Bốn thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông đã không có được quan điểm thống nhất về các hành động ngày càng quyết đoán và hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi Brunei không tham dự cuộc họp gần đây về cuộc tranh chấp này tại Manila, Phillipines.

Các nguồn tin ngoại giao gần gũi với cuộc gặp cho biết Brunei đã không tham dự cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác của các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông diễn ra tại khách sạn Pan Pacific Hotel ở Manila ngày 18/2 vừa qua và nhiều khả năng nước này cũng sẽ không tham gia cuộc họp lần thứ hai của nhóm này vào ngày 25/3 tới. Tuy nhiên, cuộc họp vừa qua đã chứng kiến sự tham gia hăng hái hơn của Malaysia vào vấn đề này.

Malaysia giờ đây dường như đã từ bỏ thái độ thụ động xưa nay đối với các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong vùng biển này. Các quan sát viên cho rằng sở dĩ Malaysia có sự thay đổi thái độ này là do các cuộc diễn tập quân sự gần đây của Trung Quốc ngoài khơi bãi cạn James Shoal mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, cách bờ biển nước này khoảng 80 km. Đây là phần mỏm xa nhất của bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc. Hai cuộc tập trận trong vòng chưa đầy một năm của Trung Quốc gần bãi cạn James Shoal đã gây sốc và buộc Malaysia phải điều chỉnh chính sách trong vấn đề Biển Đông. Sau cuộc tập trận hồi tháng 1 vừa qua của 3 tàu chiến, một máy bay trực thăng và hàng trăm lính Hải quân Trung Quốc gần bãi James Shoal, Malaysia đã lặng lẽ gia tăng sự hợp tác với Việt Nam và Phillippines, hai quốc gia cũng có tranh chấp với Trung Quốc ở vùng biển này, để đẩy nhanh việc đàm phán về Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) để ràng buộc Bắc Kinh về mặt pháp lý. Các hành động ngày càng quyết đoán hơn của Trung Quốc có thể cũng sẽ buộc Malaysia phải gần gũi hơn với Mỹ.

Từ xưa tới nay, Malaysia thường giảm nhẹ mối quan ngại về an ninh để theo đuổi các mối quan hệ kinh tế nhiều lợi lộc với Trung Quốc, bạn hàng buôn bán lớn nhất của nước này. Thế nhưng, sau cuộc diễn tập lần thứ hai của Trung Quốc gần bãi cạn James Shoal, cuối tháng 1/2014, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã bay sang Manila và Brunei để khẳng định sẽ tham dự cuộc họp đầu tiên ngày 18/2 tại Manila của Nhóm công tác các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông. Tổng thống Phillipines Beningo S. Aquino cũng đã sang Kuala Lumpur để thảo luận về quần đảo Trường Sa và các vấn đề khác liên quan tới hai nước. 

Trong 6 bên có yêu sách ở Biển Đông, chỉ có Brunei là nước không chiếm giữ đảo nào ở Trường Sa. Philippines hiện duy trì binh lính trên 8 đảo và một bãi cạn; Malaysia chiếm giữ 4 đảo; Việt Nam 22 đảo; Trung Quốc 8 đảo và Đài Loan chiếm giữ đảo nước lớn nhất Itu Aba (Thái Bình) và có một căn cứ quân sự trên đảo này. Cuộc họp vừa qua ở Manila không phải là lần đầu tiên Brunei né tránh các cuộc họp của ASEAN về Biển Đông. Tại cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 16-17/1 vừa qua tại khu nghỉ mát Bagan của Myanmar, Brunei cũng không tham dự cùng với Bộ trưởng Ngoại giao của Malaysia, Việt Nam và Philipines. Thay vào đó, Ngoại trưởng Brunei Mohamed Bolkiah lại chọn cách gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam ngày 16/1. Một nguồn tin ngoại giao cho rằng Brunei không thoải mái ngồi trong một cuộc họp ở cấp Bộ trưởng để thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Với cụộc họp ngày 18/2 vừa qua ở Manila, Brunei thông báo với nước chủ nhà Phillipines, thông qua Đại sứ quán của mình ở Manila, rằng họ sẽ cử một đại diện từ Bộ Ngoại giao tham dự. Tuy nhiên, các phái đoàn của Philippines, Malaysia và Việt Nam phải ngồi chờ 30 phút mới bắt đầu được cuộc họp mà vẫn không có bất kỳ quan chức nào của Đại sứ quán Brunei tại Manila đến dự, do vậy đã phải đưa chiếc bàn và lá cờ của Brunei ra khỏi phòng họp.

Kết thúc cuộc họp ngày 18/2, ba phái đoàn của Phillipines, Việt Nam và Malaysia vẫn nhất trí cùng thuyết phục Brunei tham dự các cuộc họp của 4 nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông, một diễn đàn mà cuối cùng có thể mở cửa cho cả Trung Quốc. Tại cuộc họp vừa qua, cả Malaysia, Philippines và Việt Nam, mạnh nhất là Malaysia, đều bày tỏ quan ngại về các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Ba nước nhất trí sẽ cùng bác bỏ bản đồ đứt khúc 9 đọan của Trung Quốc mà Phillipines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về lụât biển. 

Đơn kiện Trung Quốc của Phillipines không được đưa ra thảo luận tại cuộc họp hôm 18/2 vừa qua. Tuy nhiên, ngày 27/2, Philippines kêu gọi Hà Nội và các nước khác cùng Manila tham gia vụ kiện chống lại việc nhận chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông của Trung Quốc. Trưởng đoàn luật sư Philippines Francis Jardeleza đã kêu gọi Việt Nam và Malaysia hoặc cùng tham gia với Manila hoặc nộp đơn kiện riêng chống lại Trung Quốc. Theo ông Jardeleza, các nước nhỏ chỉ có một cơ hội về mặt pháp lý để bảo vệ lãnh thổ của mình một cách hòa bình trước siêu cường của châu Á. Vị luật sư này nói rằng Philippines muốn dùng pháp quyền để chứng minh rằng mọi hành động và tuyên bố nhận chủ quyền của Trung Quốc là vô giá trị.

Theo Inter Askyon

Trần Quang (gt)