Bài viết cho rằng trong quá khứ, chính sách đối ngoại của Australia luôn phớt lờ Indonesia và chỉ chú trọng tới phương Tây. Indonesia không nằm trong ưu tiên địa chính trị chiến lược của Australia do nước này bị coi là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Australia dường như bị chi phối mạnh bởi bản sắc phương Tây, dù vị trí địa lý của nước này cận kề với châu Á. Đầu tư của Australia vào Indonesia chỉ đạt 214,2 triệu USD năm 2010, thấp hơn rất nhiều so với đầu tư của Singapore vào nền kinh tế số 1 Đông Nam Á này (5,1 tỷ USD). Australia hầu như không quan tâm đến sự phát triển dân chủ đáng kinh ngạc của quốc gia “vạn đảo”, chưa thay đổi quan điểm về Indonesia dù nước này đã trải qua giai đoạn chuyển đổi dân chủ ấn tượng. 

Tuy nhiên, theo tác giả Abbas, trước tình hình và những diễn biến mới ở Indonesia, chính quyền của Thủ tướng Abbott đang muốn tận dụng mọi cơ hội để mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước, xuất phát từ các động lực sau: 

Thứ nhất, Indonesia là quốc gia năng động, có dân số gần 250 triệu người, tăng trưởng GDP khá cao (6-7%; đạt 1.120 tỷ USD năm 2010), tầng lớp trung lưu tăng nhanh - khoảng 8 triệu người mỗi năm và hiện đạt 130 triệu người, gấp sáu lần dân số Australia. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Australia tận dụng các lợi thế của quốc gia láng giềng với nhiều tiềm năng phát triển. 

Thứ hai, quan hệ song phương tốt đẹp sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với hai nước mà còn đối với cả khu vực. Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ trở thành cộng đồng thống nhất vào năm 2015. Quan hệ Australia và ASEAN sẽ trở thành một quyền lực chính trị, kinh tế, xã hội để cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản ở châu Á. Đây là động lực để Australia tăng cường quan hệ gần gũi hơn với Indonesia nói riêng và ASEAN nói chung nhằm đẩy mạnh vai trò của nước này trên sân chơi toàn cầu. 

Thứ ba, Indonesia cũng là đối tác tốt của Australia để nước này can dự vào các quốc gia Hồi giáo. Diễn đàn Kinh tế Hồi giáo Thế giới (WIFE) thường niên lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại London (Anh) vào tháng 10 tới, lần đầu tiên diễn đàn này được tổ chức ngoài châu Á. Australia có thể thông qua diễn đàn kinh tế quan trọng này để đạt được các lợi ích chính trị, kinh tế xã hội mang tính dài hạn. Thứ tư, Indonesia cũng là đối tác tốt để Australia tăng cường quan hệ với 114 nước thành viên của Phong trào Không Liên kết (NAM). Hiện nay, NAM tập trung nhiều vào các vấn đề như dân số, môi trường, buôn lậu, ma túy, nhập cư trái phép. Australia có thể tận dụng một trong các vấn đề chiến lược như nhập cư trái phép để tìm cho mình những giải pháp toàn diện hơn. 

Tác giả kết luận rằng ngoài các vấn đề mang tính chiến lược, đa phương và toàn cầu, ý nghĩa quan trọng nhất trong chuyến thăm của ông Abbott tới Indonesia chính là việc thúc đẩy và phát triển mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh.

 

Tác giả Hafid Abbas, Báo “Bưu điện Giacácta” (Indonesia)

Thuỳ Anh (gt)