"Thời báo Hoàn cầu", một báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 21/6 đăng bài xã luận, trong đó cảnh cáo Việt Nam là Bắc Kinh sẽ thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả hành động quân sự, để bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam). Kể từ khi căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông gia tăng, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đe dọa dùng vũ lực đối với Việt Nam.

Bài xã luận viết nếu không tìm được một “giải pháp hòa bình” cho các tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc sẽ buộc phải sử dụng lực lượng hải quân và hải giám để bảo vệ lãnh hải của mình. Báo viết: “Nếu Việt Nam muốn gây ra chiến tranh trên biển Hoa Nam, Trung Quốc sẽ nhất quyết đáp ứng mong muốn đó. Trung Quốc có đủ sức mạnh để đè bẹp các hạm đội từ Việt Nam. Trung Quốc sẽ không nương tay với đối thủ”.

"Thời báo Hoàn cầu" đăng bài xã luận nói trên sau khi Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, phát biểu tại một cuộc hội thảo về Biển Đông ở Oasinhtơn, kêu gọi Mỹ giúp các nước Đông Nam Á phát triển lực lượng hải quân để đối phó với Trung Quốc. Theo ông McCain, chính những đòi hỏi chủ quyền “không vững chắc” và thái độ hung hăng của Bắc Kinh đang làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Ngay sau đó, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo trực tiếp với Oasinhtơn rằng sự can thiệp của họ ở Biển Đông có thể làm tình hình xấu thêm. Trả lời phỏng vấn của Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải thúc giục Mỹ đứng bên ngoài các tranh cãi hiện nay và nói rằng Trung Quốc "hết sức lo ngại" về sự "khiêu khích" thường xuyên của các bên khác tại Biển Đông. Ông Khải cũng cho biết ông sẽ bác bỏ trách nhiệm của Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông nếu vấn đề này được đề cập đến trong cuộc đối thoại vào ngày 25/6 tới ở Hawaii với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell.

"Nhật báo Trung Quốc" ngày 23/6 đăng ý kiến của một học giả thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho rằng “nguồn gốc của tranh chấp trên biển Hoa Nam hiện nay là do những hành động đơn phương của Việt Nam và Philíppin”. Vị học giả này cho rằng: “Mỹ, quốc gia không thuộc khu vực này, đã đổ thêm dầu vào lửa, khi đòi tự do lưu thông hàng hải và mở các cuộc tập trận chung ở các vùng biển của Trung Quốc”.

Tác giả bài viết trên còn đề nghị là Trung Quốc trước hết phải nói rõ cho quốc tế lập trường của mình về vấn đề Biển Đông, thứ hai là Trung Quốc phải bám lấy nguyên tắc “cùng phát triển những vùng đang tranh chấp” và thứ ba là chính phủ phải lập ra một cơ quan cao cấp về các vấn đề biển để phối hợp hành động, đồng thời khẳng định đường ranh giới hình chữ U (mà Việt Nam vẫn gọi là đường lưỡi bò) trên Biển Đông.

Như vậy là một mặt đe dọa dùng vũ lực đối với Việt Nam, mặt khác, báo chí chính thức bằng Anh ngữ của Trung Quốc vẫn cố gắng làm cho công luận quốc tế nghĩ rằng chính những nước khác trong khu vực như Việt Nam và Philíppin đang “gia tăng nỗ lực khai thác tài nguyên và lấn chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa".

Trong một diễn biến khác, báo "Mainichi" (Nhật Bản) đưa tin chủ đề Biển Đông cũng được đề cập tới trong cuộc họp an ninh giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản tại Oasinhtơn ngày 21/6. Tại cuộc họp, các bộ trưởng thúc giục các nước đảm bảo an toàn hàng hải và an ninh dựa trên cơ sở tự do giao thông. Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đồng ý sẽ cùng giải quyết vấn đề tự do thông thương với các quốc gia Đông Nam Á.

Một quan chức Nhật Bản được trích lời thuật lại rằng bà Clinton nói “hoạt động hải quân của Trung Quốc đang gây căng thẳng trong khu vực”, gồm cả biển Hoa Đông và Biển Đông. Đặc biệt, các báo Nhật còn đưa tin Oasinhtơn sẽ đồng ý bán hệ thống chống tên lửa cho “quốc gia thứ ba” nếu Tôkiô coi là việc đó phù hợp với an ninh của Nhật, song không nêu rõ “các nước thứ ba” có nhu cầu mua hệ thống này của Mỹ là nước nào.

Theo hãng tin AP, các giới chức Philíppin ngày 22/6 cho rằng quân đội Mỹ có nghĩa vụ giúp bảo vệ binh lính, chiến hạm và phi cơ của Philíppin chiếu theo Hiệp ước Tương trợ Phòng thủ ký năm 1951 giữa hai nước, nếu quân đội nước này bị tấn công ở vùng quần đảo Trường Sa. 

Chiếu theo hiệp ước Mỹ-Philíppin 1951, nước này có nghĩa vụ giúp nước kia phòng thủ trong trường hợp bị một quốc gia khác tấn công trên lãnh thổ chính quốc hoặc trên vùng Thái Bình Dương. Nhưng vấn đề đang được đặt ra là hiệp ước này có thể được áp dụng trong trường hợp quân đội Philíppin bị tấn công trên một vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Trung Quốc và một số nước khác hay không. Đại sứ quán Mỹ ở Manila từ chối thảo luận về chi tiết của việc thi hành hiệp ước nói trên.

Trước tình hình Biển Đông đang dậy sóng, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, Phó Giám đốc Viện các nước châu Á và châu Phi trực thuộc trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva MGU, ông Andrei Karneev đánh giá: "Hiện tại tiềm ẩn nguy cơ nhất định về leo thang xung đột. Thứ nhất, không thể không tính đến áp lực của dư luận, trong đó, không chỉ riêng dư luận ở Trung Quốc. Người Việt Nam cũng có thái độ khá quyết liệt, yêu cầu Chính phủ nước mình phải hành động nghiêm khắc hơn. Yếu tố quan trọng thứ hai là, bất kể tuyên bố của Mỹ rằng họ có lợi ích quốc gia quan trọng tại vùng Biển Đông, thực ra khả năng tác động của Oasinhtơn đến tình hình vẫn là hạn chế. Mỹ đang ở thế tiến thoái lưỡng nan - một mặt Oasinhtơn muốn ngăn chặn những hành động gay gắt của Bắc Kinh, nhưng đồng thời, Mỹ cũng không thể đẩy Trung Quốc hoàn toàn sang phía đối thủ, bởi nền kinh tế Mỹ đã bị phụ thuộc vào Trung Quốc rất nhiều".

NCBĐ (tổng hợp)