Theo Trịnh Hạo, chuyên gia bình luận các vấn đề quân sự Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Công), chỉ số ít người trong Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh hải quân PLA là có thể biết khá tường tận về kế hoạch của tàu Varyag, ngoài ra không ai có thể biết chính xác thông tin. Liên quan đến vấn đề này, trên cơ sở nghiên cứu và trao đổi với các nhân vật trong ngành, tác giả đã tổng kết ra bốn nhân tố lớn quyết định việc bố trí biên đội tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

1. Cần chú ý đến chính sách ngoại giao 

Việc bố trí biên đội tàu sân bay cần xuất phát từ tổng thể chiến lược phát triển và tổng thể chính sách ngoại giao của Trung Quốc hiện nay, cần suy tính tới các nhân tố quan trọng như diễn biến mới cục diện chiến lược và địa chính trị của các nước xung quanh. Xét từ tổng thể chiến lược phát triển của Trung Quốc, việc duy trì ổn định trong nước tiếp tục xây dựng kinh tế, duy trì ổn định hài hòa xã hội, thúc đẩy nâng cao đời sống nhân dân vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của Trung Quốc. Trung Quốc do đó cần có thời kỳ cơ hội phát triển chiến lược dài hơn, ổn định hơn và bền vững hơn để có thể toàn tâm toàn ý xây dựng, mưu cầu phát triển. Trong bài phát biểu tại buổi khai mạc lớp nghiên cứu cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh ngày 23/7, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh: phát triển vẫn là khâu then chốt để Trung Quốc giải quyết các vấn đề của mình. Qua đó có thể thấy trong một tương lai khá dài, Trung Quốc vẫn cần kiên trì con đường phát triển hòa bình, đây vẫn là quốc sách cơ bản của Trung Quốc. 

Như vậy, việc xây dựng phát triển lực lượng quốc phòng của Trung Quốc, bao gồm các mặt bố trí quân sự và hành động quân sự, cũng tuyệt đối không thể vượt quá yêu cầu chung của duy trì phát triển hòa bình. Ở một nước Trung Quốc mà quân đội phải phục tùng sự chỉ huy của Đảng, cần lấy chính sách quốc gia làm nguyên tắc hành động, quân đội tất phải phục tùng một cách vô điều kiện nhu cầu của Đảng và Nhà nước, từ đó triển khai việc xây dựng, quy hoạch, huấn luyện và bố trí. Rõ ràng, việc bố trí cụ thể biên đội tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cần phải phù hợp với yêu cầu cơ bản này. 

Xét từ tình hình xung quanh mà Trung Quốc phải đối mặt hiện nay, dù là vấn đề Biển Đông hay biển Hoa Đông, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku đang ngày càng phức tạp, cộng thêm chiến lược trở lại châu Á của Mỹ với trọng điểm của hành động quân sự là bao vây Trung Quốc, tất cả đang buộc Trung Quốc không thể không tích cực đối mặt với các loại thách thức nhạy cảm. Tuy nhiên, xét về tình hình tổng thể, châu Á – Thái Bình Dương vẫn là ổn định và có thể kiểm soát, các tranh chấp cá biệt về chủ quyền lãnh hải và đảo bãi cũng không phát triển tới mức cần phải giải quyết bằng chiến tranh; trong khi sách lược ngoại giao linh hoạt “không đứng về bên nào” mà Mỹ áp dụng trong vấn đề Biển Đông đến nay vẫn chưa có thay đổi mang tính căn bản. Cho dù Trung Quốc và các nước có tranh chấp nổ ra xung đột vũ trang, Mỹ cũng không thể vì tranh chấp chủ quyền mà chủ động tham gia. Do vậy, dưới tiền đề môi trường ngoại giao vẫn hòa bình và phát triển, địa điểm bố trí biên đội tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cũng cần tính toán đến phản ứng của các nước xung quanh cũng như sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. 

Có người nói, việc bố trí tàu sân bay là nằm trong lãnh hải của Trung Quốc, không liên quan đến vấn đề ngoại giao, không cần để ý đến việc nước ngoài nghĩ gì, đây là việc thuộc bên trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Nói vậy tuy nghe có lý, song tình hình thực tế lại không đơn thuần như vậy. Do việc phát triển tàu sân bay của Trung Quốc ngay từ khi bắt đầu đã nhận được sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế, các nước xung quanh ầm ầm bày tỏ sự “quan ngại”, do đó, tàu sân bay của Trung Quốc từ lâu đã có “hai loại thuộc tính”: vừa là việc của Trung Quốc, cũng lại vừa liên quan đến đại cục quan hệ ngoại giao. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao, hành động quân sự của Trung Quốc tất phải phục tùng chính sách ngoại giao tổng thể của quốc gia. Ở Trung Quốc, ngoại giao quân sự, hành động quân sự tuyệt đối không thể làm điều gì đặc thù hóa, không thể có ngoại lệ, đây cũng là quốc sách cơ bản trong tình hình cơ bản. Do đó, việc bố trí biên đội tàu sân bay tất phải chú ý tới chính sách ngoại giao. 

2. Cần tính toán tới lợi ích tổng thể phát triển hải quân 

Việc bố trí biên đội tàu sân bay cần phục vụ mục tiêu và quy hoạch lâu dài của việc xây dựng phát triển hải quân Trung Quốc, bố trí ở đâu cũng cần tính toán tới lợi ích tổng thể phát triển hải quân, chứ không phải lợi ích của một hạm đội nào. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng mới đây đã nói rõ, nhiệm vụ chủ yếu của chiếc tàu sân bay đầu tiên là “nghiên cứu và huấn luyện”, rút kinh nghiệm cho việc chế tạo thêm nhiều tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai. 

