Đại sứ Tommy Koh, Bộ Ngoại giao Singapore

Phản hồi bài viết của giáo sư Graham Allison, tác giả cho rằng tất cả các quốc gia lớn nhỏ đều có lợi ích khi tuân thủ luật quốc tế.

Giáo sư Graham Allison là một học giả uyên bác. Ông hiện đang là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và các Vấn đề quốc tế Belfer, Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông từng là hiệu trưởng trường Kennedy. Vào ngày 16/7, tờ Straits Times đã đăng bài viết của ông với tiêu đề “Khi các cường quốc không chấp nhận các tòa án quốc tế, liệu có bất thường?

Giáo sư đã kết luận rằng: “thật khó để phủ nhận quan điểm của các nhà tư tưởng hiện thực chủ nghĩa rằng các tòa án Luật biển, Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) chỉ giành cho các nước nhỏ. Các cường quốc sẽ không công nhận thẩm quyền của những tòa án này, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt khi họ cho rằng mình sẽ có lợi ích khi công nhận điều đó.”

Giáo sư Allison cũng trích dẫn và tán thành với kết luận của Thucydides về triết lý Melian rằng: “Kẻ mạnh sẽ làm điều họ muốn; kẻ yếu sẽ phải chịu đựng những gì họ phải chịu…”

Không còn tồn tại thế giới của Thucydides

Thucydides sống ở Athens, Hy Lạp vào thể kỷ 5 trước Công nguyên (TCN), tức là 2.500 năm trước. Ông đã viết nên tác phẩm kinh điển về Cuộc chiến Peloponnesian (431-404 TCN) giữa Athens và Sparta. Kết luận của ông đưa ra là “Sự trỗi dậy của Athens và mối lo sợ ở Sparta về sự trỗi dậy đó khiến chiến tranh là điều không thể tránh khỏi”. Kết luận này vẫn thường được ám chỉ là Bẫy Thucydides.

Quan điểm đầu tiên mà tác giả muốn đưa ra đối với luận điểm của giáo sư Allison là chúng ta hiện không còn sống trong thời đại của Thucydides. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21. Thế giới ngày nay mà chúng ta đang sống về cơ bản khác với thế giới của những người Hy Lạp cổ đại .

Quan điểm thứ hai mà tôi đưa ra liên quan đến một sự kiện đã tạo nên sự thay đổi mang tích cách mạng trong thế giới của chúng ta. Đó là Hòa ước Westphalia, một hòa ước được ký kết vào năm 1648. Các hòa ước hòa bình được ký kết tại Westphalia đã chấm dứt 30 năm chiến tranh giữa Đế chế Roman Thần thánh và cũng kết thúc 80 năm chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Cộng hòa Hà Lan.

Điểm nổi bật mang tính lịch sử của Hòa ước Westphalia là nó đã tạo ra một trật tự mới ở trung tâm Châu Âu dựa trên khái nệm về sự cùng tồn tại giữa các quốc gia chủ quyền. Một chuẩn mực cũng được hình thành nhằm ngăn chặn sự can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Chúng ta có thể nói rằng, khái niệm về chủ quyền quốc gia, một khái niệm mang tính trung tâm đối với luật quốc tế và trật tự thế giới, xuất phát từ Hòa ước Westphalia.

Điều thứ ba tối muốn nói đến là sự ra đời của Liên Hợp Quốc (UN) năm 1945 và sự ra đời mang tính cách mạng của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Hiến chương Liên Hợp Quốc tạo ra một thế giới mới và tốt đẹp hơn. Chẳng hạn, Hiến chương ghi nhận mọi người có quyền tự quyết và độc lập với quốc gia thực dân bảo hộ. Hiến chương cũng thành lập một tổ chức mà ở đó mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có quyền biểu quyết. Các mục tiêu của Hiến chương là thúc đẩy sự phát triển luật quốc tế, bảo vệ nhân quyền, ngăn chặn chiến tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Hiến chương quy định rằng tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, khi sử dụng biện pháp vũ lực bắt buộc phải phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.

UN chắc chắn chưa phải là một tổ chức hoàn hảo. Tuy nhiên, nó đã giúp hình thành một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn. Đó là một thế giới được quản trị bằng luật pháp, quy định và nguyên tắc. Một thế giới mà ở đó các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải có trách nhiệm với hành động của mình đối với các quốc gia khác cũng như đối với người dân của chính mình. Khác với thế giới của Thucydides, các cường quốc không thể làm những gì mà học muốn và các nước nhỏ phải âm thầm chịu đựng. Tất nhiên cũng không sai khi thấy rằng các cường quốc vẫn thường quay sang sử dụng vũ lực để đạt được các mục tiêu chính trị. Tuy nhiên, ngay cả các cường quốc cũng không hề muốn sống trong một thế giới không có luật lệ và hỗn loạn. Họ mong muốn sống trong một thế giới có trật tự hơn. Nhưng cùng lúc đó, họ đòi hỏi có quyền hành động trái với luật của các quốc gia khi mà lợi ích của họ bị đe dọa. Do đó, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa luật pháp và luật của kẻ mạnh. Tham vọng của các quốc gia nhỏ là thúc đẩy thượng tôn luật pháp và làm suy yếu quy luật của sức mạnh. Khát vọng của các quốc gia nhỏ là kiềm chế việc đơn phương sử dụng vụ lực của các cường quốc.

