Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN vừa bế mạc ngày 23/7 tại đảo Bali của In-đô-nê-xi-a. Vấn đề Biển Đông trở thành nội dung được quan tâm nhiều nhất. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết Bắc Kinh và các nước ASEAN vừa thông qua bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Điều này không chỉ thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông mà còn chứng minh Trung Quốc và các nước ASEAN có đủ khả năng và trí tuệ để giải quyết tranh chấp. 

Nên gác lại tranh chấp tại Biển Đông 

Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là tranh chấp nên giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua đàm phán trực tiếp với bên liên quan. Trung Quốc và các nước ASEAN tháng 11/2002 đã ký DOC với tôn chỉ duy trì ổn định tại Biển Đông, tăng cường hợp tác và tin tưởng lẫn nhau nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để cuối cùng giải quyết hòa bình tranh chấp với các nước liên quan. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông trong suốt 9 năm qua vẫn không hề ổn định. Lý giải về nguyên nhân của tình trạng kể trên, nhà nghiên cứu Thẩm Kí Như thuộc Phòng Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng có ba nguyên nhân như sau: Thứ nhất, một số nước xung quanh, đặc biệt là Việt Nam và Philíppin, đã hiểu nhầm thành ý hòa bình của Trung Quốc. Sự nhẫn nại và nhượng bộ của Bắc Kinh do xuất phát từ đại cục đã bị cho là kém cỏi và mềm yếu nên các nước trên đã xâm chiếm phần lớn đảo, bãi đá. Thứ hai, một số nước xung quanh đã đặt ra hai tiêu chuẩn khác nhau đối với DOC. Một mặt cho rằng DOC là công cụ để trói buộc Trung Quốc, nhưng mặt khác họ lại không thèm đếm xỉa đến bản tuyên bố này, cố ý thể hiện chủ quyền với các đảo đã chiếm thông qua hàng loạt các biện pháp như sửa chữa sân bay, xây dựng công trình quân sự, cổ vũ di dân, thành lập chính quyền hành chính và xây dựng điểm du lịch để thu hút khách quốc tế… Thêm vào đó, các nước xung quanh còn tập trung tăng cường khả năng về hải quân và không quân để sẵn sàng tham chiến. Thứ ba, các quốc gia xung quanh, nhất là Việt Nam và Philíppin, còn thông qua triển khai diễn tập quân sự với Mỹ để chủ trương đàm phán đa phương, nhằm quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, gia tăng sức ép với Trung Quốc. Học giả Thẩm Kí Như khẳng định, những hành động kể trên đương nhiên sẽ làm cho cục diện ở Biển Đông ngày càng xấu đi. 

Nghiên cứu viên Đằng Kiện Quần thuộc Phòng Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Trung Quốc, cho rằng DOC có tác dụng rất quan trọng đối với việc ổn định cục diện tại Biển Đông, bản tuyên bố này được ký kết, các nước xung quanh gần như không còn thực hiện các hành động xâm chiếm bằng quân sự. Tuy nhiên, do DOC không mang tính ràng buộc pháp lý nên các nước đã thay đổi cách thức xâm chiếm quyền lợi tại Biển Đông, phương thức xâm chiếm bằng quân sự trước đây đã biến thành việc đẩy mạnh chiếm đoạt dầu mỏ, khí tự nhiên cùng các tài nguyên khác với phạm vi và cường độ ngày càng lớn. 

Cùng khai thác tài nguyên, đôi bên cùng thắng 

Tài nguyên tại Biển Đông chính là nguyên nhân khiến vấn đề tranh chấp tại khu vực này ngày càng phức tạp. Theo nghiên cứu viên Đằng Kiện Quần, Trung Quốc đã sớm đưa ra nguyên tắc “Chủ quyền thuộc về ta, gác tranh chấp, cùng nhau khai thác”, nhưng tình hình hiện nay cho thấy các nước liên quan đồng ý “cùng khai thác”, song “ai khai thác của người đấy”. Liên quan đến chủ trương do Trung Quốc đề ra, nhà nghiên cứu Thẩm Kí Như cho rằng nguyên tắc này không những phù hợp với thực tiễn lịch sử mà còn phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời tuân theo trào lưu toàn cầu hóa kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, một số nước xung quanh đã áp dụng các phương thức bài trừ Bắc Kinh như thôn tính các đảo, độc chiếm nguồn tài nguyên tại Biển Đông và không ngần ngại lôi kéo thế lực bên ngoài nhằm quốc tế hóa tranh chấp… Làm như vậy, tình hình tại Biển Đông sẽ không thể an toàn và ổn định. Đáng chú ý, ASEAN vẫn chưa mất đi lý trí và tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+1 vừa qua đã chính thức thông qua phương châm chỉ đạo thực hiện DOC, theo đó sắp xếp lại các nội dung của Điều 6 trong DOC, trước khi giải quyết toàn diện và lâu dài tranh chấp, các bên liên quan có thể đàm phán hoặc triển khai hợp tác. Phương châm chỉ đạo này đã thể hiện chủ trương “gác tranh chấp, cùng nhau khai thác của Trung Quốc”. Có thể tin tưởng rằng thông qua thực hiện phương châm chỉ đạo kể trên, các nước liên quan trong hợp tác sẽ tăng cường tin tưởng lẫn nhau, thu hẹp bất đồng và tạo điều kiện thuận lợi để cuối cùng giải quyết vấn đề Biển Đông. 

