Một bộ phim tài liệu mới đầy cảm động của Netflix có tên Nhà máy Mỹ - trớ trêu thay đây là bộ phim do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama sản xuất – khắc họa những gì đã xảy ra khi một ông chủ người Trung Quốc tiếp quản một nhà máy đã đóng cửa của Mỹ ở bang Ohio. Kết quả là một cuộc xung đột văn hóa đáng lo ngại khi các công nhân Mỹ bị ép phải làm việc 12 tiếng/ngày với mức lương chưa bằng một nửa so với trước đây và tự nhận thấy mình bị gây sức ép buộc phải tuân thủ đường lối của công ty.

Đối với nhiều cố vấn có đường lối hiếu chiến chống lại Trung Quốc và với chính bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump, trải nghiệm đó cho thấy ảo tưởng mà các đời chính quyền Mỹ trước đây - kể cả Chính quyền Obama – bị ám ảnh về Trung Quốc. Những người theo đường lối cứng rắn cho rằng kể từ khi Trung Quốc mở cửa với thế giới năm 1978 và ngày càng thị trường hóa nền kinh tế của mình, người Mỹ đã tìm cách đưa Bắc Kinh hội nhập vào hệ thống kinh tế dựa trên quy tắc theo phong cách phương Tây – và nhận ra họ không thể làm điều đó. Trung Quốc và Mỹ không thể cùng chung không gian địa chính trị và kinh tế: Các chuẩn mực sống và những kỳ vọng về xã hội và ý thức hệ của họ quá khác biệt. Và trong khi đó, người Trung Quốc đang lấy mất công ăn việc làm, quyền sở hữu trí tuệ và sự thịnh vượng của Mỹ.

Giải pháp mà Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Trump và là người có đường lối hiếu chiến với Trung Quốc nhất, thúc giục tổng thống thông qua là kiên quyết tách khỏi Trung Quốc – trên thực tế là đảo ngược quá trình đạt được tiến bộ trong thương mại và tài chính toàn cầu hóa suốt 40 năm qua, phá bỏ các chuỗi cung ứng toàn cầu và hủy hoại mối quan hệ làm việc trong lĩnh vực địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã tiến triển thất thường.

Thái độ đó dường như ẩn sau một loạt dòng tweet gây sửng sốt của Trump hôm 23/8 sau khi Trung Quốc tuyên bố một đợt áp thuế mới đối với hàng hóa Mỹ trị giá 75 tỷ USD, tuyên bố rằng: “Một cách ngu ngốc, đất nước của chúng ta đã để mất hàng nghìn tỷ USD vào tay Trung Quốc trong nhiều năm. Họ đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta với mức hàng trăm tỷ USD/năm và họ muốn tiếp tục làm điều đó. Tôi sẽ không để việc này xảy ra! Chúng ta không cần Trung Quốc và nói thẳng ra là chúng ta sẽ khá giả hơn nhiều khi không có họ... Do đó, các công ty Mỹ vĩ đại của chúng ta ngay lập tức phải bắt tay tìm kiếm những lựa chọn thay thế Trung Quốc, kể cả việc đưa các công ty về nước và sản xuất tại Mỹ”.

Trump hầu như không có quyền ra lệnh cho các công ty Mỹ ở bất kỳ nơi nào và mặc dù ngày 23/8, Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm hơn 600 điểm vì những lời lẽ của Trump, nhưng nhiều nhà quan sát xem những dòng tweet này chỉ là cơn thịnh nộ mới nhất của một vị tổng thống giận dữ nhận ra rằng cơ hội tái đắc cử của mình đang gặp nhiều rủi ro hơn vì cuộc chiến thương mại dai dẳng với Trung Quốc. Nhưng trong khi đó, Trump tỏ ra cứng rắn hơn nhiều đối với các tập đoàn Mỹ đang làm ăn với Trung Quốc bằng cách áp thuế. Và kể từ khi ông bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, một số chuyên gia đã nghi ngờ rằng mục đích của ông từ đầu là đạt được điều gì đó ấn tượng hơn so với việc chỉ có một thỏa thuận mới. Bằng cách đòi hỏi những điều kiện quá mức từ Bắc Kinh – trên thực tế là yêu cầu nước này phải hủy bỏ hệ thống chủ nghĩa tư bản do nhà nước bảo trợ cũng như tuân thủ luật pháp và các quy định của phương Tây liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và hợp đồng kinh doanh – ông đã khiến các cuộc đàm phán thất bại và ủng hộ một “cuộc ly hôn” với Trung Quốc, điều sẽ làm biến đổi hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu.