Hồ sơ của Singpaore

Thứ tư, là quốc gia nhỏ, Singapore đã hợp tác cùng với các quốc gia có cùng quan điểm để thúc đẩy luật pháp. Tại UN, Singapore kiên quyết bảo vệ các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và phản đối các quốc gia vi phạm các quy định đó.

Chính vì điều đó, Singapore đã phản đối sự xâm lược của Indonesia đối với Đông Timor vào năm 1975, sự tham gia của Việt Nam ở Campuchia năm 1978, sự xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan năm 1979, sự xâm lược của Mỹ vào Grenada năm 1983 và sự xâm lược của Irac vào Kuwait năm 1990.

Trái với quan điểm của các nhà hiện thực khi cho rằng sức mạnh và vũ lực sẽ luôn đánh bại công lý và luật pháp, tôi đã đưa ra 5 trong tổng số các trường hợp mà ở đó, kẻ xâm lược đã không hề đạt được mục tiêu của mình và cuối cùng phải từ bỏ.

Thứ năm, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một tổ chức quốc tế rất quan trọng. Tổ chức được thành lập năm 1948 với hình thức là Hiệp định Chung về Thương mại và Thuế quan (GATT). Theo các quy định của GATT, giải quyết tranh chấp là tự nguyện và không bắt buộc. Năm 1995, GATT đã được chuyển đổi thành WTO. Khác với GATT, theo quy định của WTO, giải quyết tranh chấp là bắt buộc, không phải là tự nguyện.

Điểm mới của WTO là trong 90% vụ việc, kể cả những vụ việc liên quan đến các cường quốc, bao gồm cả Trung Quốc, các bên thua cuộc đều tuân thủ theo quyết định của phán quyết. Tại sao họ lại chọn cách tuân thủ? Lý do là vì điều đó mang lại lợi ích cho chính họ. Cá nhân tôi đã chủ trì một ban hội thẩm về tranh chấp vào năm 2000 do Úc và New Zealand đưa ra khởi kiện Mỹ. Úc và New Zealand cho rằng, Mỹ đã vi phạm nghĩa vụ của họ theo quy định Hiệp định Tự vệ của WTO. Ban hội thẩm cuối cùng đã nhất trí đưa ra phán quyết với phần thắng dành cho Úc và New Zealand. Mỹ đã kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm tuy nhiên không thành công. Cuối cùng, Mỹ phải tuân thủ theo phán quyết.

Hồ sơ của các cường quốc

Thứ sáu, tối sẽ tóm tắt ngắn gọn về hồ sơ pháp lý của Pháp, Vương quốc Anh, Nga và Mỹ về việc tuân thủ hoặc không tuân thủ luật quốc tế của các quốc gia này. Tôi xin bắt đầu với Pháp.

Năm 1953, Pháp và Anh đã đưa tranh chấp Minquires và Erchos lên ICJ. Pháp thua kiện và đã tuân thủ phán quyết của tòa.

Năm 1973, Úc và New Zealand kiện pháp lên ICJ yêu cầu Pháp phải ngừng các vụ thử hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương. Tòa đã đưa ra lệnh yêu cầu Pháp phải ngưng các vụ thử hạt nhân. Pháp vẫn tiến hành thêm 2 vụ thử trước khi chấm dứt. Năm 1974, tòa đã quyết định rằng, tòa không cần thiết phải đưa ra phán quyết cuối cùng bởi Pháp đã chấp nhận ngưng tiến hành thử hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương.

Năm 2000, Seychelles đã kiện Pháp lên Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS). Vụ tranh chấp liên quan đến mức phạt mà Pháp áp đặt để thả con tàu đăng ký tại Seychelles. Mức phạt mà Pháp đưa ra là 56.000 france. ITLOS đã giảm mức phạt xuống còn 18.000 france. Pháp đã tuân thủ pháp quyết của tòa.

Năm 2001, Ireland đơn phương kiện Anh lên tòa về vụ nhà máy MOX. Anh cho rằng tòa không có thẩm quyền. Tuy nhiên tòa đã tuyên bố rằng minh có thẩm quyền và Anh đã không rút khỏi phiên xử của tòa. Tòa đã yêu cầu cả hai bên cùng hợp tác, giám sát nguy cơ mà nhà máy gây ra đối với biển Irish và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển. Hai bên đã đồng ý hợp tác và phía Ireland đã rút đơn kiện.

Năm ngoái, Mauritius đã tiến hành vụ kiện chống lại Anh về vấn đề Khu vực Biển được Bảo tồn Chagos, nơi mà Anh đã từng tuyên bố là phân lãnh thổ của mình ở Ấn Độ Dương. Giáo sư Allison đã hiểu nhầm phán quyết của tòa trọng tài. Vấn đề tranh chấp ở đây không phải là tính hợp pháp của khu vực biển được bảo tồn mà là việc Anh đã không tham vấn với Maurittius. Tòa đã yêu cầu hai bên tiến hành đàm phán về việc bảo vệ môi trường biển ở quần đảo Chargos.

