Tuy nhiên, bà Rice không cho biết cụ thể ông Obama sẽ đến thăm quốc gia nào. Có thể dự đoán chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du châu Á sắp tới tập trung vào 4 điểm chính:

Thứ nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây có lẽ là tiến trình đàm phán kinh tế quan trọng nhất đang diễn ra trên chính trường thế giới ở thời điểm này. Tham gia đàm phán là các nền kinh tế đang chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Nếu thành công, TPP sẽ tập hợp một nhóm các nền kinh tế Thái Bình Dương có chung chí hướng và tự do hóa thương mại theo hướng có thể giúp tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp Mỹ ở khu vực.TPP sẽ không có sự tham gia của Trung Quốc. Đây là lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều nền kinh tế châu Á, như Nhật Bản - nước vốn lo ngại việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc và tìm cách thiết lập các chiến lược phòng vệ đáng tin cậy. Tuy nhiên, quá trình đàm phán TPP lại khá gây tranh cãi với một rào cản mà theo tiết lộ mới nhất của Wikileaks là về điều khoản tài sản trí tuệ chống lại người tiêu dùng. Tài liệu bị lộ này cho thấy quá trình đàm phán vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trước khi có thể kết thúc theo cách mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực. Vì thế, TPP sẽ là một trọng tâm của Tổng thống Obama trong chuyến công du châu Á năm 2014.

Thứ hai là tái khẳng định giá trị sự hiện diện của Hạm đội 7 tại Thái Bình Dương. Sau thảm kịch bão Haiyan, phản ứng của Mỹ khi điều các nguồn lực hải quân tới bờ biển Philippines là một minh chứng đầy thuyết phục rằng việc duy trì sự hiện diện của Hạm đội 7 trong dài hạn là có giá trị. Bà Rice đã nói rằng nỗ lực của Mỹ tại Philippines đại diện cho một “cam kết lớn hơn” của Mỹ đối với toàn khu vực châu Á.

Thứ ba, Tổng thống Obama có thể sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi ông Tập Cận Bình tìm cách thúc đẩy ý tưởng về một “kiểu quan hệ cường quốc mới” thì phản ứng của Mỹ khá mờ nhạt. Ông Obama phần lớn giữ im lặng về vấn đề này. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cần nhắc lại quan điểm về quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai, theo đó hai nước cam kết giải quyết bất đồng một cách hòa bình, tránh hành động đơn phương làm thay đổi cân bằng quyền lực và tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh khu vực. 

Thứ tư, Tổng thống Obama có thể sẽ có cuộc thảo luận nghiêm túc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye. Hiện hai đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á không hòa hợp. Ông Obama không nên tìm cách làm trung gian giữa các đồng minh mà cần tái đảm bảo với cả Nhật Bản và Hàn Quốc rằng Mỹ là đồng minh của cả hai nước. Ông Obama và ông Abe cũng nên thảo luận về quan điểm của Nhật Bản. Quan điểm của Thủ tướng Abe khác với những người tiền nhiệm, vì thế ông Obama cần phải lắng nghe. Mối quan hệ Mỹ-Nhật có thể cần đến một số động lực mới trước năm 2016. Tại Hàn Quốc, ông Obama cần tái đảm bảo với bà Park Geun-Hye về cam kết của Mỹ đối với mối quan hệ đồng minh và đánh giá lại tình hình Triều Tiên.

Trên đây chỉ là một số điểm trong vô số chương trình nghị sự chính của Tổng thống Obama trong chuyến công du châu Á vào năm sau. Đó là chưa tính đến khả năng ông Obama sẽ tới thăm New Delhi (Ấn Độ) hoặc Islamabad (Pakistan). Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, Đông Á dường như là điểm đến khả dĩ nhất. Đến tháng 4/2014, chắc chắn Tổng thống Obama sẽ có nhiều cuộc đối thoại khó khăn với các nước bạn bè cũng như đối thủ ở châu Á.

Theo "The Diplomat"

Hương Trà (gt)