Nghiên cứu viên Lưu Nham thuộc Phòng Nghiên cứu Chiến lược phát triển Hải dương, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, cho rằng thế giới trong thế kỷ 21 sẽ mở rộng ngành hải dương, khai thác và sử dụng một lượng lớn tài nguyên biển. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn thế giới có đến hơn 380 vùng biển cần phân định biên giới giữa các quốc gia ven biển và hiện nay mới chỉ giải quyết được khoảng 1/3. Trong khoảng thời gian 20 năm tới, việc phân định biên giới trên biển sẽ là một phương diện quan trọng của ngành hải dương quốc tế. Những hoạt động tranh chấp quyền lợi hải dương với mục đích chủ yếu là chiếm đoạt tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng như tận dụng tài nguyên dưới đáy tại các vùng biển quốc tế sẽ ngày càng căng thẳng và phức tạp. Các nước xung quanh có lợi ích rất lớn tại Biển Đông, ví dụ như dầu khí đã trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ yếu, chiếm khoảng 30% GDP của Việt Nam. Nghiên cứu viên Lưu Nham khẳng định, “cùng khai thác” tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước là sự lựa chọn thắng lợi cho cả đôi bên. Nếu có thêm bên thứ ba, một phần lợi ích của Trung Quốc và các nước sẽ bị lấy đi mất nên mọi người cần gạt bỏ những toan tính lợi ích cá nhân. Khai thác toàn bộ tài nguyên hải dương ở Biển Đông đủ để thúc đẩy kinh tế hải dương thế giới phát triển. 

Mỹ can thiệp còn mang dụng ý khác 

Nhà nghiên cứu Đằng Kiện Quần phân tích Mỹ từ thời Tổng thống Reagan đã quan tâm đến vấn đề Biển Đông và chính sách đối với khu vực này càng thể hiện rõ hơn dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Oasinhtơn từ năm ngoái đến nay can thiệp nhiều hơn vào các vụ việc tại Biển Đông khiến Việt Nam, Philíppin và các nước khác cho rằng Mỹ chính là chỗ dựa của mình. Mỹ quan tâm đến hàng hải và tự do đi lại ở Biển Đông nên muốn duy trì sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực này. Do vậy, duy trì trạng thái căng thẳng ở mức độ nhất định nào đó hoàn toàn không phải là điều bất lợi cho Oasinhtơn. Làm như vậy, các nước trong khu vực sẽ phải lôi kéo và cần đến sự tồn tại Mỹ, đồng thời Oasinhtơn cũng phát huy được tối đa khả năng kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện nay, Mỹ không thể giúp Việt Nam hoặc Philíppin triển khai một cuộc “so tài cao thấp”, thậm chí là xung đột với Trung Quốc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao. Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu Trung Quốc Thẩm Kí Như cho rằng đây chính là biểu hiện cho kế hoạch “quay trở lại châu Á” của Chính quyền Obama. Trên thực tế, Mỹ từ trước đến nay trên lĩnh vực kinh tế và quân sự chưa từng rời khỏi châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á. Mỹ sở dĩ muốn “quay trở lại châu Á” bởi các lý do: Thứ nhất, muốn kiềm chế Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ; Thứ hai, sợ rằng Trung Quốc nhanh chóng lớn mạnh sẽ khiến ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc bỏ Oasinhtơn đi theo Bắc Kinh. Mỹ muốn thông qua việc kiềm chế Trung Quốc để bảo vệ lợi ích và “quyền chủ đạo” của mình ở Đông Á và Biển Đông là vấn đề tốt nhất để Oasinhtơn lợi dụng thực hiện hai mục đích này. Tuy nhiên, mức độ can thiệp của Mỹ vào các công việc liên quan đến ASEAN, đặc biệt là vấn đề Biển Đông cũng có giới hạn nhất định, điều này đồng nghĩa với việc Oasinhtơn muốn kiềm chế Bắc Kinh, nhưng tránh đối đầu toàn diện. Từ đó cho thấy, một số nước hy vọng được Mỹ giúp đỡ để thôn tính Biển Đông cùng các hòn đảo chỉ là sự tính toán phiến diện, khó lòng thực hiện.  

Theo Mạng Nhân dân Trung Quốc

 Lê Quang (gt)