Qua đó có thể thấy, biên đội tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc dường như có thể khẳng định sẽ không được bố trí ở hai khu vực duyên hải phía Bắc và Nam của Trung Quốc, mà nên ở khu vực duyên hải Trung bộ. Đương nhiên, nhân tố mà hải quân Trung Quốc cần phải tính toán còn bao gồm nhiệm vụ cụ thể của biên đội tàu sân bay này là gì, mục tiêu chiến lược là gì, nguyên tắc hành động là gì… tất cả cần phải được định vị rõ. 

Ngoài ra, do là biên đội tàu sân bay đầu tiên nên ý nghĩa thực tế của nó cũng không thua kém việc Trung Quốc trước đây tiến hành thử nghiệm hạt nhân, do đó không loại trừ việc chính phủ và quân đội Trung Quốc sẽ đưa ra báo cáo kiểu như “sách trắng quốc phòng” nhằm loại bỏ nghi ngờ của bên ngoài đối với tàu sân bay của Trung Quốc, trong đó đề cập cụ thể tới các vấn đề như mục tiêu và động cơ xây dựng phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc, lý do bố trí tàu sân bay… 

3. Cần suy tính hành động quân sự thực tế 

Việc bố trí biên đội tàu sân bay cần tính toán tới hành động quân sự thực tế, căn cứ tình hình cụ thể về vận dụng chiến lược, đầu tư chiến đấu, thực thi chiến dịch… để bố trí một cách tốt nhất. Do đó, bố trí ở đâu cũng cần suy tính thận trọng tới vấn đề chiến lược. Chỉ có như vậy, mới có thể phát huy sức chiến đấu tốt nhất của biên đội tàu sân bay. Ngoài ra, biên đội tàu sân bay vừa cần có tác dụng chiến đấu thực tế, nó cũng lại có chức năng uy hiếp quân sự. Khi tham gia hành động quân sự, nó cần phát huy sức chiến đấu to lớn, song vào thời bình, nó lại phát huy sức uy hiếp nhiều hơn. 
Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền – Phó Viện trưởng Viện khoa học quân sự Trung Quốc – từng cho biết, khi lợi ích quốc gia của Trung Quốc gặp đe dọa, quân đội sẽ lấy “biện pháp khiến kẻ địch cảm thấy khiếp sợ” để phản kích. Đây chính là một loại uy hiếp. Do đó, địa điểm bố trí biên đội tàu sân bay vừa cần phù hợp nhu cầu có thể chinh chiến bất cứ lúc nào, cũng cần có thể linh hoạt, cơ động đi khắp nơi bất cứ lúc nào, phát huy tính y hiếp. 

Trên cơ sở phân tích này, nếu bố trí biên đội tàu sân bay tại vùng duyên hải Trung bộ, vừa có thể phòng ngự khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là những sóng gió không ngừng trên bán đảo Triều Tiên, lại vừa có thể uy hiếp các nước nhỏ ở xung quanh Biển Đông, khi cần thiết có thể đưa vào chiến đấu cục bộ bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Đương nhiên, có thể căn cứ nhu cầu, theo đường hàng hải quốc tế xuyên qua giữa các quần đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản để tiến ra Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện. 

4. Cần tính toán đồng bộ 

Việc bố trí biên đội tàu sân bay cần tính toán tới tình trạng cơ sở đồng bộ hiện có như nơi xây dựng và sửa chữa, cơ sở tiếp tế hậu cần, bến đậu cho tàu sân bay cùng các tàu khác… không thể tách khỏi hiện thực quân cảng hiện nay của Trung Quốc. Không thể ở một nơi hoàn toàn chưa có những cơ sở nói trên mà đầu tư xây dựng một bến cảng hoàn chỉnh đồng bộ cho tàu sân bay, điều này không phù hợp với yêu cầu phát triển hải quân hiện nay của Trung Quốc, cũng không phù hợp với kế hoạch làm nhiệm vụ nghiên cứu của chiếc tàu sân bay đầu tiên. 

Ngoài ra, có thể còn có nhân tố khác cần tính toán, song hầu như chúng sẽ không tách khỏi bốn nhân tố cơ bản nhất nói trên. Theo phán đoán của tác giả, biên đội tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc rất nhiều khả năng do Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh hải quân thống nhất chỉ huy, không trực thuộc bất kỳ hạm đội nào hiện nay của Trung Quốc. Lý do là quân cấp của ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải hiện nay của Trung Quốc đều cùng một cấp, nếu như hạm đội nào tăng thêm một biên đội tàu sân bay, quân cấp của hạm đội đó sẽ tăng thêm một bậc. Điều này dẫn đến việc cải cách biên chế hải quân, vấn đề tương đối phức tạp. 

Do đó, biện pháp đơn giản nhất là biên đội tàu sân bay tạm thời độc lập với ba hạm đội nói trên, quyền tổng chỉ huy đối với nó thuộc Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh hải quân, song cảng mẹ của nó có thể đặt tại chuỗi căn cứ quân cảng Châu Sơn – đảo Đại Sơn ở Chiết Giang, đại bản doanh của Hạm đội Đông hải. Tuy nhiên, bố trí cụ thể thế nào còn cần đợi tuyên bố cuối cùng của Bộ Quốc phòng.

Theo Tín Báo

Văn Cường (gt)