 nhà lãnh đạo trên có lẽ đã cho họ một chút khoảng trống để hành động nhằm kiềm chế những người ủng hộ theo đường lối bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc của họ khỏi bùng lên những ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa. 

Ngay sau chiến thắng của bà Park trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, ông Shinzo Abe đã nhanh chóng mở rộng các động thái ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và dường như muốn phá vỡ một chiến dịch đã được lên kế hoạch trong “Ngày Takeshima” 22/2, một sự kiện chắc chắn sẽ khiến chính phủ mới của bà Park Geun-hye phản ứng gay gắt để phản đối tuyên bố chủ quyền của Tôkyô đối với quần đảo tranh chấp giữa hai nước mà Nhật Bản gọi là Takeshima, còn Hàn Quốc gọi là Dokdo. 

Bản thân bà Park đã cam kết tái can dự với Bắc Triều Tiên, đảo ngược chính sách của Tổng thống mãn nhiệm Lee Myung-bak. Ông Lee Myung-bak đã muốn thực hiện lại Chính sách Ánh Dương và sự thay đổi của chính sách này dưới thời người tiền nhiệm Roh Moo-hyun. Bà Park Geun-hye có lẽ ở vào vị thế dễ dàng cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên hơn đối thủ theo đường lối tự do của bà trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ông Moon Jae-in. 

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng

Thuỳ Anh (gt)