Hội nghị nhất trí cho rằng cần phải nhanh chóng thực thi các hạng mục hợp tác cụ thể như đã đạt được nhận thức chung. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức hội thảo về phòng chống giảm nhẹ thiên tai ở Biển Đông, môi trường biển và kỹ thuật giám sát môi trường biển ở Biển Đông. Các nước ASEAN sẽ tổ chức hội thảo về cứu trợ trên biển, sinh thái biển và đa dạng sinh học biển. Thành quả của hội nghị lần này quả có nhiều mặt lợi đối với việc tiếp tục giữ gìn hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông. Năm 2002 Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký bản DOC nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cam kết thực hiện nguyên tắc tự kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình. “Tuyên bố” nói trên đã giúp duy trì được cục diện ổn định trong tổng thể tình hình Biển Đông, nhưng từ năm 2009 đến nay vấn đề này lại căng thẳng, nếu xét từ những phản ứng đa phương thì chủ yếu có 3 nguyên nhân sau: Thứ nhất, trước thời hạn nộp hồ sơ xác định ranh giới ngoài thềm lục địa cho Ủy ban phân định ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, các nước hữu quan đã tự mình đơn lẻ hoặc cùng nộp hồ sơ hoạch định đường ranh giới có tranh chấp, khiến cho vấn đề Biển Đông vốn đã ổn định từ 10 năm nay lại nổi lên. Thứ hai, sản lượng dầu khai thác ở vùng biển gần của một số nước thuộc Biển Đông giảm đi khiến các nước này phải cần dầu mỏ ở các vùng biển sâu tại Biển Đông. Theo con số “thống kê năng lượng thế giới” của Công ty dầu mỏ Anh (BP), sản lượng dầu mỏ của các nước như Việt Nam, Malaixia, Philíppin đã có xu thế giảm đi ở những mức độ khác nhau sau khi đã lên đến giá trị đỉnh điểm vào năm 2004. Để duy trì sản lượng dầu khí, các nước liên quan một mặt gấp rút thăm dò dầu khí ở những vùng biển tranh chấp, mặt khác lại đưa các công ty dầu mỏ nước ngoài có kỹ thuật thăm dò biển sâu vào tham gia khai thác. Những hành động nói trên không những đã đi ngược lại tinh thần của DOC, mà còn làm cho tình hình căng thẳng thêm. Thứ ba, trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển về phía Đông, một số người trong chính giới Mỹ mượn vấn đề Biển Đông để ly gián quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, nhằm kiềm chế tiến trình trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Mỹ vốn không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, từ lâu nay cũng luôn đứng trung lập trong vấn đề Biển Đông, nhưng trong khi thực lực quốc gia Trung Quốc không ngừng tăng mạnh, cùng với quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN phát triển nhanh, một số thế lực ở nước Mỹ luôn lo lắng, đã tự liên hệ việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông để so sánh, gắn với kinh nghiệm lịch sử của Mỹ hồi thế kỷ 20 là thông qua tham vọng đối với biển Caribê để làm bá chủ ở Tây bán cầu, từ đó khuếch trương lên cái gọi là “Trung Quốc cứng rắn” hoặc “Trung Quốc đe dọa” để khuyến khích kiềm chế Trung Quốc. Xét từ ba điểm nói trên thì vấn đề phân định ranh giới có thể thông qua đàm phán hiệp thương để giải quyết, nhu cầu về dầu khí tăng lên có thể thông qua cùng khai thác để hòa hoãn, nhưng vấn đề thứ ba – vấn đề Mỹ can dự - đòi hỏi các bên liên quan phải cảnh tỉnh. Tháng 7/ 2010, tại Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức tại Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đã tuyên bố “vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ”. Kể từ đó, Mỹ không ngừng gia tăng mức độ can thiệp. Về mặt quân sự, năm 2010 Mỹ đã tổ chức sáu cuộc diễn tập quân sự, đóng quân tại cảng Darwin của Ôxtrâylia, đưa tàu chiến đến bờ biển Xinhgapo, đồng thời có kế hoạch mập mờ đóng quân trở lại ở Philíppin. Dù trong điều kiện dự toán ngân sách quân sự thu hẹp, Mỹ vẫn không ngừng đầu tư cho quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về ngoại giao, Mỹ không những đầu tư cho các đồng minh của Mỹ - ví dụ như tăng viện trợ quân sự cho Philíppin, mà còn tích cực mở rộng quan hệ với đối tác mới - ví dụ như lần đầu tiên ký hiệp định quân sự với Việt Nam v.v., được dư luận cho là thực hiện “kiềm chế thông qua những người đại diện” đối với Trung Quốc. 