Trong hình dung của êkíp Trump, bằng cách nào đó, một kết quả như vậy sẽ khôi phục được sự thịnh vượng mà nhiều người Mỹ nhớ nhung, từ những ngày tầng lớp công nhân trung lưu được trả lương hậu hĩnh chưa bị ảnh hưởng bởi “giá Trung Quốc” và nguồn cung cấp lao động giá rẻ dường như vô hạn, đặc biệt là từ Đông Á.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế học và chuyên gia thương mại cho rằng đó chỉ là tưởng tượng. Khi tìm cách chia tách Mỹ khỏi Trung Quốc, Trump sẽ chỉ thành công một điều: chia tách Mỹ khỏi nền kinh tế toàn cầu. Và điều đó sẽ đồng nghĩa với một tương lai trong dài hạn bị châu Âu, Nhật Bản và cuối cùng là Trung Quốc đánh bại và trở nên bần cùng.

Adam Posen, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng: “Họ có thể gây ra nhiều thiệt hại nhưng không thể đạt được điều mình mong muốn”. Ông tin rằng tách khỏi Trung Quốc là mục đích thực sự của Trump kể từ trước khi ông này trở thành tổng thống. Posen và những người khác không những chỉ ra thiệt hại đối với thị trường khổng lồ của Trung Quốc mà còn cả sự tổn hại đối với uy tín toàn cầu của các thương hiệu Mỹ và khả năng các công ty châu Âu sẽ nhanh chóng bước vào để thay thế vị trí của Mỹ.

Michael Pillsbury, người từng có thời gian làm cố vấn cho Trump về vấn đề Trung Quốc, đã nói với tờ Foreign Policy rằng ông tin chắc tổng thống không ủng hộ việc chia tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc và Trump vẫn mong muốn có một thỏa thuận thương mại. Pillsbury nói: “Bất chấp những dòng tweet giận dữ mới đây, tổng thống không nói đến việc chia tách. Ông nói muốn các công ty Mỹ tìm kiếm những sự lựa chọn thay thế mới”. Pillsbury nói thêm rằng Trump và êkíp của mình đã bị chọc giận từ hồi tháng 4/2019, khi phía Trung Quốc có vẻ đã rút khỏi cam kết củng cố các biện pháp bảo hộ “có ràng buộc về mặt pháp lý” chống lại những hành vi vi phạm thương mại tại tòa án, được tóm gọn trong một thỏa thuận mang tính thăm dò dày 150 trang. Ông cũng tin rằng các cuộc đàm phán này đã bị trì hoãn bởi một nhóm mới gồm các cố vấn có đường lối hiếu chiến xung quanh nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bất chấp danh tiếng là một người có đường lối hiếu chiến đối với Trung Quốc trong vấn đề an ninh quốc gia, Pillsbury phản đối ý tưởng chia tách, ông nói: “Tôi vừa mới nói chuyện với tổng thống một vài ngày trước. Tôi vẫn lạc quan về việc vẫn có thể có một thỏa thuận”.