Năm 2007, Nhật Bản đã kiện Nga lên ITLOS về việc phóng thích con tàu Hoshinmaru mà phía Nga đã bắt giữ. Nhật Bản cho rằng, mức phạt 22 triệu rúp mà phía Nga yêu cầu là quá lớn. ITLOS đã đưa ra quyết định rằng mức phạt cần được giảm xuống còn 10 triệu rúp. Nhật Bản đã trả số tiền và phía Nga đã phóng thích con tàu.

Năm 2013, Hà Lan đã đơn phương kiện Nga liên quan đến việc bắt giữ thủy thủ đoàn cùng với con tàu Arctic Sunrise. Hà Lan yêu cầu ITLOS buộc Nga phải thả con tàu cùng với thủy thủ đoàn. Nga đã bác bỏ thẩm quyền của ITLOS và từ chối tham gia tranh tụng tại tòa. Phiên tòa vẫn diễn ra bất chấp sự vắng mặt của Nga. Tòa đã yêu cầu Nga phải thả con tàu cùng với thủy thủ đoàn ngay khi Hà Lan đóng khoản bảo lãnh 3,6 triệu euro. Ba tháng sau phán quyết, thủy thủ đoàn được thả và ba tháng tiếp theo, con tàu cũng được phía Nga thả. Nga đã khẳng định rằng mình đã hành động phù hợp với luật trong nước chứ không phải theo phán quyết của ITLOS.

Mỹ quay lưng với chính tầm nhìn của mình

Kết thúc Chiến tranh Thế giới 2, Mỹ đã có một viễn cảnh. Họ muốn thay thế một thế giới hỗn loạn và xung đột bằng một trật tự thế giới mới dựa trên luật pháp. Mỹ đã dẫn đầu con đường phát triển luật quốc tế để hạn chế việc sử dụng vũ lực, bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy tự do thương mại và một nền kinh tế thế giới mở. Thế giới mà chúng ta đang sống, bao gồm các thể chế quản lý, luật pháp và quy chuẩn, phần lớn xuất phát từ tầm nhìn đó của Mỹ.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, một số chính quyền Mỹ dường như quay lưng lại với chính sáng tạo của mình. Viện dẫn đến tuyên ngôn của chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ, Mỹ đã từ chối phê chuẩn các hiệp định mà nước này đã ký kết, từ bỏ một số hiệp định và vi phạm những hiệp định mà chính họ vạch ra. Tuy nhiên, khác với các chính quyền tiền nhiệm, tổng thống Barack Obama đã nỗ lực đưa nước Mỹ quay trở lại quan điểm lịch sử của mình về việc bảo vệ luật pháp quốc tế.

Giáo sư Allison đã đúng khi viện dẫn đến án lệ Nicaragua để ám chỉ việc Mỹ đã phớt lờ quyết định của tòa trọng tài và tòa quốc tế như thế nào. Tuy nhiên, ông đã không để cập đến một điều là tổng thống George H. W. Bush đã thay đổi chính sách của chính quyền Bush đối với Nicaragua. Ông đã đưa ra gói viện trợ 500 triệu USD cho Nicaragua. Gần đây, Mỹ đã bồi thường cho Iran 278 triệu USD (376 triệu đô la Singapore) để giải quyết khiếu nại trước vụ Tòa án về khiếu nại Iran-Mỹ. Năm 1996, Mỹ đã trả cho Iran 61,8 triệu USD nhằm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ việc tàu USS Vincennes của Mỹ bắn rơi máy bay dân sự Iran Air 655 của Iran năm 1988.

Tôi xin đưa ra kết luận. Thế giới mà chúng ta đang sống không thực sự hoàn hảo. Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều mong muốn được sống trong một thế giới hòa bình và ổn định. Tất cả chúng ta đều mong muốn sống trong một thế giới của luật pháp thay vì vũ lực. Liệu các cường quốc có tuân thủ luật pháp? Hồ sơ lịch sử có cả hai trường hợp. Tuy nhiên không sai khi nói rằng, trong hầu hết các trường hợp, các cường quốc đều hành đồng phù hợp với luật quốc tế và thượng tôn pháp luật. Họ làm vậy không phải vì chủ nghĩa lý tưởng mà là vì chính lợi ích của họ.

Đối với các cường quốc, họ giúp định hình và hình thành nên các thể chế và các luật định của chúng ta. Họ sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn nếu một thế giới có trật tự thay vì một thế giới vô chính phủ. Do đó, giáo sư Allison đã sai khi cho rằng, việc giải quyết tranh chấp thông các thế chế luật pháp quốc tế chỉ dành cho các nước nhỏ.

Tác giả, Đại sứ Tommy Koh, Bộ Ngoại giao Singapore, là Chủ tịch Hội đồng điều hành của Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapre. Bài viết được đăng trên The Straits Times.

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.