Những ngày gần đây, cơ quan tham vấn của Mỹ là “Trung tâm an ninh mới của Mỹ” công bố bản báo cáo, có tên gọi “Mưu cầu hợp tác bằng thực lực: Nước Mỹ, Trung Quốc và Biển Đông”, một mặt ra sức cổ súy nước Mỹ cần mở rộng đầu tư quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thiết lập “Đại liên minh hải quân”, thông qua thực lực buộc Trung Quốc phải có “thái độ hợp tác” trong đòi hỏi của mình; mặt khác lại không ngừng hù dọa các nước Đông Nam Á đang đứng trước mối đe dọa “bị thôn tính hợp pháp” (giống như Phần Lan thời Chiến tranh Lạnh, là nước nhỏ phải thần phục nước lớn Liên Xô, để được bảo vệ Phần Lan phải cắt nhượng cho Liên Xô một phần lãnh thổ), nghĩa là về mặt ngoại giao các nước này ngày càng bị Trung Quốc kiềm chế. Tuy nhiên, trên thực tế, các nước Đông Nam Á quả thực đứng trước nguy cơ “bị thôn tính hợp pháp”, nhưng đe dọa bị thôn tính lại là nước Mỹ chứ không phải Trung Quốc. So sánh với những việc làm nói trên của nước Mỹ thì nỗ lực của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á về mặt duy trì ổn định tình hình Biển Đông ai cũng đều thấy cả. Tháng 7/ 2011, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được những nguyên tắc chỉ đạo thực hiện DOC; tháng 9, Tổng thống Philíppin Aquino đi thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo hai nước nhấn mạnh sẽ thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết tranh chấp, tiếp tục bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định, cũng như tạo dựng môi trường tăng trưởng kinh tế tốt đẹp ở khu vực; tháng 10, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Trung Quốc, hai bên đã ký kết “thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, đề ra những nguyên tắc mang tính chỉ đạo cho việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông; tháng 12, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tổ chức một số cuộc hội thảo bán chính thức xoay quanh vấn đề Biển Đông. Mở đầu năm 2012, Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức thành công Hội nghị quan chức cấp cao Trung Quốc – ASEAN về thực hiện DOC và đã đi đến một loạt nhận thức chung. Như vậy đã chứng tỏ thái độ thực tế và ý chí kiên định của Trung Quốc và ASEAN nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định, loại bỏ sự can dự nhiễu loạn của thế lực bên ngoài ở khu vực Biển Đông. 

 

Tuy nhiên, tình hình nhiễu loạn ở bên ngoài vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Muốn loại bỏ sự nhiễu loạn nói trên cần phải tăng cường lòng tin lẫn nhau, đó chính là nguyên nhân Trung Quốc và ASEAN tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao, đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin, thực hiện DOC. Mặc dù vậy trong tương lai, trên căn bản vẫn cần phải tăng cường lòng tin giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, nhất là những nước tranh chấp, đồng thời phải vượt qua được kiểu quan niệm tai hại cho rằng “cường quốc tất thành bá quyền”. Đó chính là cơ sở quan niệm để Mỹ và phương Tây tạo ra “thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc”. Với ảnh hưởng của thứ quan niệm này, các nước Đông Nam Á rất khó có thể không coi Trung Quốc đang trỗi dậy là mối đe dọa, nhất là khi có sự cổ súy của Mỹ, mối “đe dọa” này dường như đang “hiển hiện ngay trước mắt”. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà những việc làm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông luôn rất dễ được hiểu là “cứng rắn”. Điều kỳ lạ hơn nữa là Mỹ với tư cách là siêu cường duy nhất trên thế giới, lại không lúc nào không lo sợ địa vị bá quyền của mình bị thế giới đe dọa. Biển Đông phải trở thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, đó là nhận thức chung, cũng phù hợp với lợi ích của các nước xung quanh Biển Đông. Nhưng tính chất phức tạp và mức độ khó khăn của vấn đề Biển Đông đòi hỏi các bên liên quan phải loại bỏ nhiễu loạn, bắt đầu từ những vấn đề dễ trước, tạo dựng lòng tin trong hợp tác, chuyển biến quan niệm. Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ tư năm 2012 là một bước khởi đầu tốt đẹp, đặt nền tảng cho hòa bình và ổn định của khu vực Biển Đông trong thời gian tới./.

Lê Sơn (gt)