Trong những bài phát biểu gần đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson – người tin tưởng vào thiện chí của Trung Quốc trong việc duy trì những khoản đầu tư lớn vào thị trường trái phiếu và chứng khoán của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính 1 thập kỷ trước, do đó đã giúp ngăn chặn một cuộc suy thoái trở thành một cuộc khủng hoảng - đã cảnh bảo rằng Chính quyền Trump đang tìm cách dựng lên “bức màn sắt kinh tế” giữa Mỹ và Trung Quốc. Bằng việc nhận diện Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh quốc gia cũng như mối đe dọa kinh tế, những người có đường lối hiếu chiến ở Washington đang thảo luận về các cơ chế theo phong cách Chiến tranh Lạnh để kiểm soát công nghệ – lý do khiến Chính quyền Trump đã tìm cách gây sức ép buộc các nước khác phải từ bỏ việc mua các sản phẩm của công ty Huawei trong cuộc đua mạng 5G.

Nhưng như chiến dịch tẩy chay Huawei yếu ớt cho thấy giờ đây, môi trường không khác gì thời Chiến tranh Lạnh – vì lý do đơn giản là hầu hết các nước, trong đó có các đồng minh phương Tây, vẫn mong muốn đứng về phía Bắc Kinh để làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc. Và cuối cùng Trump chắc chắn sẽ phải nhận ra điều đó.

William Reinsch, một chuyên gia về thương mại Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết: “Trump đã tự dồn mình vào chân tường, nơi mà cuối cùng ông sẽ chỉ còn hai lựa chọn – chấp nhận một thỏa thuận yếu ớt hoặc tiếp tục cuộc chiến”. Reinsch là cựu quan chức cấp cao tại Cục Thương mại và là cựu Chủ tịch Hội đồng ngoại thương quốc gia, ông nói thêm rằng: “Đầu hàng không nằm trong vốn từ của Trump và sớm hay muộn cũng sẽ có ai đó nói với tổng thống rằng việc ra lệnh cho các công ty rời khỏi Trung Quốc không thuộc thẩm quyền của ông. Về hai lựa chọn, nếu ông tiếp tục cuộc chiến, các đảng viên đảng Dân chủ sẽ đề cập đến chính sách thất bại, thiệt hại ngoài dự kiến, nhà đàm phán kém cỏi, rằng ông đã gây ra tất cả tổn thất này và không mang lại điều gì... Thay vào đó, nếu ông nỗ lực đạt được một thỏa thuận, ông có thể nói rằng đây là thỏa thuận tuyệt vời nhất từng có và tuyên bố chiến thắng. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ kịch tính sẽ tiếp tục cho đến tháng 9 hoặc tháng 10/2020, thời điểm ông sẽ nỗ lực giành được một chiến thắng kỳ diệu – hoặc điều gì đó mà ông sẽ gọi như thế”.

Những người theo đường lối hiếu chiến dưới thời Trump đã đúng khi cho rằng các đời chính quyền trước đây có phần ngây thơ về Trung Quốc, nước đang có thái độ mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa gay gắt hơn dưới thời Tập Cận Bình. Kể từ sau vụ Thiên An Môn 3 thập kỷ trước, sự hội nhập hoàn toàn vào trật tự thế giới mà người ta hy vọng đã không xảy ra; thay vào đó, nhìn chung Bắc Kinh đã thao túng hệ thống này kể từ khi họ được hoan nghênh gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2001. Và các đảng viên đảng Dân chủ cũng như đảng Cộng hòa đều không có cách hiểu thích đáng về sự chuyển dịch kinh tế, xã hội và chính trị vốn là kết quả của sự toàn cầu hóa hậu Chiến tranh Lạnh, điều đã tạo ra các điều kiện công bằng hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển, nhưng lại đánh đổi bằng việc gây ra sự bất bình đẳng lớn hơn bên trong các nước tiên tiến, do dòng chảy công ăn việc làm trong ngành công nghiệp tràn đến những khu vực có chi phí rẻ hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Dưới chính sách thương mại của Mỹ được cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa ủng hộ, các xu hướng này đã bị gạt bỏ như là một sự đánh đổi không đáng có để đổi lấy mức giá tiêu dùng rẻ hơn. Do đó, Trump có lẽ đã đúng khi cho rằng tới một mức độ nào đó, người lao động Mỹ đã và đang phải chi trả cho sự thịnh vượng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Và khi những xu hướng đó trở nên rắc rối hơn, lên đến đỉnh điểm trong phản ứng dữ dội mang màu sắc dân túy và chủ nghĩa bảo hộ vốn đã tạo ra Trump ở phe cánh hữu và những người thay thế có tư tưởng tiến bộ ở cánh tả như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, những người có đường lối hiếu chiến đối với Trung Quốc ngày càng lớn tiếng về việc kiềm chế Trung Quốc, kìm hãm nước này và tách rời khỏi họ - bất kể điều gì để ngăn cản điều đối với họ dường như là sự trỗi dậy không thể tránh khỏi của một siêu cường đối địch.

Nhưng hầu hết giới quan sát cho rằng dù những sự khác biệt về văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc có là gì thì việc chia tách hai nước ở thời điểm này sẽ giống như việc phẫu thuật tách rời những cặp song sinh dính liền – và cuối cùng khiến Mỹ tổn thất nhiều hơn so với Trung Quốc. Reinsch nói việc tách rời “khó khăn hơn so với những người viết ra điều đó nghĩ và giỏi lắm cũng chỉ là sự tách rời một phần. Dù thế nào, cả hai nền kinh tế cũng sẽ đi theo cách đó – Tập Cận Bình đang có những bài phát biểu về việc Trung Quốc cần đi một mình và có một số lý do không phải từ Trump khiến các công ty Mỹ phải ra đi. “Nhưng chúng tôi có cảm giác rằng điều có khả năng xảy ra nhất là các công ty với khoản đầu tư đáng kể vào Trung Quốc sẽ ở nơi này và phục vụ các thị trường Trung Quốc và châu Á từ đây, nhưng sẽ phục vụ các thị trường Mỹ thông qua các chuỗi cung ứng không phải Trung Quốc”.

Ngoài ra, ngay cả chủ nghĩa tư bản và sự mở cửa ở mức độ thấp cũng hội nhập và ràng buộc Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2009, Obama – người đã tìm cách gây sức ép đối với Trung Quốc về những vấn đề này theo cách thức đa phương hơn bằng việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (mà Trump đã từ bỏ) – nói rằng: “Sức mạnh ở thế kỷ 21 không còn là cuộc chơi được mất ngang nhau” như trong Chiến tranh Lạnh. Nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đã hội nhập đến mức mối liên kết giữa họ tạo ra một hình thức đảm bảo hủy diệt lẫn nhau (MAD) thời hiện đại nếu họ chia tách.

Đối với nền kinh tế thế giới cũng như đối với Mỹ, hầu hết các chuyên gia sẽ nói rằng phiên bản MAD này có nhiều lợi ích hơn là khi không có nó./.

Michael Hirsh là phóng viên cao cấp và phó tổng biên tập tin tức tại tờ Foreign Policy. Trước đó, ông từng làm biên tập tin trong nước tại tạp chí Politico. Ông cũng từng là biên tập tin nước ngoài, phóng viên ngoại giao trưởng và phóng viên kinh tế quốc gia cho tờ Newsweek. Hirsh là người đồng chiến thắng trong giải thưởng của Câu lạc bộ báo chí nước ngoài (Overseas Press Club) cho hạng mục báo cáo tạp chí tốt nhất năm 2001 với bài viết “Dự đoán trước trong việc xác định mối đe dọa của al Qaeda nửa năm trước cuộc tấn công ngày 11 tháng 9” và Báo cáo về cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu của ông trên tờ Newsweek, đồng thời ông cũng giành thêm hai giải Tạp chí quốc gia (National Magazine Awards) cho những xuất sắc chung. Ông còn là tác giả của hai cuốn sách: “Capital Offense: How Washington’s Wise Men Turned America’s Future Over to Wall Street” và “At War With Ourselves: Why America Is Squandering Its Chance to Build a Better World”. Bài viết được đăng trên trang Foreign Policy.

Hà Lực (gt)